Người Hải Dương ở nước ngoài hướng về đại lễ
Hòa chung không khí hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cộng đồng người Hải Dương ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hướng về quê hương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) tập trung xem diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ảnh nhân vật cung cấp)
Ấn tượng chương trình diễu binh, diễu hành
Tối 29/4, chị Nguyễn Thị Nhung (quê ở xã Chi Lăng Bắc, Thanh Miện) cùng chồng dọn dẹp lại căn phòng nhỏ ở tỉnh Shiga (Nhật Bản). Lá cờ Tổ quốc do người thân gửi sang được chị treo ở chỗ trang trọng nhất trong nhà. Ngày đại lễ cận kề nên ai cũng háo hức, chờ đợi được hòa mình vào khoảnh khắc thiêng liêng của dân tộc.
Chị Nhung cho biết, chị sang Nhật Bản từ năm 2022 nhưng đây là năm đầu tiên gia đình chị được đón ngày kỷ niệm thống nhất đất nước một cách trọn vẹn nhất. Năm nay, thay vì đi làm, cả hai vợ chồng chị đều xin nghỉ phép ở nhà để xem diễu binh, diễu hành qua màn ảnh nhỏ. Gia đình người bạn thân nhất cũng được chị rủ qua nhà để mở tiệc liên hoan. Trong không khí đầm ấm, vui vẻ mọi người chăm chú đón xem buổi lễ kỷ niệm 50 thống nhất đất nước
"Qua báo chí, tôi biết được nhà nước sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với quy mô lớn ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó có sự tham gia của nhiều bạn bè quốc tế như: Lào, Campuchia, Trung Quốc. Ngày đại lễ, nhìn từng khối diễu binh, diễu hành dần tiến vào lễ đài, tôi càng thêm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng. Dịp Quốc khánh năm nay, gia đình tôi sẽ cố gắng sắp xếp công việc để về Việt Nam thăm Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình lịch sử", chị Nhung chia sẻ.
Những ngày này cộng đồng người Hải Dương ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) thường quây quần bên nhau hướng về đại lễ. Hòa vào dòng người, gia đình anh Vũ Đức Hậu (quê ở thị trấn Thanh Hà) tạm gác lại chuyện riêng để cùng mọi người tham gia bữa tiệc hội ngộ. Dù cuộc sống nơi xứ Hàn còn nhiều khó khăn nhưng nhóm của anh Hậu vẫn cố gắng tìm đủ nguyên liệu để nấu những món ăn chuẩn vị Việt Nam. Trong ngày đại lễ, gia đình anh tập trung để xem diễu binh, diễu hành.
"Gần 10 năm làm việc bên Hàn Quốc là từng ấy lần tôi cùng bạn bè, đồng hương Hải Dương gặp mặt nhau vào dịp 30/4. Năm nay, do tình hình chính trị tại Hàn Quốc khá phức tạp nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của cộng đồng người Hải Dương có nhiều thay đổi. Dù các hoạt động hướng về đại lễ 30/4 được triển khai trên quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn thể hiện rõ nét tinh thần tự hào dân tộc", anh Hậu cho biết.
Nhiều hoạt động thiết thực

Áo in hình cờ Tổ quốc nhuộm đỏ sân thi đấu giải cầu lông do Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam tổ chức (ảnh nhân vật cung cấp)
Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam đã tổ chức giải cầu lông với chủ đề "Kết nối cộng đồng - Tự hào dân tộc". Giải đấu thu hút gần 100 tay vượt đến từ mọi miền Tổ quốc thân yêu. Trên sân thi đấu, tinh thần dân tộc được thể hiện rõ nét qua những chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Tất cả đều hướng về ngày đại lễ của Tổ quốc với niềm tự hào lớn lao.
Chị Nguyễn Thị Quyên (quê ở huyện Ninh Giang) cho biết, hằng năm đến dịp 30/4 chị cố gắng sắp xếp công việc để tham gia các hoạt động do Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam tổ chức. Buổi tối mọi người sẽ đi mua đồ về nấu các món ăn Việt Nam. Năm nay, một số thành viên trong hiệp hội còn tập trung xem lễ diễu binh, diều hành. Ai cũng choáng ngợp trước các màn trình diễn đẹp mắt.
"Với tôi ký ức về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thật đặc biệt. Những ngày này ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy ngập tràn sắc đỏ của cờ Tổ quốc. Mọi hoạt động đều hướng về ngày đại lễ. 3 năm qua ở Malaysia, vào những dịp quan trọng tôi luôn treo cờ Tổ quốc trong nhà để nhắc nhở bản thân về cội nguồn dân tộc", chị Quyên chia sẻ.

Giải cầu lông thu hút đông đảo các vận động viên Hải Dương tham dự (ảnh nhân vật cung cấp)
Trước đó, hướng về ngày đại lễ của dân tộc, cộng đồng người Việt ở Malaysia còn phát động chiến dịch "Hướng về Trường Sa - Xanh hóa biển đảo quê hương". Hoạt động thu hút hàng trăm lượt người tham gia với số tiền vận động được gần 100 triệu đồng. Trong đó, 53 triệu đồng đã được gửi tới Bộ Tư lệnh hải quân để đóng góp cho chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, phủ xanh đảo nổi, đảo chìm và cải thiện nguồn nước sạch cho quân dân tại các đảo; số tiền lại được chuyển cho Ban đại diện Kiều bào Việt Nam tại nước ngoài để xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, mua ghế đá đặt trước nhà đại đoàn kết tại đảo Đá Tây.
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một sự kiện đặc biệt đối với cộng đồng người Hải Dương ở nước ngoài. Dù sống và làm việc xa quê hương, đất nước nhưng họ vẫn biết cách bày tỏ lòng tự hào dân tộc thông qua nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-hai-duong-o-nuoc-ngoai-huong-ve-dai-le-410641.html