Người Hải Phòng mất ngủ vì lo không về được nhà

Bà Mai mất ngủ cả đêm vì lo lắng sẽ phải trình giấy xác nhận từ UBND phường khi về Hải Phòng ăn Tết cùng gia đình. Để không phải làm thủ tục này, bà quyết định về từ 5h sáng.

4h30 sáng 6/2, bà Mai (quê Hải Phòng, sinh sống ở Hà Nội) bật dậy dù chuông báo thức chưa reo. Đêm qua, bà tỉnh giấc thường xuyên vì đi ngủ nhưng trong lòng lo lắng, thấp thỏm. Bà phải hẹn con rể và con gái đưa về quê từ 5h sáng, sớm 4 tiếng so với dự định, sau khi UBND TP Hải Phòng có thông báo người dân cần giấy xác nhận từ nơi đến mới có thể vào thành phố.

"May mà quyết định có hiệu lực từ 12h trưa, vẫn kịp để về quê rồi các con có thể quay ngược ra Hà Nội mà không bị gây khó dễ", bà Mai tự nhủ.

Buổi sáng tất tả

Lên Hà Nội trông cháu ngoại suốt 3 năm nay, chưa năm nào bà Mai phải vất vả nghĩ đến chuyện về quê như vậy. Ở nhà, chồng và con trai lớn ngày nào cũng gọi điện dặn bà về quê sớm vì tình hình dịch bệnh ở Hà Nội có diễn biến phức tạp.

Mấy hôm trước, sau khi bàn bạc lại với con gái lớn ở Hà Nội, bà quyết định cuối tuần này sẽ về quê. Đến tối 5/2, con trai lớn ở quê gọi điện lên thông báo có quy định người về từ Hải Phòng buộc phải có giấy xác nhận nơi đến mới được vào thành phố. Quyết định có hiệu lực từ 12h trưa 6/2.

Lo lắng vì yêu cầu bất ngờ và quá gấp gáp, bà quyết định đổi giờ về quê lên 5h sáng. Dù vất vả hơn khi phải lái xe về lúc sáng sớm, con rể và con gái bà đều đồng ý để mẹ về sớm hơn, chủ động hơn trong việc làm thủ tục ra vào thành phố.

Chuyến về quê của bà Mai "trót lọt". 7h30 sáng, chồng bà ra tận ngõ đón rồi cùng bà ra trạm y tế xã để khai báo thông tin. Sợ bị làm khó về giấy tờ thủ tục, anh con rể phải mang theo cả sổ hộ khẩu để chứng minh bà ở cùng gia đình anh tại Ba Đình, không phải vùng dịch của Hà Nội.

Mẹ hết thuốc, 5 đứa con không ai về được

Khi dịch bệnh bùng lên vào giáp Tết, Bác sĩ Phạm Thu Xanh, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, nhận nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 của thành phố.

"Mẹ tôi năm nay 82 tuổi, sống ở Nam Sách, Hải Dương. Ở đó bây giờ có 19 ca rồi. 5 đứa con của bà đều làm việc ở Hải Phòng, Tết này không ai về được. Đêm qua bà gọi điện cho tôi bảo hết thuốc huyết áp mà tôi cũng không thể mang thuốc về cho mẹ", bà Xanh tâm sự.

 Lãnh đạo UBND Hải Phòng đến kiểm tra một chốt chống dịch trên quốc lộ 5. Ảnh: Haiphong.gov.vn.

Lãnh đạo UBND Hải Phòng đến kiểm tra một chốt chống dịch trên quốc lộ 5. Ảnh: Haiphong.gov.vn.

Chia sẻ về nỗi khổ tâm của mình, bà Xanh vẫn khẳng định rằng việc kiểm soát người dân ra vào thành phố thông qua giấy tờ là rất cần thiết.

Từng giữ cương vị Giám đốc sở Y tế, cùng Hải Phòng đương đầu với 2 làn sóng dịch bệnh, bà Phạm Thu Xanh khẳng định trước làn sóng thứ 3 này nếu giữ được cho thành phố không "toang" là một kỳ tích.

"Xung quanh là 2 tâm dịch Hải Dương, Quảng Ninh, để ngăn được dịch thì chúng tôi phải có chính sách riêng, miễn là không trái với chỉ đạo của Thủ tướng", nữ bác sĩ chia sẻ.

Cần thống nhất giữa các địa phương

Trao đổi với Zing, Trưởng công an phường Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết sáng 6/2, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn đã đến trụ sở công an phường để xin giấy xác nhận. Dù vậy, ông cho biết chưa thể xác nhận và hoàn tất thủ tục này cho người dân vì nhiều lý do.

Thứ nhất, UBND TP chưa ban hành mẫu giấy xác nhận thống nhất được sử dụng trong trường hợp này. Công an phường chỉ chịu trách nhiệm xác nhận thông tin về thường trú, tạm trú trong trường hợp người dân cần để làm giấy đi đường hoặc một mục đích cụ thể, chứ chưa có đủ chức năng cũng như được ủy nhiệm để xác nhận mẫu văn bản để "thông hành" vào thành phố khác.

Thứ hai, công an phường có thể xác nhận nơi ở, nhưng không thể xác nhận thông tin về lịch trình di chuyển cũng như khẳng định người dân chưa từng đi qua vùng dịch nào của Hà Nội.

"Nếu như chúng tôi ký xác nhận họ ở nơi không có dịch của Hà Nội, nhưng họ từng đi qua vùng dịch, đến khi về đến Hải Phòng họ vẫn vào được thành phố, rồi sau đó phát hiện mắc bệnh thì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm về việc này được", vị này cho biết.

Theo đó, Trưởng công an phường cho rằng rất khó để giải quyết cho người dân trong trường hợp này. Mỗi địa phương có quy định riêng, nhưng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc giấy tờ xác nhận cần thông tin gì, cũng như cơ quan nào sẽ được ủy quyền để ký giấy thông hành này cho người dân.

Chiều 5/2, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, làm việc với một số huyện giáp ranh tỉnh Hải Dương về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế và các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Văn Tùng kết luận từ 12h ngày 6/2, người dân vào TP Hải Phòng phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã tại nơi đi nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố.

Đối với người dân ra khỏi TP phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về lý do, lịch trình đi và khi trở lại. Trường hợp quay trở lại mà qua các vùng có dịch phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định và người bị cách ly phải chịu các chi phí.

Nếu không có giấy xác nhận của địa phương, người về Hải Phòng sẽ được đưa về khu cách ly tập trung.

Ngọc Tân - Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-hai-phong-mat-ngu-vi-lo-khong-ve-duoc-nha-post1181535.html