Người hay tắm khuya sẽ bỏ ngay việc này sau khi nghe lý giải của chuyên gia

Sau một ngày lao động vất vả, đến tận tối muộn nhiều người mới có thời gian đi tắm. Bên cạnh đó, cũng có những người không bận bịu gì nhưng vẫn có thói quen tắm đêm trước khi đi ngủ vì chỉ như vậy họ mới có cảm giác sạch sẽ. Tuy nhiên, thói quen này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe và tiểm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ.

Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu "tắm sáng là vàng, tắm trưa là bạc, tắm tối là chì", hàm ý nhắc nhở mọi người rằng việc tắm nước lạnh về đêm rất có hại đến sức khỏe, cần tránh thói quen xấu này.

BS CKII. Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thực tế trong cuộc sống, hàng ngày do quá bận rộn nên nhiều người thường hay có thói quen tắm muộn rồi sau đó bước lên giường đi ngủ luôn. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà nhiều người không ngờ đến. Ít ai biết rằng liệt mặt, chóng mặt, thậm chí đột quỵ nửa đêm đều bắt nguồn từ việc tắm trễ.

Vào thời điểm ban đêm, nhiệt độ bên ngoài giảm xuống thấp, tạo ra sự chênh lệch về nhiệt độ so với cơ thể. Thói quen tắm khuya, tắm khi nhiệt độ cơ thể quá chênh lệch lớn với nhiệt độ nước như: tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nóng về hoặc tắm, ngâm bồn nước nóng lúc trời lạnh… rất dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt.

Tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh minh họa

Tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh minh họa

Theo cơ chế hệ tuần hoàn, các cơ quan trong cơ thể chúng ta khi thay đổi nhiệt độ thì trung tâm điều nhiệt sẽ chỉ huy cho các mạch máu, ví dụ như chúng ta tiếp xúc với nhiệt độ lạnh quá thì lập tức cơ thể chúng ta co lại. Và ngược lại khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với nhiệt độ nóng quá thì cơ thể chúng ta sẽ giãn mạch ra, thậm chí giãn mạch toàn hệ thống.

Khi nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách co hoặc giãn mạch để thích nghi. Khi mạch máu não bị co lại nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành co thắt đột ngột. Đặc biệt ở những người có bệnh lý đau thắt ngực do co thắt mạch vành khi tắm đêm rất dễ xảy ra cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim cấp.

Đặc biệt vào đêm muộn cơ thể của chúng ta thường yếu hơn bình thường, vì lúc này là thời gian cơ thể sắp rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, đề kháng cũng sẽ yếu đi hẳn. Việc tắm đêm bằng nước lạnh sẽ khiến các mạch máu co lại, việc lưu thông máu lên não sẽ bị trì trệ hơn, khiến cơ thể mệt mỏi, yếu ớt. Nếu những ai có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp thì nguy cơ bị đột quỵ rất cao.

Đối với người trẻ, việc tắm đêm rất dễ dẫn tới hiện tượng co mạch máu, đặc biệt là khi tắm nước lạnh, máu khó lưu thông, từ đó dễ dẫn tới đau nhức toàn thân, thậm chí đau đầu kinh niên.

Người cao tuổi có đặc điểm sinh lý như mạch máu bị co lại, lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường gặp chứng huyết áp cao. Nếu tắm vào đêm muộn, họ rất dễ bị đột quỵ với khả năng cao hơn rất nhiều so với người trẻ.

"Khi càng về đêm, cơ thể về mặt sinh lý, hệ miễn dịch và các hoạt động chuyển hóa của chúng ta cứ giảm dần, giảm dần để phù hợp với trạng thái nghỉ ngơi. Nếu chúng ta tắm thì nên tắm trước 19h tối. Nếu có tắm đêm, do đi mưa hoặc nóng nực thì khi về đến nhà cần khoảng thời gian 30 phút để cơ thể điều hòa, điều chỉnh lại nhiệt độ cho nó phù hợp với nhiệt độ của môi trường sau đó mới tiến hành tắm. Khi mọi người tắm phải lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và nên hạn chế tối đa; Ví dụ tắm xong phải dùng máy sấy khô người, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh trước đó để khi từ phòng tắm ra ngoài sao cho phù hợp, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột...", Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo.

Kim Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nguoi-hay-tam-khuya-se-bo-ngay-viec-nay-sau-khi-nghe-ly-giai-cua-chuyen-gia-2021052610312188.htm