Người Hoa ở Bạc Liêu phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái
Những năm qua, đời sống của đồng bào người Hoa ở tỉnh Bạc Liêu từng bước nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, khá giàu tăng cao; cùng với đồng bào Kinh, Khmer tích cực đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa.
Tỉnh Bạc Liêu có 24 dân tộc thiểu số, trong đó, phần lớn là dân tộc Khmer và Hoa. Theo Quyết định 306 ngày 15/2/2023 của UBND tỉnh, Bạc Liêu có 117 người uy tín; trong đó, dân tộc Khmer có 89 người, Hoa 27 người, Kinh 13 người, Chăm 1 người.
Với phương châm “nói dân tin, làm dân theo” người có uy tín có nhiều đóng góp thiết thực trong củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương cũng như tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhạc sĩ Thanh Sơn ví là “xứ cơ cầu” của phương Nam, tỉnh Bạc Liêu đã trở thành chốn dừng chân của nhiều dân tộc anh em trên hành trình khám phá miền đất mới. Riêng người Hoa có 4.650 hộ với 20.769 khẩu (chiếm 2,34% dân số).
Trong hành trình di dân lập nghiệp, cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu còn mang theo một thứ tài sản vô cùng quý báu là “Tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái” và các lễ hội dân gian truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Những năm qua, đồng bào Hoa cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số đều được hưởng các chủ trương, chính sách ưu tiên của Nhà nước và Bạc Liêu thuộc nhiều lĩnh vực. Qua đó, tạo điều kiện để người Hoa ngày càng gắn bó, phát huy mọi tiềm năng, đóng góp cho xã hội.
Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Bạc Liêu, ông Trần Trọng Hiếu cho biết: “Cộng đồng người Hoa chúng tôi luôn tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, xác định làm việc thiện giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn là trách nhiệm và nghĩa vụ. Khi có người cần giúp đỡ, chúng tôi huy động hiện vật hoặc hiện kim để trao cho những người cần thông qua các tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương”.
Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giai đoạn 2021-2023, Ban quản trị, Ban quản lý chùa, miếu, Hội Tương tế và đồng bào người Hoa, đã đóng góp cho địa phương trên 4 tỷ đồng. Trong đó, thành lập Hội Tương tế người Hoa không nằm ngoài mục đích củng cố, vun bồi tình đoàn kết, tương trợ là cầu nối giữa đồng bào người Hoa với các ngành, các cấp chính quyền. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó truyền thống lâu đời giữa đồng bào các dân tộc ở địa phương.
Ông Trần Trọng Hiếu phấn khởi nói: “Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đại bộ phận người Hoa trên địa bàn thành phố đều có mức sống từ khá trở lên”.
Ông Trần Chí Quang, người có uy tín trong cộng đồng người Hoa kiêm Trưởng ban Trị sự chùa ông Bổn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) chính là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông từng tham gia du kích xã. Khi quê hương sạch bóng quân thù, ông xây dựng gia đình, tập trung phát triển kinh tế.
Ông Quang kể: “Hồi đó ở đây nghèo lắm, không có đường, điện, trường, trạm gì cả. Năm 1985, tôi được gia đình cho 3 ha đất trồng lúa, nhưng không hiệu quả, có thời điểm rơi vào túng thiếu. Vợ chồng tôi cải tạo đất làm ruộng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm vượ qua khó khăn. Năm 2000, tôi chuyển sang nuôi tôm quảng canh. Nhờ cán bộ khuyến nông, Hội CCB mà cuộc sống gia đình ngày càng sung túc, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”.
Kinh tế khấm khá, ông Trần Chí Quang có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương và tích cực chăm lo đời sống cho dân nghèo. Từ năm 2015 đến nay, ông cùng các thành viên Ban trị sự chùa ông Bổn vận động hỗ trợ gạo, tiền hằng tháng cho 13 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bản thân ông còn vận động gạo, quà, tiền mặt tặng người nghèo trong các dịp lễ, Tết; giúp bà con phát triển kinh tế, thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động như phát quang bụi rậm, trồng hoa ven đường, xây cột cờ, cổng rào...
Chị Thái Thị Hương (dân tộc Hoa) ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông bày tỏ: “Chồng tôi mất sớm để lại 3 đứa con nhỏ. Nhà chỉ có 2 công rẫy nên cuộc sống vất vả, thiếu thốn. Mấy năm qua nhờ ông Quang hỗ trợ gạo, quà đỡ thiếu hụt. Ngoài ra, ông cùng chính quyền quan tâm giúp đỡ tôi 15 triệu đồng để cải tạo đất rẫy, từ đó gia đình tôi trồng màu, có thu nhập ổn định”.
Hơn 20 năm qua, ông Trương Thành (dân tộc Hoa) ở khóm 2, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), được bà con người Hoa tín nhiệm bởi người đảng viên này luôn sống vì cộng đồng; huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ bà con trong và ngoài địa bàn. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, ông đã đóng góp, vận động hơn 1 tỷ đồng xây tặng “Nhà tình thương”, trao lương thực, thực phẩm…cho bà con; tặng thiết bị cho Trung tâm Y tế thị xã.
Hiện nay, người đàn ông bước sang tuổi 70 vẫn đau đáu với cuộc sống của những người nghèo khó thuộc diện bảo trợ xã hội. Ông Thành chia sẻ: “Từ năm 2012, tôi vận động đồng đội có điều kiện giúp đỡ 36 người già neo đơn, mỗi tháng 900.000 đồng/tháng/người. Hoạt động này duy trì liên tục trong giai đoạn 2012-2016, 2018-2021 và cố gắng năm 2024 sẽ nối lại chương trình này”.
Ông Ngô Vũ Đại, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Cùng với các thành viên, một bộ phận người Hoa không quản ngại khó khăn, đến từng cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn trong và ngoài tỉnh để vận động với suy nghĩ làm thế nào đưa phong trào từ thiện ngày càng đi lên và tạo được lòng tin trong nhân dân.
Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi vận động ủng hộ các quỹ an sinh xã hội, xây dựng cầu nông thôn, nhà đại đoàn kết, chữa bệnh cho người nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật… với tổng trị giá tiền mặt và hiện vật gần 20 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người Hoa thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn dân cư an toàn, văn hóa, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”.
Ngoài những đóng góp thường xuyên trong công tác an sinh xã hội, đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, đồng bào dân tộc Hoa luôn quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp.
Ông Tô Thành Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu phấn khởi nói: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh cùng với sự nỗ lực tự vươn lên của đồng bào người Hoa phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ vậy, đời sống bà con ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cùng chính quyền tích cực tham gia thiện nguyện góp phần giảm nghèo tại địa phương”.
Cùng với đó, từ Trung ương đến cơ sở có nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác vận động và phát huy vai trò của người Hoa. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của người Hoa được bảo tồn và phát huy với nhiều nội dung như Hội thi giới thiệu trang phục, trưng bày ẩm thực, sản phẩm đặc trưng; nghệ thuật múa lân - sư - rồng; lễ hội tôn giáo - tín ngưỡng; các công trình lịch sử văn hóa của người Hoa đều được công nhận, gìn giữ, phát triển rất đa dạng và phong phú.