Người họa sĩ luôn nỗ lực với các dự án vì cộng đồng
Nhiều năm miệt mài với những dự án công cộng, có những dự án phải vô cùng vất vả ngay từ những công đoạn đầu tiên, nhưng họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh thị giác Nguyễn Thế Sơn vẫn luôn kiên trì bền bỉ. Theo anh, việc cống hiến cho cộng đồng những giá trị tốt đẹp luôn là mục tiêu đầu tiên trong công việc của mình.
Tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội với tấm bằng loại ưu, Nguyễn Thế Sơn được giữ lại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội giảng dạy. Cùng lúc đó, anh cũng tốt nghiệp Khoa tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Trường Đại học Hà Nội với thành tích cao.
Với niềm đam mê mỹ thuật và nhiếp ảnh, Nguyễn Thế Sơn tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc (CAFA). Nguyễn Thế Sơn thường xuyên đảm nhận vai trò giám tuyển độc lập cho rất nhiều dự án nghệ thuật công cộng.
Là một người con của Hà Nội, Nguyễn Thế Sơn từng giành rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho các dự án công cộng liên quan đến Hà Nội. Trong đó phải kể đến “Giải thưởng Bùi Xuân Phái” về tình yêu Hà Nội cho cả nhóm và đề xuất “Giải thưởng ý tưởng cá nhân” về sáng kiến tình yêu Hà Nội cho giải pháp di chuyển và hồi sinh bức tranh tường lịch sử ở chợ Mơ. Những dự án công cộng, đặc biệt là về Hà Nội, luôn là niềm đam mê và trăn trở của Nguyễn Thế Sơn. Anh và những người cộng sự của mình luôn tìm tòi, mong níu giữ những giá trị tốt đẹp, nét văn hóa truyền thống xưa cũ của Hà Nội.
Kiến trúc và văn hóa của Hà Nội là chất liệu chính làm nên các tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn. Sinh ra và lớn lên trên những con phố cổ của Hà Nội, từng trải nghiệm cuộc sống trong những căn nhà ống, chứng kiến cảnh chung sống của nhiều gia đình trong không gian nhỏ hẹp, có lẽ những “chất liệu” đó đã nuôi dưỡng những khát khao mãnh liệt, để sau này khi lớn lên và theo nghề mỹ thuật, tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn thường hướng tới mối quan tâm là câu chuyện nhà cửa và không gian sống trong đô thị.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Trong hàng loạt các dự án ý nghĩa của Nguyễn Thế Sơn và các đồng nghiệp, có thể kể đến những dự án điển hình như: Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Hà Nội - Một bảo tàng sống, Không gian nghệ thuật đương đại tại khu tầng hầm tòa nhà Quốc hội, Nhà mặt phố, Nhà tây biến hình, Tôi đi tìm ngôi nhà chung, Từ truyền thống tới truyền thống…
Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng là một dự án kết hợp của Việt Nam và Hàn Quốc mang tên “Nghệ thuật cộng đồng cho một không gian tốt đẹp hơn”. Với ý tưởng mang nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng hơn, kêu gọi sự tương tác của người xem với quá khứ, với lịch sử và văn hóa của người Hà Thành xưa, dự án là một “bức tường ký ức” về Hà Nội xưa được kể bằng những bức vẽ vô cùng độc đáo. Càng đặc biệt hơn khi chúng được sáng tác dưới vòm cầu cạn xây bằng đá dẫn lên cây cầu Long Biên lịch sử tại phố Phùng Hưng. Với vai trò là giám tuyển nghệ thuật phía các nghệ sĩ Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng nhiều cộng sự của mình đã dồn hết tâm huyết cho dự án này. Để hoàn thành những bức họa, họa sĩ đã có lúc phải bỏ tiền túi ra để thực hiện. Họ làm miệt mài và say mê với một tình yêu Hà Nội lớn lao, với mong muốn mang đến cho người dân sinh sống tại Thủ đô cũng như khách du lịch có một không gian văn hóa tươi mới, đầy tính tương tác.
Tiếp theo phải kể đến dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân ven Sông Hồng. Đây là một dự án tiêu biểu có thể coi là một nỗ lực tiếp theo của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện của Nguyễn Thế Sơn nhằm mang lại không gian văn hóa giải trí mới cho cộng đồng. Xuất phát từ tình yêu sâu đậm với Hà Nội, mong muốn mỗi góc phố của Hà Nội thực sự trở thành không gian đáng sống và biến rác thải thành những điều có ý nghĩa, những nghệ sĩ đến từ dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân đã giúp cải biến khu vực ven sông vốn là nơi tập kết rất nhiều rác thải thành một điểm nhấn nghệ thuật. Việc xây dựng một tác phẩm từ rác thải thực sự có rất nhiều khó khăn, nhưng những nghệ sĩ đã vượt qua mọi trở ngại, nỗ lực hoàn thành dự án. Họ phải đi gặp gỡ từng người dân để thuyết trình các ý tưởng nghệ thuật. Khi người dân cảm nhận được về lợi ích và môi trường văn hóa, dự án đã có những bước triển khai và hoàn thiện nhanh chóng dưới sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình của bà con và các hội đoàn ở địa phương. Dự án được hoàn thành sau chưa đầy hai tháng thi công, nhóm nghệ sĩ tình nguyện đã tạo ra 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng thú vị, tạo chuyển biến tích cực về cảnh quan, vệ sinh môi trường cho người dân nơi đây.
Ngoài ra, các dự án khác cũng là những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp của Nguyễn Thế Sơn. Anh chính là giám tuyển và là một tác giả của dự án “Không gian nghệ thuật đương đại tại khu tầng hầm tòa nhà Quốc hội”.
Với dự án “Đô thị và ký ức”, Nguyễn Thế Sơn chính là họa sĩ đại diện cho thành phố Hà Nội để dự triển lãm lưỡng niên về kiến trúc trên toàn thế giới tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc (Collective City – Seoul Biennale 2019). Dự án “Nhà tây biến hình” cũng là một dự án lớn nằm trong chuỗi đô thị và ký ức. Dự án là câu chuyện về những biệt thự xây theo kiến trúc Pháp bị biến hình theo thời gian. Dự án “Nhà mặt phố” là một dự án dài hơi gần 10 năm phản ánh sự biến đổi của nhà hình ống trong đô thị Việt Nam được khảo sát tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” là dự án đi tìm hình hài về sự thay đổi của những ngôi đình trong phố cổ. Tất cả những dự án đó đều là những trăn trở và nỗ lực không mệt mỏi của Nguyễn Thế Sơn trong khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị truyền thống.
Với cương vị là một giảng viên mỹ thuật, Nguyễn Thế Sơn cũng thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia vào các dự án đang triển khai trong thực tế, từ đó thay đổi cách dạy thụ động, hướng sự sáng tạo của sinh viên tới những gì gần gũi với cuộc sống. Dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” tại Đình Nam Hương trên phố Hàng Trống, là một ví dụ tiêu biểu cho cách làm này. Dự án cũng là một nỗ lực khẳng định giá trị dòng tranh dân gian Hàng Trống, là một bài học có thể kết nối không gian thực tế, làm tăng giá trị cho di sản của kiến trúc truyền thống của phố cổ, từ đó nâng cao giá trị của những ngôi đình trong phố cổ, của những không gian mang tính cộng đồng. Dự án đã hồi sinh lại một ngôi đền mang tính biểu tượng cho dòng tranh Hàng Trống và khơi dậy niềm đam mê của thế hệ trẻ đối với một dòng tranh có nguy cơ bị mai một.
Ngoài ra, Nguyễn Thế Sơn còn kết hợp với hội kiến trúc sư Hà Nội làm dự án “Con đường em đến trường”. Đây là dự án sử dụng chất liệu là các bức tranh Hàng Trống bằng 3D do sinh viên làm. Ngoài việc muốn chuyển tải thông điệp về gìn giữ tranh truyền thống, dự án còn có ý nghĩa nhân văn là mong muốn giành lại vỉa hè và sân chơi an toàn cho trẻ em. Trong tương lai, Nguyễn Thế Sơn dự định hướng tới các dự án như phố sách Lý Thường Kiệt, phố đi bộ Hồ Tây…
Thông qua các dự án, Nguyễn Thế Sơn cũng mong muốn chuyển tải hết ý nghĩa của nghệ thuật trong đời sống, mang nghệ thuật đến gần gũi hơn với cuộc sống. Đồng thời cũng hy vọng niềm đam mê nghệ thuật sẽ truyền cảm hứng, để nghệ thuật thực sự có ý nghĩa, có ích hơn đối với đời sống. Sự đóng góp của các dự án cho cộng đồng sẽ khơi nguồn cảm hứng để cho lớp trẻ sau này thêm yêu ngành mỹ thuật.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường qua các dự án văn hóa
Để có những dự án được triển khai và mang đến cho cộng đồng những giá trị tốt đẹp, Nguyễn Thế Sơn và đồng nghiệp của mình đã phải trải qua vô vàn những khó khăn, thách thức, từ việc khảo sát địa điểm triển khai, thuyết phục chính quyền địa phương cũng như những người dân nơi triển khai dự án cho đến ngân sách của dự án. Có những dự án để không thể xin được tài trợ, nhưng Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ tình nguyện vẫn không quản ngại bỏ công sức, trí tuệ và cả tiền bạc để triển khai dự án.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng đam mê, tâm huyết với nghề, với mục đích tạo dựng một không gian sống tốt hơn, hy vọng những “đứa con tinh thần” của mình sẽ mang lại thật nhiều lợi ích cho cộng đồng, Nguyễn Thế Sơn và những cộng sự vẫn đang ngày đêm miệt mài với những tác phẩm, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thêm tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp mà mỹ thuật mang lại.
Nguyễn Thế Sơn cho rằng, nghệ thuật công cộng chính là nơi chắp cánh cho sự sáng tạo của nghệ sĩ, và sự sáng tạo đó được coi là sự phát triển sống còn trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, một điều mà Nguyễn Thế Sơn luôn hướng tới đó là triển khai các dự án công cộng phát huy tính sáng tạo nhưng cần phải tính toán đến tính độc đáo và có bản sắc riêng.
Với vai trò là nghệ sĩ trực tiếp tham gia một số dự án nghệ thuật công cộng, Nguyễn Thế Sơn thường quan tâm tới một điểm chung, đó là yếu tố tương tác. Đầu tiên, tác phẩm phải tương tác được với ngữ cảnh văn hóa lịch sử mà nó đặt ở đó. Tiếp theo đó là tác phẩm có khả năng tương tác với người xem, tương tác về mặt văn hóa với người xem. Và cuối cùng là sự tương tác giữa các tác phẩm trong dự án với nhau tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh có tính liên kết để có thể dẫn dắt cảm xúc cho người xem.
Với những dự án ý nghĩa của mình, Nguyễn Thế Sơn đã đóng góp nhiều công sức cũng như giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Đoạn phố Phùng Hưng hôm nay đã trở thành con phố nghệ thuật độc đáo của phố cổ với nhiều hoạt động văn hóa biểu diễn văn nghệ, sân chơi, trò chơi dân gian…. Đây là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách thập phương khi đến với Hà Nội. Còn khu vực Phúc Tân, thay vì những bãi rác, giờ đây đã trở nên sạch sẽ thoáng mát, không còn ô nhiễm và mất hẳn các vấn đề phức tạp, tệ nạn xã hội, tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho người dân sinh sống tại đây. Mỗi một tác phẩm là tâm huyết, tâm tư của người nghệ sĩ, bằng những cách khác nhau họ đang mang đến niềm vui cho người dân. Không chỉ biến một khu vực nhiều rác thải thành một địa điểm vui chơi, dự án nghệ thuật Phúc Tân còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi diện mạo của thành phố. Ngoài ra, dự án còn tác động đến ý thức, suy nghĩ của người dân sinh sống tại đây.
Chính nhờ sự tiếp nhận nồng nhiệt và phản ứng tích cực của người dân và du khách cũng như các phương tiện truyền thông, dự án đã có một sức sống cho riêng mình. Một dự án hay một tác phẩm có tồn tại được hay không và tồn tại được bao lâu chính là nhờ chất lượng của dự án cũng như sự đón nhận từ công chúng.
Là một nghệ sĩ đa tài, Nguyễn Thế Sơn đã thực hiện hơn 20 triển lãm cá nhân và rất nhiều các triển lãm nhóm, được trưng bày ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc... Tác phẩm của anh đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, Bảo tàng Nghệ thuật CAFA...
Nói về các dự án cộng đồng vì Hà Nội, rất dễ để nhận thấy họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là người có nhiều đóng góp to lớn. Với những thành tích đáng nể, Nguyễn Thế Sơn đã nhận được nhiều giải thưởng lớn...