Người Hưng Yên đón Tết cổ truyền ở nước ngoài

Khi những cánh đào bắt đầu nở, khắp nơi trên đất nước đang chuẩn bị đón Tết thì những người con xứ Nhãn đang sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài cũng rạo rực, háo hức, vui đón một cái Tết ấm tình đồng hương ở xứ người. Mặc dù đón Xuân xa nhà, nhưng không vì thế mà Tết trong lòng những người xa quê bớt sự tươi vui, ấm áp.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tú (quê ở huyện Văn Lâm) vui đón Tết tại Hàn Quốc

Nhiều lao động, du học sinh, thực tập sinh người Hưng Yên tại Nhật Bản đang háo hức chờ đón Tết Quý Mão 2023. Mặc dù không được đón Tết cùng người thân tại quê nhà nhưng không vì thế mà Tết mất đi ý nghĩa với họ. Do nước bạn chỉ đón Tết theo dương lịch, nên sát ngày Tết Nguyên đán, du học sinh, thực tập sinh, công nhân lao động người Hưng Yên vẫn đi học và làm việc bình thường. Chỉ ngày 30, mùng 1 Tết mới xin nghỉ để ăn Tết. Tuy thời gian hạn hẹp, nhưng mỗi dịp Tết đến, những người con xứ Nhãn tại nước Nhật vẫn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để đón chào năm mới. Chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1998), quê ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), hiện là nhân viên một công ty lắp ráp linh kiện điện tử ở thành phố Komaki, tỉnh Gifu (Nhật Bản) cho biết: Tôi đã xa nhà 5 năm rồi. Kể từ khi sang đây làm việc, chưa có dịp nào được về sum họp với gia đình trong dịp Tết. Ngày Tết anh em đồng hương thường hội tụ về một địa điểm để tổ chức gặp mặt, giao lưu, làm bánh chưng, mâm ngũ quả, chế biến những món ăn truyền thống như thịt đông, giò lụa, nem rán, “thiết kế” cành đào, trang trí lại nhà cửa... tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tú và chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở xã Đình Dù (Văn Lâm) nhiều năm sinh sống và làm việc ở thành phố Pohang thuộc tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) xúc động khi nhắc đến Tết cổ truyền: Chúng tôi rất mong muốn được về quê hương ăn Tết cùng với người thân nhưng do công việc bận rộn, đi lại tốn kém, không có điều kiện nên đành phải chấp nhận đón Tết xa nhà. Thông thường lao động Việt Nam ở Hàn Quốc chỉ được nghỉ Tết 2 ngày, một số công ty linh động cho nghỉ thêm 1 ngày nữa. Những ngày đó vợ chồng tôi cùng nhau đi mua nguyên liệu làm bánh chưng, làm giò... rồi chuẩn bị đồ cúng giao thừa. Ăn Tết ở Hàn Quốc về vật chất thì đầy đủ, Việt Nam có gì thì ở đây có thứ đó. Duy chỉ có tình cảm gia đình, phút giây đoàn tụ, đầm ấm bên người thân trong thời khắc giao thừa là không có được. Do múi giờ ở Hàn Quốc sớm hơn so với Việt Nam 2 giờ nên đồng hương xứ Nhãn ở đây cũng như những người Việt khác, mỗi dịp Tết Nguyên đán thường có thói quen đón giao thừa hai lần, cả của nước sở tại và của Việt Nam...

Tết cổ truyền với “bánh chưng xanh, câu đối đỏ” trong trái tim những người con xa xứ thật đỗi thiêng liêng. Không chỉ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, mà ở Hoa Kỳ, Séc, Ba Lan, Úc và nhiều nước khác trên thế giới, do những điều kiện khác nhau không thể về quê được, nhưng người Hưng Yên muôn phương vẫn tranh thủ mọi điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động vui Tết, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Bên cạnh các sân chơi như liên hoan gặp mặt, vui đón giao thừa, giao lưu bóng đá, biểu diễn văn nghệ, thăm hỏi người thân... đồng hương Hưng Yên còn phối hợp với các hội, đoàn Việt kiều, các cơ quan Nhà nước trong những chương trình đón Tết cộng đồng sôi động, hòa chung niềm hân hoan của người Việt trên khắp thế giới trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202301/nguoi-hung-yen-don-tet-co-truyen-o-nuoc-ngoai-4d51596/