Người kể chuyện cổ tích C.S. Lewis và những chiều kích khác của tình yêu

C.S. Lewis là tác giả quen thuộc qua bộ truyện thuộc hàng kinh điển dành cho thiếu nhi Biên niên sử Narnia. Tuy nhiên, văn nghiệp của ông không chỉ dừng lại ở đó mà trải dài ở nhiều lĩnh vực, mà Bốn tình yêu (FORMApubli và NXB Phụ nữ Việt Nam) vừa ra mắt bạn đọc là một trong số đó.

Bốn tình yêu (Nguyễn Công Nam dịch) ra mắt vào năm 1960, vốn là phiên bản viết lại đã có tinh chỉnh của một series các buổi nói chuyện trên đài phát thanh thực hiện vào năm 1958 với các chủ đề xã luận. Theo đó, người Hy Lạp có bốn chữ dành cho bốn tình yêu khác nhau, và trong tác phẩm này, Lewis cũng tuần tự nói về bốn tình yêu ấy.

Tuân thủ nguyên tắc "Không có cái cao nhất nếu không có cái thấp nhất", Lewis bắt đầu với tình thân - thứ tình cảm mà ông cho rằng là cơ bản hơn cả. Đây là tình yêu nảy nở từ sự quen thuộc: tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong nhà, giữa người và vật nuôi ăn ở lâu ngày, giữa một người với cái nhà thờ mấy trăm năm tuổi ở địa phương… Theo Lewis, nó có thể gọi là cơ bản bởi không có thứ tình yêu này, người ta không bước nổi những bước đầu đời, không gìn giữ nổi những thứ tình yêu khác.

 "Bốn tình yêu" trình hiện một C.S. Lewis khác sau danh xưng người kể chuyện cổ tích mà bạn đọc yêu mến dành cho ông

"Bốn tình yêu" trình hiện một C.S. Lewis khác sau danh xưng người kể chuyện cổ tích mà bạn đọc yêu mến dành cho ông

Kế đến là tình bạn. Đây là tình cảm nặng về "phần hồn", ít "phần xác" nhất. Theo tác giả, bằng hữu kết tụ nhờ có chung một mối quan tâm "cùng nhìn về một thứ" chứ không phải "nhìn vào nhau". Chính vì thế, về nghĩa nào đó, những hoạt động của tình bạn ít mang màu sắc vị kỷ.

Thứ ba là luyến ái - cái đôi khi hất cẳng tất tật những tình yêu còn lại ra khỏi khái niệm tình yêu. Nó rất "sinh lý", và có nhiều người cho nó là "sinh lý" hơn cả. Thế nhưng như tác giả lưu ý, ở nơi thực sự có luyến ái, thì ham muốn thể xác chỉ đến sau cùng, chứ không phải là cái đầu tiên.

Cuối cùng mới là yêu thương. Theo Lewis, tất cả các tình yêu kia, ở mức độ nào đó, rồi cũng chỉ là một mặt của tình yêu này, cũng như một mặt phẳng nhỏ bé kia trên viên kim cương vốn có nhiều mặt. Mẹ mà ta thương, bạn mà ta trìu mến, tình nhân mà ta say đắm… tất cả rồi cũng chỉ là một phần, một phản chiếu nhỏ bé của đấng mà ta đã yêu. Và khi quên mất mình đã yêu, thì để được cứu rỗi, phải học yêu lại từ đầu.

Ngoài bốn chủ đề trên, trong cuốn sách này, Lewis cũng nhắc đến những thực tế vô cùng thiết thực, như mối nguy hại của việc sùng bái thế giới tự nhiên, về sự tai hại của một bên là yêu nước cực đoan, một bên là bài bác hoàn toàn tinh thần ái quốc, về sự dại dột của việc trông đợi thứ tình yêu này làm được công việc của thứ tình yêu khác...

C.S. Lewis (tên đầy đủ là Clive Staples Lewis) sinh năm 1898 ở County Down (Ireland). Ông mất vào năm 1963. Sự nghiệp của ông trải dài ở nhiều lĩnh vực, từ văn chương, phê bình cho đến xã luận. Thực tế đây là một mảng mà các bạn bè trong học giới của ông ít quan tâm, thậm chí xem thường, nhưng lại được bàn tán nhiều trong xã hội dân thường.

Ông cũng để lại nhiều bài báo, bài luận về những vấn đề luân lý mà bất luận là vấn đề to hay nhỏ, đều được xử lý bằng một giọng văn gãy gọn, hài hước, rất nhẹ nhàng, vững luận lý.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-ke-chuyen-co-tich-cs-lewis-va-nhung-chieu-kich-khac-cua-tinh-yeu-post744624.html