Người khen kẻ chê cũng phải ầm - ĩ - hùng - hồn

Không nói không chịu được, kể cả chẳng có gì để nói, là thói quen rất lạ lùng của vô vàn cư dân mạng. Mà đã nói, thì cứ phải hết sức hùng hồn, lên gân lên cốt, phải vô cùng mạnh mẽ cương quyết bày tỏ thái độ, dù khen hay chê, bảo vệ hay lên án, ngay cả những việc có lẽ là vô hại nhất. Thỉnh thoảng lại thấy mạng xã hội dậy sóng vì những việc nhỏ xíu, càng đọc càng chẳng hiểu tại sao.

Cách thể hiện cảm xúc của quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020 Nguyễn Thị Thu Hằng nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trên mạng xã hội

Cách thể hiện cảm xúc của quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020 Nguyễn Thị Thu Hằng nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trên mạng xã hội

Có mỗi cử chỉ ăn mừng chiến thắng của cô bé quán quân Đường lên đỉnh Olympia hôm chủ nhật vừa rồi, mà từ chủ nhật cho đến hôm nay giữa tuần, vẫn thấy có nhiều người bàn đến, thì thật quả xã hội mình quá nhiều người rảnh rỗi. Rồi chê (hoặc bênh) cô bé, dẫn đến chê (hoặc bênh) cả cuộc thi, rồi tiếp chê (hoặc bênh) chương trình, sau cùng chê (hoặc bênh) cả nền giáo dục. Khiếp thật!

Thử nhìn lại xem sao nhé.

Đường lên đỉnh Olympia là một game show truyền hình, đúng không nào? Một game show truyền hình có thưởng. Mặc dù cái tên của nó là không đúng và bị phản đối thời gian đầu, vì người ta bảo chẳng có đỉnh nào là đỉnh Olympia trong thần thoại Hy Lạp, nhưng cái tên là chuyện cái tên, Đường lên đỉnh Olympia rõ là một chương trình được yêu mến rất nhiều từ khi nó ra đời. Nhiều người xem chương trình, thì nói chung nhà nào cũng có con cháu đi học, chuẩn bị thi đại học… Và chương trình cũng sôi động nữa. Gameshow truyền hình có thưởng mà không sôi động thì ai xem? Nên chắc chắn Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình có tác động xã hội một cách tích cực.

Thật ra, tôi không xem Đường lên đỉnh Olympia từ lâu, tôi quan niệm nó là một cuộc thi học sinh giỏi đấu loại trực tiếp trên màn hình. Việc đi thi học sinh giỏi nước mình vô kể nhiều. Các kỳ thi học sinh giỏi mọi cấp, mẫu giáo thi bé khỏe bé đẹp, tiểu học thi vở sạch chữ đẹp, trung học bắt đầu thi quận, thi huyện, thi quốc gia, quốc tế… mọi cuộc thi như vậy đều có ý nghĩa động viên. Chỉ có điều, khi mà bệnh thành tích trở nên căn bệnh lớn nhất không thuốc chữa, đừng nói của riêng nền giáo dục mà của hầu hết mọi lĩnh vực, thì các cuộc thi học sinh giỏi đều mang dáng dấp những cuộc chọi gà.

“Có mỗi cử chỉ ăn mừng chiến thắng của cô bé quán quân Đường lên đỉnh Olympia hôm chủ nhật vừa rồi, mà từ chủ nhật cho đến hôm nay giữa tuần, vẫn thấy có nhiều người bàn đến, thì thật quả xã hội mình quá nhiều người rảnh rỗi. Rồi chê (hoặc bênh) cô bé, dẫn đến chê (hoặc bênh) cả cuộc thi, rồi tiếp chê (hoặc bênh) chương trình, sau cùng chê (hoặc bênh) cả nền giáo dục. Khiếp thật!”

Thì cứ nhìn vào truyền hình hôm thi ấy, trường nào, tỉnh nào có học sinh đi thi, có đầu cầu truyền hình, là có cổ vũ động viên hò reo vang dội. Nó là chuyện màu cờ sắc áo của trường, của địa phương. Có học sinh đi thi học sinh giỏi là niềm tự hào, trường nào cũng vậy. Niềm tự hào ấy chính đáng, chính đáng nhưng đừng quá đáng, thế thôi. Và cũng chẳng nên có thái độ kỳ thị ngược lại, rằng thi thế này là để tuyển nhân tài cho Australia chứ đâu phải cho mình, Đường lên đỉnh Australia.

Việc mà thí sinh Olympia không về nước sau khi đào tạo không phải việc dễ dàng đổ lỗi cho các em, càng không thể đổ lỗi cho chương trình. Australia có ẵm nhân tài của Việt Nam qua một cuộc thi thế này không? Nói vậy chắc cũng là nói quá, nhân tài đâu chẳng có, chỉ là đào tạo sau những cuộc thi này mới đáng kể, chứ nội dung thi của Đường lên đỉnh Olympia cũng chỉ đủ tìm ra những học sinh thông minh chăm chỉ, có kiến thức nhiều mặt, tuy nhiên ở mức độ bình thường thôi. Nếu chưa gì đã coi đấy là biểu hiện của nhân tài thì rõ là quá lời.

Buồn cười nhất có lẽ là việc dân mạng rảnh rỗi đi lên án hành vi ăn mừng của cô bé quán quân. Một cô bé 17 tuổi cực kỳ nhanh nhẹn và bản lĩnh, tất nhiên là thông minh và giỏi nữa. 8 năm mới có một nữ thí sinh lọt vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia, 9 năm mới có một nữ quán quân, chẳng đáng mừng thì gì? Cách ăn mừng của cô bé chẳng có gì là lố, nó chân thành và bồng bột như tuổi trẻ của em, nó xứng đáng với điều em nhận được trong cuộc thi.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Bộc lộ cảm xúc có gì sai đâu. Giả sử một cầu thủ bóng đá vừa ghi bàn có những hành động ăn mừng quấy đảo trên sân, có ai lên án rầm rộ thế không? Tâm lý hẹp hòi của những người chỉ trích cô bé ít nhiều bộc lộ sau cuộc thi này. Nhưng nói cho cùng, là cuộc thi thố, thắng tức là chuốc lấy sự giận hờn của những người ít nhiều liên quan đến đến sự không thắng, chẳng có gì phải lo.

Rồi sẽ còn nhất nhiều cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia nữa. Giải thưởng giành được đơn giản là một học bổng ngoại danh giá. Điều này sẽ bình thường thôi khi hệ thống giáo dục nội, đào tạo nhân tài nội và học bổng nội cũng như cơ hội việc làm nội được cải thiện. Sẽ không có những áp lực kinh khủng trước, trong và sau khi thi với những cô cậu học sinh muốn với tay vào vòng nguyệt quế. Lúc ấy, Đường lên đỉnh Olympia sẽ đơn giản là một game show truyền hình đúng nghĩa, bổ ích vì đem lại nhiều kiến thức, tươi vui vì đem lại sự sinh động, lợi ích vì giải thưởng lớn. Không còn những cảnh cả trường đứng chen chúc khắp mọi tầng nhà để gào lên rằng ABC cố lên (nhìn cảnh nhà trường đông nghịt những học sinh cổ vũ, không phải là thí sinh đi thi cũng thấy hoảng lên vì áp lực).

Nhưng bao giờ mới đến lúc ấy, thật khó mà biết được. Mấy hôm nay, trẻ con đi học, mẹ của một thằng bé lớp một đến văn phòng ngày nào cũng bạc hết cả mặt vì con phải học bài khuya. Cải cách kiểu gì đó mà năm nay chương trình lớp 1 còn nặng hơn những năm trước. Mỗi ngày trẻ vừa từ mẫu giáo lên đã được giao bài tập đến 5 trang viết. Cứ thế, lại phải lao vào những gameshow tìm học bổng mà thoát đi cái sự học hành quá đỗi vất vả chẳng đi đến đâu thế này.

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-khen-ke-che-cung-phai-am-i-hung-hon-post445222.antd