Người Khmer ở Bạc Liêu làm kinh tế tập thể
Bạc Liêu là 1 trong 2 địa phương ở vùng Tây Nam bộ có 100% các xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM). Để đạt được kết quả trên không thể không nhắc tới việc đồng bào Khmer đang đồng lòng xây dựng Kinh tế tập thể, HTX, đóng góp công sức trong quá trình xây dựng NTM ở Bạc Liêu.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Cường, nằm giữa cánh đồng của ấp An Thành xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) do ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. HTX có 5.000 hộ thành viên, với diện tích hơn 17.000ha, là HTX có nhiều ruộng lớn nhất xứ Bạc Liêu. Mấy năm nay, HTX trở thành là cầu nối đưa lúa gạo trên quê hương công tử Bạc Liêu đi khắp 34 quốc gia trên thế giới. Điều đáng nói, những thành công trên của HTX đang có bàn tay góp sức của đồng bào Khmer là các thành viên của HTX.
KTTT, HTX là chỗ dựa phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS
Hợp tác xã được thành lập năm 2016. Trước đó, ông Cường vốn dĩ đã là chủ đại lý buôn bán gạo, một khâu trong “chuỗi” lúa gạo truyền thống ở vùng đồng bằng, lại còn thuê gần 1.500 công ruộng bên An Giang thuê người trồng lúa, gặp năm được mùa thu cả chục tỷ như chơi. Cái ăn, cái mặc chả phải lo lắng nhưng cứ mãi canh cánh một điều, ruộng đồng quê hương mênh mông, trù phú thế mà đời sống bà con trồng lúa mãi không khá lên được là cớ làm sao?
“Ruộng của bà con, lúa cũng của bà con, doanh nghiệp kinh doanh giống chỉ thu mua về lọc rồi bán lại với giá 16 - 17 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành chỉ rơi vào khoảng 9 nghìn đồng. Hợp tác xã Vĩnh Cường cũng làm đúng quy trình như thế, khác chăng là cung ứng cho nông dân với giá chỉ 10 nghìn đồng/kg, kèm theo cam kết chất lượng và để cuối vụ mới thu tiền. Cách làm ấy quả thật hiệu quả. Chỉ sau có một mùa vụ, bà con ào ào xin vô hợp tác xã, một lúc có thêm hơn 450 thành viên, vụ sau tăng lên thành 3.965 thành viên liên kết”, ông Giám đốc Vĩnh Cường kể quá trình thay đổi.
Một thành viên HTX Vĩnh Cường là người Khmer, chia sẻ: “Kể từ khi tham gia vào HTX, tôi thấy mình an tâm hơn trong sản xuất. Bởi sản phẩm làm ra không phải lo tìm mối lái tiêu thụ, trong khi vật tư đầu vào thì được mua với giá cả hợp lý hơn. Còn như trước đây, mỗi thứ mình đều phải chạy vạy, lo lắng từ đầu vụ đến cuối vụ, lại thường xuyên bị ép giá. Tôi thấy tham gia vào HTX, quyền lợi của mình được đảm bảo hơn trước rất nhiều”.
Ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long - Bạc Liêu, ít ai không biết đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Phong, các thành viên trong HTX phần nhiều là đồng bào Khmer. Khi mới thành lập, HTX có tổng số 17 thành viên tham gia, vốn điều lệ ban đầu được thành viên đóng góp 100 triệu đồng. Ngành nghề dịch vụ kinh doanh chủ yếu làm dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Dư Văn Dol - Giám đốc HTX kể, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ sản xuất lúa theo ý mình, dẫn đến việc thu hoạch không đồng loạt, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp thì người mua cao, hộ mua thấp, thường xuyên bị thương lái ép giá vào cuối vụ.
Tuy nhiên, sau 5 năm kể từ sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa, trực tiếp thương lượng giá cả với các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, đặc biệt là tìm đầu ra cho hạt lúa. Nhờ đó, đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các hộ gia đình. Thị trường tiêu thụ lúa của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn tìm được thương lái từ ngoài tỉnh đến thu mua.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều HTX trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu đang hòa mình cùng dòng chảy kinh tế của địa phương, góp phần đóng góp cho quá trình xây dựng NTM ở Bạc Liêu.
Bạc Liêu hiện có hơn 66 nghìn người Khmer, chiếm 7,6% số dân toàn tỉnh. Điều này cho thấy, tiềm năng rất lớn, nếu có cách làm tốt, đồng bào Khmer với số lượng dân số động chắc chắn sẽ tham gia và xây dựng KTTT, HTX ở Bạc Liêu phát triển hơn so với những gì đang có.
Đồng hành cùng quá trình xây dựng NTM
Bên cạnh một số mặt tích cực, nhìn chung HTX trong vùng có đông đồng bào Khmer ở Bạc Liêu có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra - tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, các HTX trong vùng đồng bào DTTS Khmer cũng thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm. Phần lớn các HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt là mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội, vượt lên. Sản phẩm của HTX làm ra muốn bán được thì phải kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đáng nói, chưa có những mô hình HTX thật sự điển hình và mẫu để có thể nhân rộng và lan tỏa. Phần nhiều nông dân Khmer vẫn còn tâm lý e ngại khi tham gia vào các THT, HTX…
Để hỗ trợ bà con DTTS Khmer ổn định cuộc sống, tỉnh Bạc Liêu cũng đang thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ cây - con giống giúp bà con Khmer nghèo sản xuất, nâng cao đời sống và tham gia phát triển KTTT, HTX. Đáp lại sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng phum sóc, làng quê phát triển, nhiệt tình tham gia các phong trào xây dựng NTM, tự nguyện hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Bạc Liêu đang được thụ hưởng các chính sách phát triển KTTT, HTX trong vùng đồng bào DTTS. Với cách làm này, tỉnh Bạc Liêu đang đặt ra nhiều mục tiêu cho quá trình xây dựng NTM.
Ông Đặng Minh Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo kế hoạch tỉnh Bạc Liêu sẽ phấn đấu đạt 22/49 xã NTM nâng cao trong năm 2022 – 2023, nhưng do áp dụng bộ tiêu chí mới của Bộ NN-PTNT nên tỉnh phấn đấu đạt 15 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu. Trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tập trung công nhận 2 đơn vị cấp huyện là huyện Vĩnh Lợi đạt chuẩn NTM nâng cao và TX Giá Rai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022 - 2023.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng đề án xây dựng huyện Phước Long trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh vào năm 2023. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các xã đạt chuẩn NTM duy trì các tiêu chí đã đạt và cố gắng hoàn thành các tiêu chí chưa đạt theo bộ tiêu chí mới, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao.