Người Khmer về chùa Tông Kim Quang đón Tết Chol Chnam Thmay
Sáng 13/4, lễ hội Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer đã diễn ra tại chùa Tông Kim Quang (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), với niềm hoan hỷ.
Chia sẻ với Báo TG&VN, Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa cho biết, chùa Tông Kim Quang không chỉ là mái chùa đơn thuần, mà còn là nơi góp phần vun đắp đời sống văn hóa dân tộc, kết nối cộng đồng Khmer xa quê; giúp những bà con Khmer mất gốc có cơ hội tìm về cội nguồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Quang cảnh đón Tết Chol Chnam Thmay tại chùa Tông Kim Quang. (Ảnh: Đăng Huy)
Theo Đại đức Châu Hoài Thái, Tết Chol Chnam Thmay - ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, từ lâu đã trở thành một nét văn hóa thiêng liêng, một dịp trọng đại để mỗi người con Khmer hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên và nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng giữa nhịp sống hiện đại.
Đón Tết, người dân được tham gia những nghi lễ như tụng kinh, dâng hương, tắm Phật, đắp núi cát…, ẩn chứa triết lý sống sâu sắc: biết ơn quá khứ, sống thiện trong hiện tại và gieo nhân lành cho tương lai.
“Ngày Tết đối với người Khmer không chỉ dừng lại ở những hoạt động văn hóa, mà còn là dịp để nuôi dưỡng tâm hồn, một tâm hồn biết tri ân, biết yêu thương, biết sẻ chia và biết sống tử tế.
Sự trong sáng của tâm hồn ấy chính là ánh sáng soi đường cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại, giúp giữ vững bản sắc giữa muôn vàn đổi thay”, Đại đức nói.

Nghi lễ tắm Phật, tụng kinh phúc chúc, cầu siêu, cầu an, hướng về tổ tiên của người dân Khmer khi về chùa Tông Kim Quang dịp Tết Chel Chnam Thmay.. (Ảnh: Đăng Huy)
Được biết, chùa Tông Kim Quang, ngôi chùa Khmer duy nhất ở Bình Dương, từ khi được thành lập năm 2019, đóng vai trò một cơ sở tôn giáo, là “mái nhà chung” - nơi bà con tìm về khi tâm hồn cần chở che, khi lòng cần sự tĩnh lặng.
Đại đức Châu Hoài Thái bày tỏ: “Khi rời xa quê hương, trong hành trang của mỗi người Khmer luôn mang theo nỗi nhớ da diết về văn hóa cội nguồn, đặc biệt là hình ảnh thân quen của ngôi chùa - nơi gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng và tinh thần suốt bao đời".

Người Khmer sum họp đón Tết Chol Chnam Thmay. (Ảnh: Đăng Huy)
Tại vùng đất công nghiệp năng động như Bình Dương, dù bận rộn mưu sinh, bà con Khmer vẫn không quên những giá trị truyền thống.
Khi có điều kiện, đặc biệt là sự hiện diện của một ngôi chùa Khmer với các vị sư sãi đang hành đạo, cộng đồng Khmer sẽ dẫn dắt con cháu đến để cùng tìm lại nếp sống của tổ tiên, để giá trị cội nguồn ấy được tiếp nối mãnh liệt.