Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, trong đó có dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, việc để dịch vụ công trực tuyến tiếp cận được với đối tượng là người khuyết tật vẫn còn rất nhiều khó khăn...

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Hội Người Mù Việt Nam phối hợp cùng Mạng lưới Sinh viên Khiếm thị Việt Nam, với sự tài trợ của Quỹ Abilis Phần Lan tổ chức hội thảo "Góc nhìn người khuyết tật và chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến".

Hội thảo là một trong những hoạt động của dự án dịch vụ hành chính công trực tuyến do Mạng lưới Sinh viên Khiếm thị Việt Nam thực hiện, nhằm trang bị kỹ năng và mở rộng tầm nhìn về hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật.

Hội thảo bao gồm các tham luận của các chuyên gia đầu ngành về dịch vụ hành chính công và Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia và các cơ quan, tổ chức vì người khuyết tật.

Hội thảo cũng công bố nghiên cứu khoa học đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 về thực trạng sử dụng dịch vụ hành chính công cho người khuyết tật tại Việt Nam.

Hội thảo về vấn đề hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật

Hội thảo về vấn đề hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật

Số liệu đưa ra tại hội thảo cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28%.

Theo đó, người khuyết tật đánh giá việc số hóa việc hành chính công mang lại nhiều lợi ích từ việc đi lại và thực hiện các thủ tục hành chính trở nên thuận tiện. Tuy nhiên, khó khăn đối với người khuyết tật, đặc biệt người khiếm thị, trong các thao tác tra cứu, tìm kiếm thông tin, đăng tải hình ảnh... của dịch vụ hành chính công trực tuyến còn nhiều. Giao diện trang web không thể nhận dạng được bằng trình đọc màn hình. Kết quả khảo sát cho thấy 100% người khiếm thị tham gia không thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ hành chính công hiện tại.

Nhiều hạn chế khác trong việc sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với người khiếm thị được đưa ra như hệ thống công nghệ thông tin của giao diện số, cách thao tác, quy trình thực hiện chưa được tối ưu hóa trên các thiết bị, đặc biệt thiết bị di động cho người khiếm thị. Tài liệu hướng dẫn chưa đầy đủ, phù hợp. Cùng với đó, bản thân người khiếm thị chưa hiểu rõ lợi ích của dịch vụ hành chính công trực tuyến mang lại...

Hội thảo đưa ra giải pháp nhằm nâng cao dịch vụ hành chính công đối với người khuyết tật, cũng như người khiếm thị như việc lắp đặt các thiết bị, tai nghe, ứng dụng trình đọc màn hình tại các điểm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng dịch vụ; đào tạo tập huấn các kỹ năng sử dụng công nghệ với người khuyết tật; nâng cao nhận thức về quyền lợi đối với người sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói chung, đối với người khuyết tật nói riêng;...

Ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội

Ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho rằng, hành chính công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người khuyết tật như tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường tính tiếp cận thông tin minh bạch như quy trình thời gian trả hồ sơ, nội dung chính sách; giúp người khuyết tật có thể độc lập hơn trong việc hoàn thành thủ tục hành chính... Song với đó, người khuyết tật phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế việc sử dụng công nghệ; thiếu thốn về thiết bị kết nối internet; khả năng tiếp cận ứng dụng trực tuyến đối với người khuyết tật vẫn còn khoảng cách...

Theo ông Khoát, một số giải pháp được đưa ra như cần hỗ trợ internet, cần cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ trực tuyến, thiết lập có mục dành riêng cho người khuyết tật, hoặc người khiếm thị, tăng cường bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư.

TS. Trần Thị Hải Yến, Khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ về các rào cản khiến người khuyết tật gặp khó khăn như rào cản cơ sở hạ tầng chưa tương thích, giao diện cũ, thông tin thiếu trọng tâm, nhiều khái niệm khó hiểu,...

Để giải quyết các vấn đề này, bà Yến cho rằng, người khuyết tật cũng nên nắm rõ quy trình các bước để đăng nhập, chọn loại giấy tờ muốn đăng ký làm, tải hình ảnh... Những người làm công việc hành chính cần phải am hiểu phần mềm công nghệ, cơ sở pháp luật để hướng dẫn nhóm người đặc thù,...

Các đại biểu khác cũng đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người khuyết tật có thể chủ động, sử dụng các dịch vụ hành chính công một cách dễ dàng, công bằng như các đối tượng khác trong xã hội.

Minh Trí

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-khuyet-tat-gap-nhieu-kho-khan-trong-viec-tiep-can-dich-vu-cong-truc-tuyen-post1655326.tpo