Người lái ô tô cán bé gái tử vong trong sân trường bị xử lý như thế nào?
Chuyên gia pháp lý nhận định, nếu là khu vực sân trường cấm xe ô tô không được phép di chuyển vào đây thì tài xế có thể bị xử lý về tội 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ'.
Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định tạm giữ hình sự Lường Văn Ng (SN 1992, trú xã Ea Sin, huyện Krông Búk) để điều tra về hành vi lùi xe trong sân trường cán trúng một học sinh lớp 2 tử vong.
Theo điều tra, khoảng 6h40 ngày 16/9, Lường Văn Ng điều khiển xe bán tải chở con đi học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin). Do trời mưa nên Ng lái thẳng xe vào sân trường. Tuy nhiên, khi lùi xe trong sân trường, Ng đã tông trúng 3 học sinh nữ đang che chung một chiếc ô. Hậu quả khiến bé gái H.N.A.M (học sinh lớp 2) tử vong tại chỗ, 2 em còn lại xây xát nhẹ và ảnh hưởng đến tâm lý.
Tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tiến hành công tác khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, thời điểm xảy ra vụ việc bảo vệ vừa ra phía sau khu tập thể nhà trường để bơm nước nên không kịp ngăn phụ huynh nói trên và sự việc xảy ra rất nhanh, chỉ khoảng 2 phút. Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, theo quy định, ô tô không được đi vào sân trường để đưa đón học sinh.
Sau vụ việc, lái xe Ng cũng bày tỏ ân hận về sự thiếu cẩn trọng của bản thân, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hiện, Công an huyện Krông Búk đang làm rõ thêm một số vấn đề để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của phụ huynh điều khiển xe trong sân trường sau đó lùi tông phải nữ sinh khiến cháu bé tử vong là rất bất cẩn, đáng trách và có dấu hiệu tội phạm. Do đó, việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự tài xế để xem xét xử lý là có căn cứ. Tuy nhiên, vụ việc cụ thể cần cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể đưa ra các kết luận chính xác.
Thông tin vụ việc cho thấy, nam tài xế mới lấy bằng được 3 tháng, điều khiển xe ô tô bán tải vào trường học, sau khi lùi xe đã cán phải một học sinh lớp 2 dẫn đến cháu bé tử vong và gây thương tích cho 2 cháu bé khác. Với diễn biến như vậy có thể thấy có dấu hiệu hình sự, người điều khiển phương tiện này thiếu chú ý quan sát khi lùi xe, bất cẩn dẫn đến vụ tai nạn giao thông. Do đó tài xế này sẽ được xác định có lỗi, đó là lỗi vô ý và hậu quả khiến cháu bé tử vong nên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý, sự việc xảy ra trong sân trường, khuôn viên nhà trường không phải khu vực đường bộ. “Bởi vậy, với lỗi vô ý gây hậu quả chết người, có thể xử lý về nhiều tội danh, trong đó có tội “Vô ý làm chết người”, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”…” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.
Tại khoản 1 Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định, đường bộ bao gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Tuy nhiên, với hành vi tham gia giao thông, điều khiển các phương tiện giao thông không phải khu vực được xác định là đường bộ sẽ không đủ căn cứ để xử lý về tội danh này, khi đó nếu có lỗi vô ý làm chết người thì sẽ xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ việc trên, điều đáng lưu ý, khi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi vào đường cấm, khu vực cấm, cũng có thể được xác định là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi vậy, trong tình huống này sân trường này có biển cấm hay không, cơ quan chức năng có xác định đây là khu vực cấm xe ô tô hay không, nếu là khu vực cấm xe ô tô, xe ô tô không được phép di chuyển vào đây cũng có thể xem xét xử lý về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260, Bộ luật Hình sự do xe ô tô đi vào khu vực cấm.
“Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của nhà trường về các công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Để xảy ra vụ việc ở trong trường học, chắc chắn là người bảo vệ và lãnh đạo nhà trường cũng có phần trách nhiệm. Mức độ trách nhiệm đến đâu sẽ phụ thuộc vào nội quy quy chế, phụ thuộc vào công tác quản lý phải đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình huống này” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.