Người làm báo đồng hành trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người lao động

Loạt phóng sự điều tra 'Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên' là kết quả của quá trình thâm nhập, ghi nhận thực tế vấn đề sử dụng lao động ở các doanh nghiệp. Loạt phóng sự đã góp phần lên tiếng để hạn chế tình trạng sử dụng, lạm dụng lao động trẻ em, vấn đề nhức nhối, gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ em nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.

Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động

Không chỉ đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức để đáp ứng xu thế báo chí đa phương tiện, làm báo hiện đại, thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền cho tổ chức công đoàn. Trong những năm qua, Tạp chí Lao động và Công đoàn còn có nhiều tin, bài chất lượng về việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động.

 Loạt bài được thiết kế Emagazine, các bài viết kèm video phóng sự điều tra công phu nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của độc giả. Ảnh: NVCC

Loạt bài được thiết kế Emagazine, các bài viết kèm video phóng sự điều tra công phu nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của độc giả. Ảnh: NVCC

Tháng 8 năm 2023, nhiều học sinh trường trung cấp nghề ở một số địa phương miền trung dù đang học lớp 10, được nhà trường cử đi thực tập trải nghiệm. Nhưng các em được đưa vào các nhà xưởng để làm công nhân thời vụ, liên tục phải tăng ca.

Nhận thấy đây là đề tài sẽ được nhiều người lao động quan tâm, nhóm phóng viên của Tạp chí Lao động và Công đoàn đã vào cuộc, ghi nhận thực tế về những vi phạm lao động trẻ em, lao động vị thành niên. Sau khi hoàn thiện và đăng tải loạt phóng sự đó nhóm nhận được sự quan tâm của của bạn đọc, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc và chấn chỉnh tình trạng này.

Nhà báo Đỗ Minh Khôi (đại diện nhóm tác giả) cho biết, sau loạt phóng sự này, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại vấn đề nghiêm trọng hơn là rất nhiều địa phương nơi có nhiều khu công nghiệp lớn đang có tình trạng vi phạm pháp luật về cung ứng lao động. Các đơn vị cung cấp lao động lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý tuyển dụng lao động trong các công ty, đưa các lao động trẻ em vào làm việc trong các khu công nghiệp để thu lời.

Thực tế cho thấy, hiện nay Luật Lao động, Luật Việc làm đều nêu rõ về công tác quản lý đối với những người chưa đủ tuổi lao động. Đối với lao động chưa đủ 18 tuổi không được phép làm việc trong các khu công nghiệp, những nơi vốn đòi hỏi có các kỹ năng, phải được đào tạo đầy đủ.

Mong muốn đi sâu hơn để khai thác đề tài này, nhà báo Đỗ Minh Khôi và đồng nghiệp đã xây dựng kế hoạch, đề cương để xin ít kiến của Ban biên tập và được ban biên tập nhất trí triển khai. Nhóm đã tìm đến các tỉnh gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nam... nơi có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, đây cũng là những tỉnh là điểm sáng về đầu tư nước ngoài (FPI).

Tuy nhiên, lên kế hoạch thì dễ, khi bắt tay vào triển khai mới thấy khó. Cả nhóm phải đi nhiều tỉnh, tại các khu công nghiệp có diện tích rất rộng, các câu hỏi đặt ra là làm sao lựa chọn khu công nghiệp, nhà máy nào phù hợp nhất? Nhóm cũng dành thời gian tìm đến các trung tâm môi giới lao động, những công ty chuyên cung cấp lao động để tìm hiểu về cách hoạt động.

Nhà báo Đỗ Minh Khôi cho biết, “Việc quan trọng nhất của điều tra là nhập vai sao cho hiệu quả, chúng tôi đã nhập vai là những đối tác chuyên tìm kiếm lao động cho các doanh nghiệp. Sẵn sàng cung cấp cho các trung tâm môi giới nguồn lao động ở các tỉnh, thành khác nhau để họ có nguồn lao động rẻ. Có nhiều lao động ít tuổi, dưới 18 tuổi, các công ty này tin tưởng và chia sẻ khá nhiều thông tin, họ cũng rất muốn có nguồn lao động này, vì mỗi một lao động được tuyển nguồn lợi nhuận sẽ được tính theo giờ của những lao động”.

Minh bạch thị trường lao động

Đi thực tế vào thị trường lao động, cả nhóm nhận thấy lao động trẻ em, chưa thành niên bị áp đặt các điều khoản về tăng ca, làm đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Điều đáng lên án là các doanh nghiệp cho thuê lại lao động có dấu hiệu trục lợi, cưỡng bức lao động, thu lời bất chính... tất cả đã được chỉ ra trong loạt phóng sự.

 Nhà báo Đỗ Minh Khôi đại diện nhóm tác giả của Tạp chí Lao động và Công đoàn (áo trắng) nhận Giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhà báo Đỗ Minh Khôi đại diện nhóm tác giả của Tạp chí Lao động và Công đoàn (áo trắng) nhận Giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng. Ảnh: Hải Nguyễn

“Khi nói chuyện chúng tôi rất xúc động vì các em luôn trong tình trạng thiếu ngủ, mặt mũi không được tỉnh táo, khuôn mặt còn rất trẻ. Các em đã mất nhiều tuần để tăng ca, ngày không chỉ làm việc 8 tiếng mà nhiều hơn thế. Bữa ăn của các em chỉ có mì tôm, sang hơn là có cơm với một chút thức ăn mang từ quê ra. Các em thường xuyên uống các loại cafe, nước tăng lực để tỉnh táo khi làm việc”, nhà báo Đỗ Minh Khôi nhớ lại.

Trong bài viết nhóm tác giả đã phân rõ thủ đoạn ăn chia lợi nhuận trên số giờ làm, những nguy hại, nguy cơ mà các em có thể gặp phải nếu làm việc trong môi trường này. Loạt bài còn đi sâu phân tích những vi phạm khi sử dụng lao động không có đồ bảo hộ, an toàn về môi trường, không được tiếp cận với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

Loạt phóng sự cũng chỉ ra những kẽ hở trong vấn đề tuyển dụng công nhân thời vụ tại các doanh nghiệp FDI, nhất là thời điểm đáp ứng đơn hàng lớn. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, khai gian tuổi để đưa lao động trẻ em, chưa thành niên vào làm việc trong các nhà máy với số lượng lớn.

Sau khi loạt bài được đăng tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất 7 doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ, tài liệu liên quan; xác minh trực tiếp tại 17 doanh nghiệp thực hiện thuê lại lao động. Kết quả thanh tra đột xuất, các doanh nghiệp, đơn vị đều vi phạm quy định pháp luật liên quan đến lao động trẻ em, dưới thành niên.

Không chỉ tỉnh Bắc Ninh, sau loạt phóng sự điều tra của Tạp chí Lao động và Công đoàn, nhiều địa phương cả nước - nơi tập trung các khu công nghiệp, chế xuất chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động, cho thuê lại lao động.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động. Nhiều tỉnh quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, cho thuê lại lao động, đảm bảo quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của lao động thuê lại.

Nhà báo Đỗ Minh Khôi cho rằng: “Khi triển khai bất cứ đề tài gì, chúng tôi luôn mong muốn mang tiếng nói của công đoàn đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tất cả các tin, bài phản ánh của tạp chí đều hướng tới mục tiêu đó. Chính vì thế mỗi khi có loạt bài nào được đăng tải đều nhận được sự ủng hộ của công chúng và các cơ quan chức năng. Qua loạt phóng sự điều tra “Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên” chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là minh bạch thị trường lao động, để thị trường lao động diễn ra minh bạch, từ đó việc thu hút đầu tư sẽ tốt hơn, tất cả để hướng đến sự phát triển bền vững”.

Loạt phóng sự điều tra “Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên” của Tạp chí Lao động và Công đoàn đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 ở hạng mục phóng sự điều tra (báo điện tử).

Đây là đầu tiên Tạp chí Lao động và Công đoàn được vinh danh ở giải báo chí cao quý nhất - Giải Báo chí quốc gia.

Cùng với Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lao động và Công đoàn là một trong hai tờ tạp chí đoạt giải trong lần thứ XVIII giải báo chí lớn nhất cả nước được tổ chức.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-lam-bao-dong-hanh-trong-cong-tac-bao-ve-quyen-loi-ich-hop-phap-nguoi-lao-dong-post306383.html