Người làm đẹp cho hoa

Yêu hoa đến mê đắm, họa sĩ Trần Thùy Linh nổi tiếng với những bức tranh cận cảnh về hoa gây ám ảnh, tạo ra những rung động cảm xúc lớn. Nhân dịp chị vừa xuất bản hai tập sách 'Đi như tờ giấy trắng' và 'Muôn dặm đường hoa', phóng viên có cuộc trao đổi với chị về công việc và đời sống.

Với chị viết và vẽ, cái nào quan trọng hơn?

Với chị viết và vẽ, cái nào quan trọng hơn?

Hội họa và văn chương đã luôn song hành trong cuộc đời tôi. Khó có thể nói lĩnh vực nào quan trọng hơn. Phần lớn thời gian tôi thực hành cả hai. Nhưng, cũng có những giai đoạn tôi tập trung vẽ nhiều hơn do tôi thấy cảm xúc lúc đó có thể giải tỏa tốt hơn bằng màu sắc. Khi những sự kiện, bối cảnh tôi gặp cho một “tứ” hay, hoặc phù hợp đề tài văn chương đang theo đuổi thì tôi viết. Hai lĩnh vực này luôn đi cùng, bổ trợ cho nhau và quan trọng ngang nhau.

Chị từng chia sẻ, giấc mơ thuở thiếu thời đã thôi thúc chị phải đi, dấn thân, chụp ảnh, vẽ tranh, trò chuyện để có những bài cảm về hoa. Chị hãy chia sẻ rõ hơn?

Thế giới trong những cuốn sách và những giấc mơ thuở thiếu thời luôn là nền tảng nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo trong tôi và là một trong nhiều động lực thôi thúc lên đường.Trong đó, giấc mơ về một bông hoa xanh thực sự là đặc biệt đối với tôi. Nó đặc biệt vì luôn lặp đi lặp lại, với tần suất rất lớn, từ khi tôi khoảng 5 tuổi tới khoảng 8 tuổi. Sau này tôi khá ngạc nhiên vì mình nhớ hầu hết các chi tiết trong những năm tháng đầu đời, cũng như chi tiết trong những giấc mơ. Nên hoa với tôi, ngay từ nhỏ, đã là cái gì đó rất đặc biệt. Thêm vào đó, tôi sinh ra trong một gia đình ở Hà Nội mà ai cũng yêu hoa, thích cắm hoa, dù thời bao cấp nhiều người đã cho rằng, hoa là thứ xa xỉ. Với bố mẹ tôi thì cây cỏ hoa lá luôn là thứ phải có trong cuộc đời, nên dù sống trong phố cổ hay trong căn hộ chật hẹp chúng tôi cũng phải có một khu vườn nhỏ. Đôi khi không có tiền mua hoa thì cắm lá xanh cũng thấy vui. Rồi sau này, dù ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bên tôi cũng có hoa, lá, cây xanh. Hoa đã đi vào cuộc sống của tôi như thế, đơn giản, bình dị, như người thân của tôi. Cuốn “Muôn dặm đường hoa” ra đời tiếp nối cảm xúc từ những chuyến đi chụp hoa, vẽ hoa.

Hoa đã giúp gì cho cuộc đời chị và con người?

Hoa đã cho tôi quá nhiều thứ. Khi ở những phút giây tăm tối tưởng chừng không thể nào vượt qua, tôi lại nhớ tới giấc mơ về bông hoa xanh. Tôi nhớ tới những cảm xúc diệu kỳ không thể so sánh được khi tôi vùi mình giữa hoa cỏ trên thảo nguyên Mông Cổ, hay đạp xe giữa những ruộng cải vàng. Những tăm tối luôn lùi lại phía sau khi những hình ảnh ấy xuất hiện trong suy nghĩ. Chúng cho tôi sức mạnh để đối mặt với những điều tưởng chừng như không thể. Hoa cho tôi hàng trăm bức tranh vẽ chân dung hoa. Mỗi bức tranh là một cảm xúc không bao giờ lặp lại, là cuộc đối thoại với hoa, cũng là cuộc hội thoại với cái tâm của tôi.

Hoa là đẹp rồi, nhưng tôi nghĩ, mỗi con người càng học phẩm cách của hoa thì xã hội càng trở nên đẹp. Cùng với đó con người chúng ta cũng phải góp phần tôn bồi vẻ đẹp của hoa, cho nhan sắc hoa tươi mới hơn. Vẽ, viết hay làm nhạc về hoa chính là cách con người thể hiện tri ân và làm hoa đẹp hơn.

Chị từng có cuốn “Sài Gòn những mùa yêu” mang thông điệp về tình yêu với Sài Gòn. Còn “Đi như tờ giấy trắng” chị gửi gắm điều gì?

Ai cũng có quê hương và khi đi xa thì luôn muốn trở về. “Đi như tờ giấy trắng” cũng trong tâm thế đó. Cuốn sách gồm hai phần là Những miền đất lạ và Những miền đất quen. Mục đích của tôi là muốn nhấn mạnh thông điệp càng đi nhiều và đi xa bạn sẽ càng nhận ra mình là ai và càng trưởng thành hơn. Những chuyến đi xa cho bạn thấy ý nghĩa của sự trở về và những chuyến đi trên mảnh đất quê hương. Tôi muốn mọi người hiểu điều đó mà không cần phải nói ra, nhưng nếu bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra điều đó qua sự sắp xếp có dụng ý của tôi ở bố cục sách: phần đầu là những vùng xa như châu Úc, Phi, Âu, Á rồi đến chương cuối cùng là về Việt Nam. Người đọc sẽ đi cùng tôi trên con đường đó, đến những nơi xa rồi cuối cùng trở về quê nhà với những nơi chốn thân quen.

Họa sĩ Trần Thùy Linh và tranh hoa

Họa sĩ Trần Thùy Linh và tranh hoa

Không ít tác giả đã viết dạng du ký, in thành sách và đã thành danh. Chị cũng đang đi theo cách này, chị có thấy nhàm?

Mỗi tác giả có văn phong và bút pháp của riêng mình. Cách các tác giả đi, những điểm đến do họ lựa chọn, sẽ mang cho họ những trải nghiệm khác nhau, không ai giống ai. Cách viết cũng vậy. Điều đó chỉ làm phong phú thêm cho mảng văn học du ký và người được lợi nhất là độc giả. Tôi đọc nhiều sách, trong đó có nhiều sách du ký. Mỗi cuốn đều là một, có khi vài cuộc đời và thể loại văn học này mang tính cá nhân rất cao. Các đề tài du ký cũng đa dạng như cuộc sống và xã hội loài người vậy. Nhưng không vì thế mà những điều đó ngăn tôi bước chân vào địa hạt này được, vì cuộc đời tôi là những chuyến đi, còn tôi thì phải viết. Đơn giản vậy thôi. Câu hỏi đặt ra là, phải chọn cho mình một con đường nào, để chính mình và độc giả không thấy nhàm chán. Dù cho du ký là thể loại giao thoa giữa báo chí và văn chương, nhưng thông tin không phải là tất cả. Cũng như những trải nghiệm, cảm xúc cá nhân trong những chuyến đi rất quan trọng, nhưng chỉ là tiền đề. Với tôi, điều quan trọng nhất chính là sự chiêm nghiệm từ những trải nghiệm, cảm xúc đó. Những chuyến đi để chiêm nghiệm và giúp ta thay đổi cuộc đời, đó chính là tiêu chí của tôi trongsáng tác văn học du ký.

Chung quy lại sách phải hay, và những chuyến đi đều phải có một ý nghĩa nhất định?

Đúng vậy. Nhưng chúng ta viết sách ra cũng là muốn bạn đọc cùng chiêm nghiệm với tác giả, để rút ra những điều có ích. Khi viết tôi luôn cố gắng khách quan nhất có thể và bằng mọi cách tránh sự áp đặt của mình lên suy nghĩ người đọc. Muốn chiêm nghiệm được, độc giả cần đọc chậm. Nghĩ và ngẫm. Tôi quan niệm rằng, từ những chiêm nghiệm của chính họ khi đọc sách, độc giả sẽ có thêm những hiểu biết có ích, những cảm xúc tích cực cho cuộc sống của họ. Và đó cũng chính là nhiệm vụ của văn học. Tiêu chí này cũng là tiêu chí chính của dòng tranh trừu tượng tôi theo đuổi. Tôi tự do khi vẽ và viết, còn bạn có sự tự do hoàn toàn khi bạn đọc và cảm nhận. Đó cũng là cách tôn trọng độc giả của mình.

Sách du ký là thể loại đang kích thích các bạn trẻ “xách ba lô lên và đi”. Làm sao để mỗi chuyến đi không chỉ là chuyện chụp ảnh?

Những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua trong cuộc đời như nhiều năm làm lữ hành, tổ chức tour cho tôi đúc kết ra một điều rằng, nếu bạn muốn là người lữ hành đúng nghĩa, bạn cũng nên học cách đi. Không phải là hình thức bạn đi hay nơi bạn tới là điều quan trọng nhất, mà cách bạn đón nhận những điều mới mẻ mới là quan trọng nhất. Điều đó chỉ có được khi bạn cảm nhận, thưởng thức, nhìn ngắm... những gì tới với mình trên đường với tâm thái “như tờ giấy trắng”, cởi mở, rũ bỏ hết mọi mặc định, những định kiến để rồi bạn như người mới được sinh ra, nhìn cuộc sống dưới con mắt của trẻ thơ, tươi mới hơn.

Xin cảm ơn họa sĩ Trần Thùy Linh!

Diên Khánh thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-lam-dep-cho-hoa-92933.html