Người làm 'dịch vụ' giáo dục miễn phí ở vùng cao

'Nếu gọi tôi là giáo viên thì thật ra chưa đầy đủ lắm. Tôi thì lại không quen dùng những từ hoa mĩ, nên vẫn thường gọi mình là người làm 'dịch vụ' giáo dục ở vùng cao. Nhưng dịch vụ không thu tiền nhé!'

Thầy Bính vẫn thường gọi mình là người làm “dịch vụ” giáo dục ở vùng cao mà không lấy tiền.

Thầy Bính vẫn thường gọi mình là người làm “dịch vụ” giáo dục ở vùng cao mà không lấy tiền.

Đó là tâm sự của thầy giáo Lường Văn Bính, giáo viên Trường Tiểu học số 2, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà (Điện Biên) tâm sự.

Người thầy đầu tiên đưa máy xát về bản

Năm 2007, vừa ra trường, thầy Lường Văn Bính về nhận công tác tại bản Kết Tinh – điểm khó khăn, xa xôi, cách trở nhất Trường Tiểu học Mường Mươn lúc bấy giờ. Mặc dù được sinh ra trên mảnh đất miền núi Điện Biên, song “cú sốc” về con đường bản vẫn khiến thầy “khắc cốt ghi tâm” cho đến tận bây giờ.

“Tôi xuất phát từ trường trung tâm cùng với một số giáo viên ở điểm khác, cùng tuyến đường đi. Kể từ lúc rẽ vào đường lên bản gần như chẳng có đoạn nào xuống, cứ vít ga cứng cả tay leo ngược dốc dựng đứng. Đến điểm bản đầu tiên là 8 giờ tối, các thầy cô đều dừng lại ở đó. Có mình tôi là phải đi tiếp vào sâu điểm trong cùng, cách đó chừng 7 cây, thế mà 2 giờ đêm mới đến nơi” – thầy Bính nhớ lại.

Suốt gần 6 giờ đồng hồ đó, thầy Bính mò mẫm đi trong đêm tối. Chiếc đèn xe “cà tàng” không đủ chiếu sáng, xuôi dốc dựng đứng mà vẫn phải ga để “vớt vát” chút ánh sáng soi đường.

“Trời lúc ấy bỗng dưng lại mưa, đi được nửa đường thì bánh xe đặc quánh bùn không quay được. Thế mà cả người và xe cứ trượt xuôi dốc với tốc độ phải đến 40 km/giờ, mặc cho tôi bóp và đạp phanh cứng hết tay, chân. Nói thật, lúc ấy tôi chỉ biết cố đánh tay lái bám taluy dương rồi cầu xin trời phật được bình an” – thầy Bính kể.

Vượt qua cú “chết hụt” đầu tiên, thầy Bính lại thêm “mở mang tầm mắt” khi chứng kiến cuộc sống người dân bản địa. Cả bản, không có bất cứ thứ đồ gì giá trị hay hiện đại. Các loại hình dịch vụ, như: Hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm, y tế… cũng không.

“Tôi có cảm giác như mình lạc giữa thời nguyên thủy vậy. Nhà thì mái tranh lụp xụp, phải cúi lom khom mới vào được. Tài sản bên trong chỉ có vài bao thóc là quý giá nhất, để dành ăn cho cả năm, nhưng phải thiếu đói vài tháng. Thế nên, bọn trẻ đi học được là mừng lắm rồi” – thầy Bính trải lòng.

Có một lần thầy cô trên trường hết gạo, phải xuống mua thóc của dân, nhưng tìm cả bản không có bóng dáng của chiếc máy xát thóc nào. Hỏi ra thầy Bính mới biết, bà con ở đây chỉ giã thóc, sàng lấy gạo bằng tay, ngày nào ăn giã ngày đó. Sau vài lần như vậy, thầy Bính quyết định về gom hết số tiền lương hơn 7 triệu đồng gửi mẹ đem mua máy xát thóc. Rồi mất cả ngày trời “vật lộn” mới mang được lên tới bản.

Lần đầu nhìn thấy chiếc máy xát hoạt động, bà con ai cũng ngỡ ngàng. Thế là từ đó, hễ nhà nào cần lại mang thóc lên trường gặp thầy Bính. Nhiều lúc bà con tìm vào giờ lên lớp, thấy thầy đang dạy không dám làm phiền nên cùng nhau xếp hàng ở ngoài cửa. Cũng từ đây, bản nghèo biên giới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những thiết bị hiện đại, phục vụ cuộc sống, sản xuất của bà con, mà phần nhiều là do thầy Bính mang lên.

Theo lời thầy Bính, thì ngày ấy khó khăn, nhưng ở điểm bản vui lắm, vì điểm trường đông, có tới 5 lớp. Mỗi giờ tan học, giáo viên lại quây quần quanh mâm cơm đạm bạc bên bếp lửa. Những trang giáo án được hoàn thiện bằng ánh đèn dầu và nến… Giấc ngủ thường đến sớm, để ngày hôm sau lại phấn khởi đón những đứa trẻ “chân đất” đến trường.

Suốt 15 năm “thanh xuân”, thầy Bính đều dành cho những đứa con nuôi ở bản.

Suốt 15 năm “thanh xuân”, thầy Bính đều dành cho những đứa con nuôi ở bản.

Thanh xuân ở vùng cao!

Thầy Bính quê ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Là người bản địa, nên ít nhiều thầy dễ dàng gắn bó và hiểu hơn về cuộc sống, sự thiếu thốn của những đứa trẻ lớn lên ở miền núi Điện Biên. Thầy bảo: “Tính đến giờ là 15 năm tôi theo nghề và cũng từng đó năm tôi ở bản. Thanh xuân của tôi là ở vùng cao này”.

Thầy Bính tốt nghiệm Cao đẳng Sư phạm Điện Biên năm 2007 và về nhận công tác luôn tại Trường Tiểu học Mường Mươn (sau này được chia tách thành hai trường số 1 và số 2).

Vì là “phái mạnh”, “sức dài vai rộng” nên thầy luôn được “ưu tiên” lựa chọn các điểm bản xa xôi, khó khăn. “Cuối năm học nào trường cũng phát cho tờ giấy đăng ký nguyện vọng năm sau. Tôi toàn tự đánh tên mình vào các điểm bản khó khăn, nên đồng nghiệp cứ hay nói đùa rằng tôi được ưu tiên là vậy” – thầy Bính nói.

15 năm, thầy Bính không chỉ đi hết các điểm vùng khó của xã Mường Mươn (Huổi Meo, Huổi Ho, Huổi Nhả, Kết Tinh, Pú Chả, Pú Múa…), mà còn tăng cường điểm trường ở các xã khác trong huyện.

Đa phần các bản ghi dấu chân thầy, đều nổi tiếng là “nhiều không” nhất huyện biên giới Mường Chà. Thậm chí, nhiều vùng, bà con vẫn quen với cuộc sống “tự cung tự cấp”. “Chỉ có giáo dục là dịch vụ duy nhất ở đây vì có người vào cung ứng. Có điều, dịch vụ này làm bằng cái tâm và không thu lợi nhuận” – thầy Bính nói vui.

Năm học này, thầy Bính nhận điểm bản Pú Vang, với 11 học sinh đều là con em đồng bào Mông. Cũng như mọi điểm khác, vừa nhận nhiệm vụ giảng dạy thầy Bính vừa “tròn vai” của một người bố, chăm sóc những đứa con nuôi của mình.

Vì được phân phụ trách địa bàn cùng một cô giáo nữ, lo sợ dị nghị, thị phi, thầy đã thuê một căn nhà trọ của người dân ở dưới trung tâm xã, với giá 800 nghìn đồng. Đều đặn mỗi ngày, hơn 5 giờ là thầy dậy chuẩn bị đồ, thực phẩm nấu ăn trưa cho học sinh, rồi “ngược” 8km đường núi lên điểm bản.

“Hết một ngày làm bố nuôi, tối đến tôi lại xuôi núi về nhà thuê để ngủ. Hôm nào xong sớm thì 17 giờ bắt đầu về, cũng có hôm quẩn quanh việc nọ, việc kia muộn mới rời bản được. Ngày nào cũng thế nên thành quen, không thấy vất vả nữa. Với lại, về còn lấy thực phẩm tươi và rau xanh cho các con, chứ trên ấy hiếm lắm!” – thầy Bính bộc bạch.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nguoi-lam-dich-vu-giao-duc-mien-phi-o-vung-cao-T3u1OX57R.html