Người làm mặt nạ gỗ thổi hồn cho lễ hội đồng bào Jrai

Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, những chiếc mặt nạ gỗ đã được bàn tay khéo léo của ông A Yưk tạo tác góp phần làm cho các lễ hội văn hóa của đồng bào Jrai thêm phần đặc sắc.

Người "thổi hồn" vào mặt nạ gỗ

Ông A Yưk sinh ra và lớn lên tại làng Klâu Ngo Zố (xã Ia Chim, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là nơi trước đây hay tổ chức lễ hội, tuy nhiên vì chưa có nhiều nét đặc biệt nên niềm vui lễ hội chưa được trọn vẹn. Thấy vậy, ông A Yưk nảy ý định đẽo mặt nạ để người dân hóa trang. Các lễ hội làng cũng từ đó náo nhiệt, sinh động hẳn lên.

Nói về cơ duyên để bắt tay vào làm mặt nạ gỗ, ông A Yưk nhớ lại: “Khoảng 20 năm về trước, trong một lần tham gia lễ hội tại huyện Chư Păh (Gia Lai), khi nhìn thấy đủ thứ loại tượng, mặt nạ đẹp mắt được trang trí, tôi rất ưng bụng. Về đến nhà tôi hình dung, nhớ lại rồi làm. Làm từ cái nhỏ đến cái to, làm tỉ mỉ chi tiết suốt ngày đêm cuối cùng cũng ra, lúc đó tôi thấy rất vui”.

Ông A Yưk đặt hết tâm huyết vào từng chiếc mặt nạ gỗ của người đồng bào Jrai với những hình thù độc đáo.

Ông A Yưk đặt hết tâm huyết vào từng chiếc mặt nạ gỗ của người đồng bào Jrai với những hình thù độc đáo.

Sở hữu đôi tay tài hoa, ông A Yưk (57 tuổi) người đồng bào Jrai đã tạo ra nhiều mặt nạ với đủ hình thù, biểu cảm khác nhau. Số tác phẩm ông tạo ra đến nay nhiều vô số chính ông cũng không nhớ nổi. Nhờ sự say mê, sáng tạo lại siêng năng, chịu khó ông A Yưk đã sớm khẳng định “tay nghề” và để lại dấu ấn riêng trong từng tác phẩm của mình.

Mặt nạ được ông A Yưk khắc họa đủ hình dạng như mặt cười vui, đau khổ, người già, người trẻ, nam, nữ đủ cả. Những bộ phận chính trên mặt nạ là mắt, mũi, miệng và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm… được cách điệu với đường nét tạo hình hết sức hoang sơ. Mỗi chiếc mặt nạ có độ dày trung bình 1cm, dài khoảng 20 – 25cm tùy giới tính.

Mặt nạ dành cho nữ thường thon gọn, có phần vải đen dài 30cm gắn phía sau để đặc tả tóc dài, mặt nạ cho nam có khuôn hình vuông rộng, điểm thêm râu, mặt nạ cho người già thể hiện rõ ở bộ răng thưa thêm chút vôi trăng, mặt nạ trẻ con lại tô thêm chấm hồng ở má. Điểm đặc biệt dễ nhận thấy ở những chiếc mặt nạ là sự kì dị pha lẫn hài hước.

Hằng ngày, sau những giờ đi trút mủ cao su, ông A Yưk lại dành thời gian để đi khắp làng tìm nguyên liêu. Thành phần chính để tạo nên những chiếc mặt nạ là gỗ cây hoa sữa, loại gỗ này có đặc điểm nhẹ, mềm, dễ đốn hạ và đặc biệt dễ kiếm.

“Cứ đi đến nhà nào, họ có ý bán thì mình mua, cứ 300 – 500 nghìn đồng/cây tùy lớn nhỏ. May mắn nhà nào quý thì họ tặng mình luôn”, ông A Yưk chia sẻ.

Những chiếc mặt nạ dành cho nam giới sử dụng tại lễ hội truyền thống.

Những chiếc mặt nạ dành cho nam giới sử dụng tại lễ hội truyền thống.

Để làm ra những chiếc mặt nạ đẹp, bắt mắt, ông A Yưk dùng rừu, rựa, dao, đục và một miếng gỗ cứng để tạo lực. Ngoài ra, nguyên liệu làm mặt nạ chuẩn cần phải chọn những cây gỗ nhẹ, không bị nứt, không quá lồi lõm như vậy quá trình làm sẽ dễ dàng, người đeo mặt nạ trong thời gian dài không cảm thấy nặng nề.

Sau khi tạo hình, các mặt nạ cần được hơ qua lửa để cháy sém nhằm tăng thêm sắc thái cho biểu cảm. Trung bình mỗi ngày tối đa ông có thể làm ra ba cái mặt nạ.

Theo ông A Yưk, mặt nạ đẹp phải có biểu cảm, hình thù xấu xí, kì dị. Chỉ như vậy khi sử dụng trong các lễ hội tại làng mới tạo nên không khí tươi mới hơn. Nếu mặt nạ mịn màng, trơn tru, sạch sẽ thì không còn đẹp nữa. Kết hợp hóa trang giữa mặt nạ với các bộ áo quần làm từ lá cây, rể cây sẽ tăng sự thu hút trong các lễ hội.

Không chỉ tăng tính đặc sắc, khi đeo mặt nạ tại lễ hội người tham gia sẽ không còn tâm lý ngại ngùng, thay vào đó họ hòa mình, nhảy múa vui tươi như thể đang hóa thân vào người khác.

Nỗi lo tìm người kế cận

Từ thâm tâm, ông A Yưk luôn hiểu những tác phẩm mình đang ngày đêm tạo ra đã góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào.

Theo phong tục tập quán của người Jrai mặt nạ được xem là kỷ niệm của một người lúc sống hoặc đã chết. Việc sử dụng mặt nạ trong các lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người đồng bào Jrai tại làng Klâu Ngo Zố nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Kon Tum nói chung.

Chính vì thế, bằng tình yêu với văn hóa, đất và người nơi ông sinh ra, lớn lên nên những sản phẩm ông tạo ra chỉ để phục vụ cho người dân và các lễ hội diễn ra tại làng, có chăng là đem tặng cho những người thực sự yêu thích và thật sự quan tâm đến mặt nạ gỗ.

Những chiếc mặt nạ được đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của ông A Yưk chạm khắc từng chi tiết.

Những chiếc mặt nạ được đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của ông A Yưk chạm khắc từng chi tiết.

"Biết là không có thu nhập từ việc đẽo mặt nạ gỗ nhưng mình vẫn muốn làm để phục vụ các lễ hội tại làng. Mọi người vui thì mình cũng vui, cái gì mình yêu thích thì không ngừng được. Có nhiều người từ nơi khác cũng đến mua, nhưng mình không bán. Đợt vừa rồi có đoàn khách từ Hà Nội ghé vào, mình có gửi tặng 2 cái”, ông A Yưk kể thêm.

Dù vẫn giữ được đam mê với việc chế tác mặt nạ gỗ thế nhưng ông A Yưk luôn trăn trở về nỗi lo kế cận. Vì chính những chiếc mặt nạ của ông đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa cộng đồng nên việc truyền dạy, kế thừa và phát huy nét văn hóa ấy lại khiến ông nặng lòng hơn bao giờ hết.

"Người ta phải yêu thích và đam mê thì mình mới truyền dạy được. Ở đây, họ không thích, không hứng thú thì làm sao mình có thể kéo họ theo nghề của mình được” – ông A Yưk trăn trở.

Thanh niên trong làng cũng không chịu học bởi sự kì công, tỉ mỉ, chịu khó trong quá trình làm. Ông lo sợ đến một ngày khi ông không còn thì những chiếc mặt nạ cũng chỉ còn quá khứ.

Ông A Byam, trưởng làng Klâu Ngo Zố bày tỏ hiện nay trong làng chỉ còn già A Yưk biết làm mặt nạ, thế hệ trẻ sau này mới biết và hiểu đến. Nhờ có những chiếc mặt nạ này, các lễ hội ở làng thêm đặc biệt, linh thiêng hơn.

Về nguyện vọng của ông A Yưk, bà Uông Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: "Ông A Yưk rất nổi tiếng trong việc chế tác nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là nghệ nhân. Hầu hết các dịp lễ hội tại địa phương đều nhờ có ông A Yưk tham gia. Địa phương cũng lo việc này dần mai một nên đã đề xuất Phòng Văn hóa mở các lớp học để truyền nghề".

Thu Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-lam-mat-na-go-thoi-hon-cho-le-hoi-dong-bao-jrai-d185341.html