Người làm máy sấy bún

Trong nghề làm bún khô, khâu phơi bún quyết định đến sự thành bại của nghề. Bởi nếu làm nhỏ lẻ thì chẳng nói làm gì, song làm trên quy mô lớn mà chờ thời tiết nắng thì bập bõm. Nhiều tháng cả tuần mưa, bún làm ra không phơi được nắng sẽ hỏng. Để khắc chế điều này, anh Nguyễn Văn Thuật, xóm 22, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã tự mày mò nghiên cứu thành công máy sấy bún khô với năng suất 1 tấn/ngày. Điều đó giúp anh tự bứt phá vươn lên thành cơ sở sản xuất bún khô lớn nhất tỉnh.

Hai lò sấy điện công suất 1 tấn bún khô/ngày tự chế của anh Thuật cho hiệu quả rõ rệt.

Hai lò sấy điện công suất 1 tấn bún khô/ngày tự chế của anh Thuật cho hiệu quả rõ rệt.

Chàng kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Thuật quê Bắc Giang. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Hà Nội được tuyển vào làm tại Tổng Công ty xây dựng Sông Đà.

Tuổi trẻ của kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Thuật gắn bó mật thiết với Công trình thủy điện Tuyên Quang. Tại đây chàng kỹ sư đã bén duyên với thiếu nữ dân tộc Tày người địa phương tên là Bế Thị Yến ở thôn Bản Sảm, xã Sơn Phú. Khi thôn Bản Sảm thuộc diện phải di dân tái định cư về xóm 22, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn nay sáp nhập vào thành phố Tuyên Quang, anh Thuật cũng theo gia đình nhà vợ di dân về xã Kim Phú sinh sống trong căn nhà sàn cũ là của hồi môn của bố mẹ. Thương vợ vất vả, anh đã quyết định xin nghỉ việc để có thời gian chăm lo cho gia đình.

Trong cuộc sống sinh hoạt với gia đình nhà vợ, anh Thuật nhận thấy người Tày vùng cao hay tự làm món bún khô phơi để ăn dần. Khu tái định cư đất đai cũng có diện tích rộng để trồng cấy, việc làm nghề phụ sẽ có lợi hơn. Anh quyết định cùng vợ “khăn gói quả mướp” về quê nội ở Bắc Giang học làm bún khô ở làng nghề Mỳ gạo Chũ nổi tiếng thương hiệu cả nước. Những bí quyết, kinh nghiệm làm mỳ gạo, bún khô, bánh đa, bánh phở được anh chị học chu đáo, tỷ mẩn. Số tiền làm bao năm gom góp, cộng với vay thêm anh em họ hàng, anh chị Thuật Yến cũng mở được một xưởng làm bún khô nho nhỏ ở khu tái định cư mới. Dần dà quen nghề anh chị bắt đầu mở rộng sản xuất, tuy nhiên khó khăn vấp phải đầu tiên là phải phụ thuộc thời tiết nắng. Có những thời điểm mưa cả nửa tháng trời, bún khô không thể làm được, đơn đặt hàng lại bị hủy. Bún làm ra, thời tiết bập bõm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm. Nhiều mẻ phải đổ đi.

 Công đoạn rửa, tách sợi bún trước khi đưa vào lò sấy điện. Công đoạn này vừa làm thủ công và vừa có máy làm hỗ trợ.

Công đoạn rửa, tách sợi bún trước khi đưa vào lò sấy điện. Công đoạn này vừa làm thủ công và vừa có máy làm hỗ trợ.

Với tay nghề một kỹ sư cầu đường chuyển sang làm nghề bún anh Thuật luôn nghĩ cách để cải tiến nghề làm bún khô sao cho chủ động, sản xuất mới ổn định trên quy mô lớn được. Lúc đầu anh mơ tưởng về một lò sấy bún khô dựa trên nguyên lý của một chiếc điều hòa nhiệt độ. Tức là phải điều chỉnh được nhiệt độ và gió. Mà trên thị trường chả có cái máy nào bán sẵn có công năng sấy bún công nghiệp như vậy cả. Anh ra Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tham khảo hệ thống sấy quần áo cho cho bệnh nhân. Nhưng khi áp dụng thì lượng gió thổi kém, nhiệt không đạt. Cuối cùng anh phải tự mày mò, thiết kế, tìm mua thiết bị, thuê thợ cơ khí địa phương gia công “máy sấy bún khô tự chế” của mình. Máy sấy sử dụng hoàn toàn bằng điện và tự động báo nhiệt, gió trong lò sấy. Khi sợi mỳ ướt, máy sẽ tăng nhiệt độ lên 60 độ C, khi khô sẽ chuyển về 30 độ C. Với 2 lò sấy, một ngày cơ sở của anh Thuật chủ động làm ra 1 tấn bún khô ổn định cho thị trường bất kể trời nắng hay mưa. Với khoảng 30 tấn bún khô xuất đi trong 1 tháng, cơ sở làm bún khô Thuật Yến trở thành cơ sở làm bún khô lớn nhất tỉnh và nhanh chóng vươn lên đứng thứ 2 ở các tỉnh phía Bắc, chỉ sau cơ sở làm bún khô Hùng Lô, Phú Thọ.

Anh Thuật cho biết, bún khô nhà anh ưu tiên dùng các loại gạo ngon bao thai, khang dân của xã Kim Phú và vùng địa phương lân cận. Hiện nay, cơ sở được xã tạo điều kiện cho thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến do anh Thuật làm Giám đốc và một số cổ đông người địa phương. Mỳ gạo đặc sản Thuật Yến đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng bất kỳ một chất bảo quan nào. Xã Kim Phú đã lựa chọn mỳ gạo đặc sản Thuật Yến làm sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương, được tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đặt sản phẩm làm quà biếu như một đặc sản của quê hương. Mỳ gạo đặc sản Thuật Yến được đóng gói 0,5 -1kg một gói, giá từ 17-25 nghìn đồng/kg tùy loại, thị trường đã lan ra hầu hết các tỉnh phía Bắc. Mỳ gạo đặc sản Thuật Yến đang được người tiêu dùng đánh giá về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả cạnh tranh.

Năm 2021, tổng doanh thu của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến đạt 3,6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 10 lao động là bà con di dân vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang trên quê mới. Anh Giá Văn Thề, người lao động tâm sự: “Anh Thuật đã mang hơi thở mới cho khu tái định cư, nhiều bà con có việc làm, thu nhập tốt. Mọi người đã thay đổi căn bản nếp suy nghĩ cũ, không phải cứ đất rộng mênh mông mới làm giàu được. Theo cách làm của anh Thuật, trên địa bàn đã có thêm 4 xưởng làm bún khô được mở ra. Tuy là chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm 2/3 giá trị sản phẩm, song nghề làm bún khô vẫn có thu nhập cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Hơn nữa triển vọng hình thành một nghề mới làm bún khô đặc sản ở xã Kim Phú với những loại gạo ngon có thương hiệu của địa phương đang hiện hữu. Gần Tết lượng hàng đặt lớn, cơ sở đang phải tăng ca, tăng nhân lực để cho ra sản lượng lớn hơn”.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nguoi-lam-may-say-bun-152933.html