'Người làm nghệ thuật không nên quay lưng với thầy dạy của mình'
'Nghệ thuật là nhân văn, người làm nghệ thuật giàu lòng nhân ái. Người làm nghệ thuật không nên quay lưng với thầy dạy của mình'' - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.
Tôi chứng kiến, NSND Quốc Hưng học trò NSND Trần Hiếu. Khi là trò mới của thầy, thầy quan tâm như các trò. Khi trò trưởng thành, thầy già yếu, trò lo và chăm sóc thầy cả tinh thần, sức khỏe và vật chất đến tận bây giờ.
Tôi chứng kiến, NSƯT Đăng Dương trong liveshow 'Tổ quốc gọi tên mình mới đây' của anh, anh xúc động chia sẻ: Đăng Dương không còn bố mẹ đẻ ở bên rất lâu rồi, nhưng hạnh phúc vì có sự hiện diện của ông bà ngoại (bố mẹ vợ) và thầy cô (vợ chồng NSND Quang Thọ). Cũng như Đăng Dương, những liveshow lớn của Tùng Dương luôn có sự hiện diện của thầy Quang Thọ ở trị trí trang trọng.
Tôi quý Tân Nhàn từ chi tiết nhỏ. Nhàn không ngại mình là một ngôi sao, rất tự hào khi nhắc Lan Anh là cô giáo, nhắc NSƯT Đình Cương (Chèo Thái Bình) là thầy. Tân Nhàn học Lan Anh từ ngày đầu, với NSƯT Đình Cương cô chỉ học thêm không nhiều nhưng với nữ ca sĩ 'nửa chữ cũng là thầy'.
Tôi cũng có nhiều bậc tiền bối, dù có thể chỉ hỏi qua vài thông tin, dù có thể chỉ tiếp xúc, nhưng tôi coi như người thầy và luôn dùng từ thầy một cách trân trọng dành cho họ.
Tôi cũng có cậu học trò - ca sĩ Trần Hữu Tuấn, dù chỉ chắp cánh cho Tuấn một thời gian rất ngắn khi Tuấn chuẩn bị thi vào nhạc viện. Từ đó đến giờ, Tuấn và cả gia đình Tuấn luôn yêu quý và trân trọng tôi như người thầy của em. Riêng Tuấn, bao giờ cũng là người gọi cho tôi đầu tiên sau giao thừa hằng năm. Nó đã diễn ra nhiều năm rồi và tôi tin sẽ còn nhiều năm sau nữa. Tôi còn có nhiều học trò như thế, ở khắp nơi.
Tôi cũng có cậu học trò, ca sĩ Phan Thanh Cường, dù chỉ tư vấn một vài lần nhưng gần 10 năm rồi luôn sát cánh và hỗ trợ tôi trong các hoạt động âm nhạc cổ truyền vừa như một đồng nghiệp, vừa như một người trò.
Nghệ thuật là sứ giả của những điều đẹp đẽ nhất được đấng tối cao gửi xuống xoa dịu cuộc đời, giúp cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn. Hơn thế nó còn chia sẻ nỗi đau, hân hoan cùng niềm hạnh phúc, giúp cảm xúc của mỗi người được thăng hoa. Cho nên, nghệ thuật là nhân văn, người làm nghệ thuật giàu lòng nhân ái. Người làm nghệ thuật không nên quay lưng với thầy dạy của mình.
Nghệ thuật ca hát dân gian có câu nói rất hay: “Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”. Học cả khóa, học một năm, một tháng, một ngày hay thậm chí chỉ gián tiếp nghe tác phẩm hay đọc được một ý hay giúp bản thân mình “khai mở” một điều gì đó cũng là điều hết sức đáng trân trọng, xứng đáng được tôn vinh là thầy.
Người lớn tuổi hay tủi thân, dễ dỗi. Người trẻ muốn khẳng định cá tính… dễ vấp phải mâu thuẫn. Nhưng cuộc sống ai cũng sẽ có những lỗi lầm, không chỉ một lần mà có thể nhiều lần. Ta phải chấp nhận nó như một tất yếu dù không ai muốn rơi vào tình huống đó.
Đôi khi người trẻ tự tin quá dẫn đến những hành động chưa đúng chừng mực, điều đó cần được nhắc nhở. Nhưng nhắc nhở để tiến bộ, chứ không phải vùi dập.
Tôi mong người trẻ có sự chân thành, biết lỗi và biết ơn, dù chỉ là thầy trong một câu nói, một sự tư vấn trong quá khứ đã rất xa nhưng nó giúp mình khá hơn lên.
Và vì thế, tôi đang đợi một lời chia sẻ thực sự chân thành từ người trẻ ở trong cuộc lùm xùm 2 ngày qua giữa ca sĩ Đinh Trang - Á quân Sao Mai 2013 dòng nhạc thính phòng đăng tải một bài viết dài trên trang cá nhân, chia sẻ "sự thật đau lòng" về việc 3 ca sĩ trẻ là L.Q, H.M, M.M - những người từng là học trò cũ đã dùng những lời lẽ miệt thị mình trong nhóm chat riêng tư.
Mong mọi người coi đây là một bài học về cách ứng xử và xếp nó lại ở đâu đó trong chính mỗi người và tiếp tục đón nhận người trẻ với những hoạt động nghệ thuật.
Bạn đọc có thể gửi chia sẻ của mình về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn