Người làm thơ hiện đại bằng sơn mài

Trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại, họa sĩ Hiền Nguyễn không còn xa lạ với công chúng bởi những đóng góp, cống hiến và sáng tạo của chị trong hội họa, đặc biệt là nghệ thuật sơn mài. Hành trình nghệ thuật của Hiền Nguyễn vẫn đang rộng dài phía trước với những dấu ấn mới, lan tỏa rộng hơn…

Hiền Nguyễn (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu Hiền), sinh năm 1969, tại Hà Nội, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Chị là một nữ nghệ sĩ thị giác, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Chị ít khi xuất hiện trong các triển lãm. Hiền Nguyễn đã, đang dấn thân với dòng tranh sơn mài nghệ thuật. Nữ họa sĩ cũng đã tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhóm trong nước và quốc tế; có nhiều tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Tác phẩm “Một dòng sông” trưng bày tại triển lãm “Thở”

Tác phẩm “Một dòng sông” trưng bày tại triển lãm “Thở”

Tháng 10/2019, Hiền Nguyễn khiến nhiều người thêm yêu, thêm hiểu hơn về tranh sơn mài khi tổ chức triển lãm “Thở” tại TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm này chỉ giới thiệu một phần, một lát cắt sự nghiệp sơn mài của chị, bao gồm những tranh sơn mài mới nhất trên vải/toan. Những đề tài trong tranh của Hiền Nguyễn lấy cảm hứng từ triết lý Phật giáo. Tại triển lãm “Thở”, mảng sơn mài trên canvas với các series khác nhau, dù các tên tranh Vô thường, Ưu đàm nở hoa... có tính triết lý của đạo Phật thì về mặt tạo hình đều gần gũi với trừu tượng.

Cũng vậy, với tranh phong cảnh trên vóc như Mùa xuân, Mùa thu hay Để gió cuốn đi gần như không còn mang tính biểu hình. Đem đến cảm xúc cho người xem - đó là điều mà Hiền Nguyễn đã làm được qua triển lãm “Thở”. Quả thật, xem những tác phẩm mới nhất của Hiền Nguyễn tại triển lãm “Thở” vẫn thấy được những đặc trưng không lẫn vào đâu được của sơn mài trên bề mặt của canvas. Những tầng, lớp chất liệu chìm khuất và mờ ảo, những luênh loang mà chỉ sơn mài mới “làm” được. Đó là thành quả của sự thực hành, thực hành và thực hành mải miết, chứ không thể một sớm, một chiều có được.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đánh giá: “Hiền Nguyễn vẽ phong cảnh thực tế theo cảm quan của tranh sơn dầu (bằng sơn mài), một số có tính biểu hiện, rồi chuyển dần sang tranh trừu tượng, và thành công ở tranh trừu tượng hơn”. Tranh phong cảnh của nữ họa sĩ giàu tính nam, thách thức và bộc trực. Phong cảnh không nên thơ trữ tình mơ mộng hay làm duyên tính nữ như thường thấy – nhất là ở các nữ tác giả – mà đối đầu thô phác đồ sộ một cách đe dọa và ám ảnh. Chính điều này đã khiến giới đồng nghiệp và công chúng thích tranh phong cảnh của Hiền Nguyễn. Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân lại nhận định, những bức sơn mài trên vải của Hiền Nguyễn trong triển lãm “Thở” là sự khẳng định cuộc đời đầy khao khát nhục cảm, hoan lạc, chất biểu hiện mạnh hơn khi vẽ trên vóc cổ truyền.

Trước đó, đầu 2019 tại Hà Nội, Hiền Nguyễn có triển lãm “Ủ” gây được tiếng vang. Triển lãm “Ủ” giới thiệu đến công chúng 88 bức tranh, trong đó sơn mài chiếm số lượng lớn nhất, gồm 61 bức - nhiều bức khổ lớn, gồm 3-4 tấm ghép lại. Sơn dầu có 14 bức, đồ họa in độc bản và thủ ấn họa có 13 bức. Nhận xét về tác phẩm của Hiền Nguyễn, họa sĩ Lê Trí Dũng, cũng là người thầy của Hiền Nguyễn cho biết: “Sơn mài truyền thống mang tên Hiền Nguyễn có bản sắc rất riêng, đã in dấu trong lòng người yêu hội họa. Tôi thực sự thích những gam màu lạ, mang sắc xanh và kỹ thuật chồng nhiều lớp rồi mài moi của Hiền Nguyễn - một đam mê vị nghệ thuật”.

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đánh giá, bằng tác phẩm của mình, Hiền Nguyễn chứng minh rằng sức biểu cảm của chất liệu và kỹ thuật truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi không ăn nhập, với những chất liệu phi truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng chất liệu công nghiệp (như polysite) không đạt được hiệu quả độc đáo khi sử dụng kỹ thuật chồng màu, qua công đoạn ủ và mài. Những lớp màu chồng lấn lên nhau, tan vào hoặc tách ra, ẩn hiện, tạo hiệu quả chiều sâu rất thu hút.

Tranh đối với chị, là sự thể hiện mọi cung bậc kỹ thuật với sự nghiêm khắc và tỉ mỉ. Nếu ai đã từng gặp Hiền Nguyễn ngoài đời, sẽ thấy tranh sao thì người vậy. Mặc dù sở hữu nét đẹp thanh tú, trang phục trẻ trung, nhưng chị là người ít cười, ít nói và khó gần. Chỉ khi thân quen rồi, nói đến chuyện tranh, hay tâm sự về vài người bạn, họa sĩ Hiền Nguyễn cười tươi như trẻ thơ, ríu ran tâm sự. Từ dáng đi đến giọng nói, thể hiện sự kiêu hãnh ngầm của một người sinh ra chỉ quan tâm đến sáng tạo nghệ thuật. Nhưng lúc bình thường, chị có thể ngồi bệt xuống vỉa hè, mồ hôi lăn trên má, ngồi trông coi việc bốc dỡ cất đồ tranh cho bạn.

Hơn 90 năm qua (tính từ 1925 - khi sơn mài chính thức trở thành hội họa) chúng ta đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài kỳ ảo từ Alix Aymé (1894 - 1989) đến Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), Nguyễn Sáng (1923 - 1998)... Vẻ đẹp sâu thẳm, kỳ diệu của chất liệu ấy chẳng những thuyết phục nhiều thế hệ họa sĩ mà còn làm say đắm những người yêu hội họa khắp thế giới. Những thế hệ họa sĩ Việt Nam ngày nay đã đưa chất liệu dân dã đó tiếp cận quan niệm tạo hình hiện đại qua nhiều hình thức và kỹ thuật thể hiện khác nhau, vô cùng phong phú. Rất nhiều tác phẩm sơn mài chẳng những lôi cuốn công chúng Việt Nam mà còn thuyết phục cả công chúng nước ngoài. Họa sĩ Hiền Nguyễn, với những tác phẩm của mình - là một trong số đó…

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-lam-tho-hien-dai-bang-son-mai-94320.html