Người lãnh đạo phải giỏi, tầm nhìn tốt, thương dân, lấy dân làm chuẩn
Tại Hội thảo khoa học Quản lý phát triển xã hội ở ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay, đại biểu cho rằng giải pháp quan trọng nhất là nguồn nhân lực, trong đó, người lãnh đạo phải giỏi, tầm nhìn tốt, thương dân, lấy dân làm chuẩn…
Ngày 28-11, tại TP Cần Thơ, Học viện Chính trị Khu vực IV – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý phát triển xã hội ở ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay.
Quản lý phát triển xã hội vẫn còn không ít hạn chế
Hội thảo tập trung tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội theo hướng bền vững. Đánh giá lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong thực tiễn của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Ban tổ chức hội thảo, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Mối quan hệ giữa chủ thể - đối tượng, mục tiêu, nội dung quản lý được xác lập rõ ràng; phương thức quản lý ngày càng được đổi mới và hoàn thiện; hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý phát triển xã hội cơ bản được xây dựng một cách đồng bộ, toàn diện, khả thi, hướng đến bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người dân.
Nước ta đã chuyển đổi từ mô hình quản lý quan liêu nhấn mạnh vào quy trình, thủ tục tính thứ bậc sang mô hình quản trị hiện đại nhấn mạnh vào tính mở, trách nhiệm giải trình và hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
Sự thay đổi này diễn ra trên nhiều chiều cạnh như những nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền; bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể trong xã hội và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; bảo đảm tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả và sự đồng thuận xã hội trong việc hoạch định và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh những ưu điểm, quản lý phát triển xã hội ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Về tổng thể, mô hình quản lý vẫn chưa đem lại hiệu lực, hiệu quả cao; việc triển khai các chương trình, chính sách đa số vẫn được áp dụng theo phương thức từ trên xuống khiến cho các cấp, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình chưa thể chủ động hoàn toàn nghiên cứu, triển khai, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo phải giỏi, tầm nhìn tốt, thương dân
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Định - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp đã nêu một số giải pháp về quản lý phát triển xã hội, trong đó ngoài vấn đề nhận thức của cán bộ, đảng viên, tầng lớp tinh hoa thì công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để người dân đồng thuận với các các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của chính quyền.
Cạnh đó, cần quan tâm đến các chính sách cho người dân, làm cái gì cũng phải hướng đến người dân. Đặc biệt là chính sách về an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cần hướng đến quyền lợi của dân nhiều hơn nữa.
Song song đó, việc xây dựng chính sách pháp luật cần lấy người dân làm chuẩn trong mọi hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của đảng, điều hành của nhà nước.
Ngoài ra, ông cho rằng “giải pháp quan trọng nhất là con người” với hai nhóm, trong đó nhóm thứ nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo trực tiếp. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp dẫn lại đột phá chiến lược thứ hai của Đại hội XIII, “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý…”
Theo đó, ông cho rằng “là người lãnh đạo anh phải chỉ huy được, phải giỏi, tầm nhìn tốt, tấm lòng đủ lớn, phải thương dân, lấy dân làm chuẩn thì mới ngày đêm suy nghĩ tìm cách cho dân mình làm sao phát triển, xã hội mình ngày càng phát triển hơn”.
“Đảng ta đang làm mạnh về tinh gọn bộ máy, hy vọng đây là bước đi rất quan trọng để một là tinh gọn bộ máy, tiết kiệm và hai là lựa được những người tài giỏi để điều hành lãnh đạo” – ông Định nêu.
Nguồn nhân lực thứ hai ông Định nói đến là nhân lực lao động, tức là người dân dù làm nông nghiệp cũng phải được đào tạo về nghề nông, làm buôn bán dịch vụ thì cũng phải qua đào tạo, nghề nào cũng cần phải được đào tạo bài bản…