Người lao động có cơ hội đi làm việc tại Nhật Bản thời gian lâu hơn
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ. Chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho người lao động làm việc lâu hơn tại Nhật Bản.
Nhật Bản muốn tiếp nhận nhiều điều dưỡng, hộ lý Việt Nam
Đây là thông tin được Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết khi ông đến chào Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, chiều ngày 15/8.
Đại sứ Ito Naoki chia sẻ, các DN Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 năm phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.
Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ. Chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho người lao động làm việc lâu hơn tại Nhật Bản, qua đó giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này
Ông Ito Naoki cũng thông tin về việc, chế độ mới đòi hỏi người lao động phải có trình độ tiếng Nhật nhất định. Vì thế, rất mong Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH tiếp tục quan tâm tới đào tạo nhân lực trước khi phái cử sang Nhật Bản làm việc. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đang triển khai.
Hiện nay các cơ sở y tế của Nhật Bản đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý Việt Nam theo Chương trình đưa điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Chương trình VJEPA). Song, số ứng viên tham gia chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu, mặc dù phía Nhật Bản đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng. Vì vậy, Đại sứ Nhật Bản mong muốn Việt Nam, cá nhân Bộ trưởng quan tâm để tăng số ứng viên điều dưỡng sang Nhật. Phía Nhật Bản cũng mong muốn hai quốc gia sớm khởi động việc đàm phán thỏa thuận bảo hiểm xã hội song phương giữa hai nước.
Thúc đẩy ký kết Hiệp định bảo hiểm xã hội
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản, lần đầu tiên hai nước tổ chức Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản; hai bên cũng thống nhất lựa chọn ngày 16/12 hàng năm là kỷ niệm Ngày lao động Việt Nam – Nhật Bản. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành nhiều thời gian trực tiếp đi thăm và kiểm tra công ăn việc làm, đời sống sinh hoạt của lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Một số DN của Nhật Bản với ¾ lao động làm việc là người Việt Nam có trình độ cao, chỉ sau 3 tháng làm việc đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và được làm quản lý.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án như Chương trình Thực tập sinh, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình VJEPA... đã được Bộ LĐTB&XH phối hợp với Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả. Điều đó thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động sinh Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.
Minh chứng rõ nhất là từ năm 2016 có khoảng 200.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, đến nay đã lên tới 570.000 người. Điều này cho thấy Nhật Bản là đất nước được nhiều lao động Việt Nam tin tưởng, lựa chọn để sinh sống, học tập và làm việc.
Về Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” do Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện thì cần đẩy nhanh tiến độ nhằm cung cấp thông tin về thị trường đầy đủ, chính xác cho người lao động; giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí cho người lao động.
Đối với Hiệp định bảo hiểm xã hội với Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn và đề nghị hai bên thúc đẩy nhanh hơn để ký kết và có hiệu lực. Lý do bởi lực lượng lao động của Việt Nam và Nhật Bản rất đông, không nên để họ phải đóng bảo hiểm 2 lần...
Việt Nam có tới 56 triệu người trong độ tuổi lao động, đây là lợi thế vô cùng lớn. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện có nhiều quốc gia “đặt hàng” Việt Nam cung cấp nguồn nhân lực. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về lao động để duy trì đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản xấp xỉ con số của năm 2023.