Người lao động được tham gia kiểm tra, giám sát những nội dung và bằng hình thức nào?
Bạn đọc Vũ Văn Tài ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người lao động được tham gia kiểm tra, giám sát những nội dung và bằng hình thức nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 46, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, người lao động được kiểm tra, giám sát những nội dung sau:
- Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể;
- Việc thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;
- Việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp;
- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động;
- Việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
Thứ hai, hình thức kiểm tra, giám sát của người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật.
* Bạn đọc Bùi Đức Huế ở xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thứ tự các trường hợp được ưu tiên trong tuyển sinh cử tuyển?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Khoản 5, Điều 6, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:
Người học đạt đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được ưu tiên trong cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo thứ tự:
- Con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh;
- Học tại trường phổ thông dân tộc nội trú;
- Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp tại năm xét đi học cử tuyển;
- Đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên;
- Trường hợp người học thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu tiên đồng thời thì chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất trong tuyển sinh cử tuyển.