Người lao động mong muốn gì lúc khó khăn?

Tết năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong chuyến thăm làm việc tại Bình Dương, đã đến thăm và trao quà cho công nhân của Công ty Shyang Hung Cheng.

Nhận quà từ tay Chủ tịch Quốc hội, anh Thạch Cửu Long (dân tộc Khmer, quê ở Trà Vinh) nói rằng “sẽ không bao giờ quên cảm giác này!”. Dịp đó cả hai vợ chồng anh đều phải nghỉ việc vì công ty ngưng sản xuất do dịch Covid-19. Thu nhập không có, bố mẹ hai bên đau ốm quanh năm, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học… khó khăn bộn bề vây kín vợ chồng anh. Trong niềm vui “có quà Tết, có tiền mua quần áo mới cho con, biếu bố mẹ chữa bệnh”, anh Long bảo “đây là cái Tết ấm áp, ý nghĩa và hạnh phúc nhất của gia đình”. Anh nói sẽ cố gắng lao động tốt hơn và mong các cấp lãnh đạo tiếp tục có nhiều hoạt động chăm lo lâu dài cho những lao động xa quê, nhất là nhà ở cho công nhân và nơi gửi trẻ, nơi vui chơi, giải trí cho con em để họ ổn định cuộc sống, gắn bó với công ty và địa phương.

Tương tự anh Long, hàng chục triệu lao động làm việc trong khu vực chính thức, lẫn không chính thức, đều mong đợi những quyền và phúc lợi cơ bản của mình được bảo vệ và thúc đẩy: có việc làm, có thu nhập, có bảo hiểm xã hội và được mạng lưới an sinh xã hội hỗ trợ những lúc khó khăn.

Quốc hội sẽ có cơ hội được nghe và hiểu nguyện vọng và khó khăn của người lao động trong Diễn đàn Người lao động năm 2023. Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện cho công nhân và người lao động cả nước. Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự Diễn đàn cho thấy mối quan tâm đặc biệt và xuyên suốt của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội với hàng chục triệu lao động trên cả nước.

Suy cho cùng, vốn con người là nguồn lực quý nhất của mỗi quốc gia trong hành trình phát triển. Việt Nam hiện có 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp; trong đó, công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm 60%. Người lao động - đang có mặt ở tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế - cũng chính là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc hạnh phúc, hùng cường. Bên cạnh đó, còn hàng chục triệu lao động đang làm việc trong khu vực không chính thức - ở quy mô hộ gia đình, hoặc tự kinh doanh, hoặc buôn bán nhỏ, lao động thời vụ…

Suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo lâu dài cho người lao động, nhưng có nơi ăn chốn ở đường hoàng; có trường học cho con em để không rơi vào cảnh bố mẹ ở “quê người”, con cái ở “quê nhà”; có cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe và các thiết chế văn hóa, giải trí để nuôi dưỡng đời sống tinh thần… vẫn đang là mong ước của hàng triệu công nhân, người lao động - cả khu vực chính thức lẫn phi chính thức trên khắp cả nước.

Bởi vậy, người lao động gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào Diễn đàn này. Họ mong những khó khăn, trăn trở của mình sẽ được bày tỏ ngọn ngành với lãnh đạo Quốc hội để sớm có giải pháp tháo gỡ; mong Diễn đàn quan tâm tới cả những lao động phi chính thức - nhóm dễ bị tổn thương, khó tiếp cận các chính sách của Nhà nước, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động.

Họ cũng mong đóng góp ý kiến vào các luật sát sườn với quyền lợi, nghĩa vụ của mình như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai...; mong các ý kiến từ Diễn đàn sẽ giúp xây dựng các chính sách thiết thực, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho họ.

Kỳ vọng của người lao động càng lớn thì trách nhiệm của Quốc hội, của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam càng cao. Chủ trì cuộc họp nghe các cơ quan báo cáo việc tổ chức Diễn đàn hôm 24.7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, nội dung Diễn đàn phải trực diện và thiết thực. Nội dung đó không chỉ phục vụ xây dựng các dự án luật liên quan đến người lao động, tổ chức công đoàn và hoạt động giám sát của Quốc hội, các Ủy ban và của đại biểu Quốc hội; mà còn phục vụ nghiên cứu và thể chế hóa quan điểm của Đảng về chiến lược xây dựng giai cấp công nhân.

Với quan điểm như vậy của người đứng đầu Quốc hội, những vấn đề chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, đến an sinh xã hội, phát triển công bằng và bền vững mà Nhà nước phải giải quyết hẳn là sẽ được phân tích, mổ xẻ và tìm lời giải căn cơ cả trong Diễn đàn Người lao động năm 2023 và trên bàn nghị sự của Quốc hội thời gian tới.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nguoi-lao-dong-mong-muon-gi-luc-kho-khan-i338189/