Người lao động Mỹ 'vỡ mộng', thị trường việc làm như trò chơi loại trừ
Nhiều người Mỹ 'vỡ mộng' khi triển vọng của thị trường việc làm thay đổi quá nhanh trong thời gian ngắn.
Khi Debbie Ricks, 44 tuổi, mất công việc phục vụ bàn vào tháng 3/2020, cô quyết định mình sẽ tái theo đuổi một mơ ước từ lâu đã bị gạt sang một bên. Người phụ nữ vốn mong ước trở thành một phóng viên ảnh và giải phóng bản thân khỏi những khách hàng tip "ki bo". Năm ngoái có vẻ trở thành một thời điểm không thể thích hợp hơn.
Ricks nhận được khoản hỗ trợ thất nghiệp 1,200 USD (khoảng 28,6 triệu đồng)/tháng. Với số tiền đó, người phụ nữ có thể sống dựa vào tem thực phẩm và các lon mì hoặc sốt táo nhặt nhạnh trên đường phố. Quan trọng hơn, vào thời điểm đó, nhà hàng nào ở Thủ đô Washington trông cũng có vẻ như đang tuyển người. Ricks nghĩ rằng lúc nào mình muốn có việc chẳng được.
Nhưng hè này, khi khoản tiết kiệm đã cạn dần và chi phí thực phẩm ngày càng tăng, cô bắt đầu cảm thấy những cơ hội mình từng dự đoán trước đây đang bốc hơi vào hư vô.
"Tôi có cái kiểu cảm giác là, 'Ôi Debbie à, mày nên nhận cơ hội đó', nhưng tôi lại muốn quay lại ngành báo chí, thứ mà tôi thực sự yêu" - Ricks chia sẻ.
Sau vài tháng bùng nổ thị trường việc làm, nước Mỹ chứng kiến số lượng lớn người lao động bỏ việc và mức lương tăng trong hàng loạt các ngành. Đáng tiếc là hiện thực đó đã kết thúc vào tháng 8 vừa qua khi tỉ lệ công việc sẵn có bắt đầu giảm. Số lượng nhân lực bị cho nghỉ tăng nhẹ lên mức 1,5 triệu. Bóng ma lo ngại khủng hoảng của các doanh nghiệp cũng bắt đầu ám lên những người lao động từng đầy rẫy cơ hội.
"Xu hướng là người lao động ngày càng có ít lợi thế đàm phán", theo lời Nick Bunker, giám đốc bộ phận Nghiên cứu kinh tế Bắc Mỹ của mạng xã hội việc làm Indeed.
Nhiều người cũng lo ngại rằng tình hình đang đảo chiều đối với người lao động, nhất là ở nhóm thu nhập thấp. Lợi thế và cả mức độ lạc quan trong thị trường việc làm của họ đối với nhà tuyển dụng đang mất dần do ảnh hưởng của các can thiệp kinh tế.
Theo khảo sát gần đây của trang làm việc từ xa FlexJobs, 73% người lao động và ứng viên tìm việc cho biết suy thoái có khả năng ảnh hưởng quyết định trong sự nghiệp của họ, trong khi 80% cho rằng lạm phát là một yếu tố tác động.
"Mì gói đã tăng giá vài cent. Lương thì giữ nguyên, nhưng giá nhà cũng đi lên, giá đồ ăn cũng leo thang" - Ricks cho biết.
Nếu chỉ nhìn vào dữ liệu, con số các nhà tuyển dụng vẫn ở mức cao và kể cả số ứng viên được tuyển vào tháng 8 cũng không thay đổi đáng kể so với các tháng trước đó. Nhiều ngành còn đang muốn tăng nhân lực trong 3 tháng tiếp theo, như ngân hàng, xây dựng, sản xuất, bán lẻ...
Tuy nhiên, thị trường việc làm vốn rộng mở vào cuối năm 2021 không còn giữ được mức nhiệt như cũ. Đã có những đợt cho nghỉ việc, đóng băng trong tuyển dụng hay kế hoạch điều chuyển nhân sự tại các doanh nghiệp lớn như Goldman Sachs, Robinhood, Netflix, Amazon và Meta.
Tỉ lệ nghỉ việc ở khu vực tư giảm nhẹ từ 3,4% từ tháng 11 năm ngoái xuống 3% vào tháng 8 năm nay, trong khi mức độ hy vọng của ứng viên đối với triển vọng được tuyển giảm suốt cả mùa hè vừa qua, theo ZipRecruiter.
"Mọi người đang cảm nhận được sự sang chấn đột ngột", theo Suzanne Bates - cộng sự và giám đốc quản lý tại công ty chiến lược doanh nghiệp BTS. Theo bà, dù khách hàng vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng lo ngại về những đợt đóng băng tuyển dụng đang hiện hữu.
New York Times ví von thị trường lao động Mỹ năm ngoái và đầu 2022 như trò chơi "chiếc ghế âm nhạc", khi cơ hội nhảy việc của người lao động tăng kỷ lục, nhưng bối cảnh hiện tại là "tiếng nhạc" có thể dừng lại bất cứ lúc nào và sẽ có những người "mất ghế".
Meredith McCleary kiểm tra LinkedIn của mình mỗi sáng và thấy những viễn cảnh bi quan về tình hình kinh tế của bản thân đang sờ sờ trước mắt. Nhiều người bạn của cô trong ngành cho vay thế chấp đang đăng tin về việc sa thải nhân viên. Cô lướt qua các mục công việc sẵn có và thấy chúng nhận được cả trăm đơn ứng tuyển chỉ trong vài giờ. McClear đã bị cho thôi việc vào tháng 8 và đang dành 40 giờ mỗi tuần ở bàn bếp để tìm kiếm việc làm.
Một năm trước, cô đã chuyển sang một nhóm mới tại công ty cũ do hưng phấn về tình trạng thiếu lao động. Giờ, người phụ nữ 38 tuổi cảm giác như thị trường lao động đã "quay lưng" với mình. Thứ làm cho thị trường lao động đang thu hẹp trông còn đáng buồn hơn là việc giá cả mọi thứ, từ nước ngọt cho đến thịt xông khói và ga đều đang ngày càng tăng.
Cleary cho biết: "Sau khi tình trạng đóng cửa doanh nghiệp (kết thúc), mọi thứ như hồi sinh, cái gì cũng trở nên tốt hơn và bạn có nhiều cơ hội mà lựa chọn. (Nhưng giờ) cảm giác như mọi thứ đều đi xuống về mặt kinh tế".
Nỗi lo kinh tế cũng đang rình rập trong các hội thảo đào tạo và hỗ trợ người tìm việc. Toni Frana, một quản lý dịch vụ nghề nghiệp tại FlexJobs, đã tổ chức một hội thảo trên web vào tuần trước về cách vực dậy sau khi bị sa thải cũng như các mẹo giúp ứng viên tìm việc. Frana từng tổ chức hội thảo kiểu này vào đầu đại dịch nhưng cảm thấy mùa thu này cũng là lúc cần thiết để "tái khởi động" nó.
Tình hình các công ty lớn như Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng không hoàn toàn lạc quan. Các thành viên đang lo ngại về việc suy thoái sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái ký hợp đồng của họ đã tập hợp trong Công đoàn Nhân viên Alphabet. Trong các diễn đàn nội bộ, họ chia sẻ với nhau về tình hình hợp đồng của bản thân cũng như báo cho nhau nếu có vị trí công việc đang tuyển.
J.T. O’Donnell, một chuyên gia đào tạo về sự nghiệp và sở hữu chương trình hỗ trợ tuyển dụng trên mạng xã hội YouTube cũng nhận thấy xu hướng đang xấu dần đi. Cô cho biết những người tìm kiếm việc làm trước đây đã chủ quan về việc mình có thể dễ dàng được tuyển và giờ tình hình đã thay đổi theo chiều bất lợi.
Micah Pickus, 25 tuổi, sinh viên năm 2 ngành thạc sĩ chính sách công cũng hòa chung vào nỗi lo đang thấm dần trong nền kinh tế và thị trường việc làm Mỹ. Theo tính toán của anh, với khoản nợ sinh viên trị giá 40.000 USD, anh sẽ cần mức lương tối thiểu 60.000 USD/năm để sống thoải mái ở Thủ đô Washington.
Nhận thức được cơ hội việc làm cho mình sau khi ra trường sẽ không thể bằng năm vừa rồi, anh đã sắp xếp buổi gặp tư vấn với chuyên gia đào tạo sự nghiệp. Dù vẫn lạc quan, nhưng Pickus không chủ quan.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng lên tiếng cảnh báo người lao động không nên quá sẵn sàng tâm thế "nhảy việc". Tom Gimbel, nhà sáng lập và giám đốc tại công ty nhân lực LaSalle Network cho biết: "Một năm trước là một thế giới hoàn toàn khác" và mong mọi người chỉ chuyển việc nếu thực sự cảm thấy không hạnh phúc với công việc hiện tịa.
Theo New York Times, dù nhiều ngành ít bị ảnh hưởng và vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, một số ngành khác đặc biệt dễ bị tổn thương trước suy thoái kinh tế - như công nghệ và khởi nghiệp.
Tình trạng giá nhà và tiêu dùng ngày càng tăng tại Mỹ cũng góp phần vào việc khiến những người đang thất nghiệp thêm bi quan. Jo Weech, một người phụ nữ 66 tuổi trong ngành nhân sự choáng váng vì sự thay đổi trong chiều hướng tuyển dụng từ năm ngoái đến năm nay.
Bà đã ứng tuyển cho hàng tá công việc mới với vô số các cuộc phỏng vấn và đã phải bán nhà vào tháng 9 để có thêm tiền trang trải. "Trước tháng 2 bạn gần như có quyền chọn việc, giờ mọi thứ đảo lộn" - bà nói.
Nguồn: NYT