Người lao động nghỉ việc đúng quy định sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc

Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Anh Nguyễn Văn Nam ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm với Công ty từ ngày 1/9/2022 đến ngày 1/9/2023. Hết thời hạn này, tôi không muốn tiếp tục làm việc tại Công ty nữa nên dự định sẽ chấm dứt, không tiếp tục ký mới hợp đồng lao động. Xin hỏi, nếu tôi nghỉ việc thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không và mức trợ cấp thôi việc được tính như thế nào? Nếu Công ty không trả trợ cấp thôi việc cho tôi thì có phải là vi phạm pháp luật không?

- Vấn đề anh Nguyễn Văn Nam hỏi được chuyên gia của Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm Xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 46, Bộ Luật Lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc như sau: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

Cụ thể, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc là: Hết hạn hợp đồng lao động (trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thanh viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người sử dụng lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động); đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại Khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người lao động chết; bị tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;

Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019; người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai trường hợp không được trợ cấp thôi việc là: Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động, trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Nghị định 145 NĐ-CP nêu rõ, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng được tính bằng ½ năm, trên 6 tháng được tính bằng 1 năm làm việc.

Về mức tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, căn cứ Khoản 3 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc. Như vậy, tiền trợ cấp thôi việc = ½ x thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc (năm) x tiền lương để tính trợ cấp thôi việc.

Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.

Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động là hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người lao động. Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể bị buộc phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Phạm Diệp (ghi)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-lao-dong-nghi-viec-dung-quy-dinh-se-duoc-huong-tro-cap-thoi-viec-157938.html