Người lao động thất nghiệp không tự chốt được sổ bảo hiểm xã hội

Việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của doanh nghiệp và được thực hiện với sự phối hợp của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, người lao động không thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, nhiều người lao động quan tâm đến việc trong trường hợp này có thể tự đi chốt sổ bảo hiểm xã hội hay không.

Căn cứ quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu doanh nghiệp đã giữ của người lao động.

Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, để trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Thông tin về vấn đề này, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, cho biết căn cứ theo quy định hiện hành, người lao động không tự chốt được sổ bảo hiểm xã hội, vì muốn chốt sổ phải có thông báo giảm lao động mà chỉ chủ sử dụng lao động mới có thể báo giảm.

Trừ khi đơn vị thực hiện báo giảm rồi, người lao động in lại sổ thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ có thể thực hiện chốt sổ được.

“Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm chốt, trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Như vậy, chúng ta phải thực hiện theo từng bước một. Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy trình, quy định thì người lao động mới được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp”, bà Châu thông tin.

Cũng theo bà Châu, tình trạng doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm cũng là vấn đề bức xúc trong thời gian qua trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đầy đủ và đúng thời hạn. Việc công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội thuộc vào các trường hợp bị nghiêm cấm khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trái với quy định của Nhà nước.

Theo luật hiện hành, phần tiền đóng bảo hiểm xã hội là trích từ tiền lương của người lao động, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Do đó, hiện nay người lao động không thể tự đóng bảo hiểm cho mình mà buộc phải do doanh nghiệp đóng.

Chuyên gia cũng cho rằng việc các doanh nghiệp đã nợ tiền bảo hiểm xã hội là không đảm bảo được quyền lợi cho người lao động. Vì vậy, khi doanh nghiệp chậm đóng, người lao động khi nghỉ việc sẽ bị ảnh hưởng đến các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

“Có thể nói việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền lợi của người lao động”, bà Châu nhấn mạnh.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguoi-lao-dong-that-nghiep-khong-tu-chot-duoc-so-bao-hiem-xa-hoi.htm