Người lao động thêm nỗi lo 'mất Tết'

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đến ngày 9.11, tổng cộng có 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng. Trải qua 2 năm lao đao vì dịch bệnh, với thu nhập bị giảm sâu, nay mức sống của nhiều công nhân đang tiếp tục xuống thấp, một cái Tết ấm no, đầy đủ đang trở thành áp lực với nhiều gia đình.

Tái nghèo ngay tại thành phố

Ghi nhận ở nhiều khu công nghiệp ven Hà Nội những ngày tháng 11, nhiều công nhân phản ánh đang bị giảm tần suất tăng ca, giảm giờ làm. Không ít công nhân trong số đó là những người từ các tỉnh, thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quê sau dịch Covid-19 rồi từ quê ra Hà Nội làm việc.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đến ngày 9.11, tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Các tỉnh, thành phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp ở các ngành như dệt may, da giày, chế biến gỗ và 87% lao động.

Đánh giá về tình trạng trên, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, nguyên nhân dẫn tới "làn sóng" cho công nhân nghỉ việc là do doanh nghiệp gặp khó khăn chung khi thiếu hụt đơn hàng. Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang... là những địa phương có đông công nhân và tỷ lệ cắt giảm nhiều nhất.

Điều này, khiến nhiều lao động rơi vào tình trạng không biết nên trở về quê hương hay tiếp tục bám trụ ở các địa phương mà mình đang sinh sống vì chỉ vài tháng nữa sẽ tới Tết Nguyên Đán. Nhiều công nhân chia sẻ, họ phải trang trải tiền thuê nhà, phí sinh hoạt, tiền học cho con…hơn nữa vật giá tiêu dùng bắt đầu có xu hướng tăng vào cuối năm khiến nhiều gia đình vốn có thu nhập eo hẹp lại tiếp tục rơi vào mức sống rất thấp so với mặt bằng chung. Như vây, mong muốn về một cái Tết no ấm của người lao động đang trở nên xa dần và khó khăn hơn.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Công đoàn sẽ cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) họp bàn giải pháp hỗ trợ người lao động. Nếu tình trạng kéo dài với số lao động bị ảnh hưởng lớn, theo bà Ngân, cần sớm có chính sách hỗ trợ từ nhà nước và địa phương nơi đặt khu công nghiệp.

Bà Ngân cũng đưa ra cảnh báo, các doanh nghiệp cần phòng ngừa tình trạng thiếu hụt lao động như sau đợt dịch vừa qua. Cụ thể, do sản xuất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và tới khi có đơn hàng thì tuyển dụng không kịp, khiến cho thị trường thiếu hụt cục bộ.

Cần sớm đưa ra giải pháp

Theo dự báo từ các chuyên gia, tình trạng cắt giảm việc làm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I.2023 vì liên quan chu kỳ sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp đơn hàng. Tuy nhiên, "làn sóng" này mang tính cục bộ như sau đại dịch và sẽ ổn định khi đơn hàng quay trở lại.

Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp lớn suy giảm đơn hàng nhưng giữ chân lao động bằng cách giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, trả 70% lương. Các doanh nghiệp cũng đã tính đến tình huống nếu sa thải hàng loạt sẽ tốn kém chi phí tuyển dụng mà chưa chắc đã tuyển được người khi đơn hàng quay trở lại trong khi giữa các ngành vẫn đang cạnh tranh nhau.

Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, Cục Việc làm đã chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn, phải tập trung giải quyết khó khăn cho lao động.

"Song song với quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng sẽ đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc. Đề xuất Ngân hàng Chính sách tăng nguồn vốn vay tạo việc làm cho người lao động về quê", ông Bình chia sẻ.

Tham mưu cho ngành lao động, chuyên gia Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội chia sẻ, trước đây, người lao động sẵn sàng di cư đến thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp để tìm việc. Tuy nhiên, sau những biến cố vừa qua, người lao động có thể thay đổi hành vi, không sẵn sàng đi xa tới thành phố lớn để đánh đổi nữa mà chấp nhận ở lại quê hoặc tìm việc ở vùng lân cận. Họ chấp nhận mức thu nhập thấp hơn nhưng gần nhà và an toàn hơn. Điều này có thể dẫn tới vòng luẩn quẩn, đặt ra thách thức thiếu lao động trong các khu công nghiệp khi doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Về lâu dài, ông Toàn cho rằng cần phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn nữa. Nhưng vấn đề đặt ra là các khu công nghiệp này có tồn tại được hay không phụ thuộc vào việc đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học…Giải pháp này vừa giúp các địa phương thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết vùng đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho các địa phương có lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào. Không những vậy, khi được thành lập các khu công nghiệp vệ tinh sẽ thu hút nguồn vốn FDI lớn giúp các địa phương thoát nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế xã hội đi lên mạnh mẽ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn chủ đề Tết năm 2023 là “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết”, kỳ vọng năm 2023 khởi đầu một mùa xuân thắng lợi với sự chung sức, đoàn kết. Chương trình dự kiến tổ chức 15 đến 25 chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại khoảng 21 địa phương. Đó là các địa phương có đông người lao động, đông người dân tộc thiểu số, khu vực trung du, miền núi, biên giới, nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tổ chức các hoạt động vui xuân; tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; tư vấn pháp luật; tặng quà cho lao động khó khăn khó khăn...

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/nguoi-lao-dong-them-noi-lo-mat-tet-i310792/