Người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh được khen thưởng chiếm tỷ lệ cao

5 năm qua, trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức, nhất là nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, sự gia tăng mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến khó lường… nhưng Bình Thuận đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên hầu hết các lĩnh vực. Qua đó, đã phát triển dân sinh, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường an ninh, quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Những kết quả nêu trên có sự đóng góp một phần quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Nhìn lại, có thể thấy những tập thể, cá nhân được khen trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 tựa như một vườn hoa đẹp. Ở đó có những người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh với nét đẹp của sự nỗ lực, cống hiến; những tấm gương cứu giúp người tựa như anh hùng giữa đời thường; những nhân tố với bao việc làm vì yêu người, hết mình vì cộng đồng rất bình dị nhưng cứ lấp lánh sự kỳ lạ... Nét phong phú, đa dạng của phong trào thi đua ấy xuất phát từ một điểm mới như một sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Chủ tịch Hội đồng thi đua khen t

Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Nguyễn Ngọc Hai:

Như khu vườn có nhiều hoa đẹp

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh và cũng là Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 chia sẻ: “Ngay từ đầu giai đoạn, tôi đã nhấn mạnh cần chú ý khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực, tránh tình trạng tập trung khen thưởng lãnh đạo như trước. Tiếp đến, năm 2018 ban hành Quy chế 25, trong đó tại điểm 7 có khống chế: “Đối với cá nhân là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh và tương đương, các địa phương thuộc tỉnh, số lượng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng hàng năm không quá 30% trên tổng số cán bộ lãnh đạo của từng đơn vị, địa phương”. Kết quả, qua các năm, tỷ lệ khen thưởng cho lãnh đạo đã giảm xuống còn 30 - 35%, còn khen cho người lao động trực tiếp chiếm khoảng 60 - 67%”.

Vậy điểm mới đó có phải là lý do dẫn đến kết quả của phong trào Thi đua yêu nước 5 năm qua chứa đựng nhiều nét mới khác không, thưa ông?

Đúng là có sự kéo theo ấy. Qua 5 năm triển khai các phong trào Thi đua yêu nước, ở tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương, được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Có những giải thưởng mà phải đến giai đoạn này mới nhiều hơn, mới làm nổi bật hơn như khen thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng với 989 trường hợp, Huân chương Độc lập các hạng cho 124 cá nhân; hoặc loại khen thưởng mới xuất hiện như Huân chương Dũng cảm cho 3 cá nhân, vì đã dũng cảm cứu người. Và cái mới bao phủ khác, 5 năm qua, Bình Thuận có 1 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 vì đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Rồi 3 lần được Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc, trong đó: 2 lần Chính phủ tặng Cờ Thi đua cho tỉnh là “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào Thi đua yêu nước Cụm thi đua các tỉnh Đông Nam bộ” năm 2016 và 2017, 1 lần được Chính phủ tặng Cờ Thi đua cho nhân dân và cán bộ tỉnh là Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng, phát triển nông thôn - Miền núi năm 2016”.

Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch kết quả

Để có kết quả mới như trên, được biết tỉnh cũng đã đổi mới về hình thức tổ chức và biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Xác định khen thưởng phải đi liền với thi đua thì mới đẩy mạnh phong trào thi đua đem lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, trong 5 năm qua, nhìn chung công tác khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng quy định. Đặc biệt chú trọng khen thưởng những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, sáng tạo, tích cực tham gia xây dựng các phong trào, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; khen thưởng trực tiếp cho đối tượng là công nhân, nông dân, trí thức, lao động, công chức, viên chức có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi lề lối làm việc, phương pháp quản lý chất lượng và hiệu quả. Qua đó đã nhân rộng nhiều nhân tố mới, nhiều gương điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nhưng thực tế diễn ra, ở đâu đó, dư luận cũng xì xào chuyện khen thưởng từ những phong trào thi đua mang tính cào bằng. Ông nghĩ sao về điều đó?

Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh cũng có đánh giá về những mặt chưa được của phong trào thi đua giai đoạn 2015 – 2020 rằng: Việc biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho phong trào thi đua chưa kịp thời; có nơi việc khen thưởng và đề nghị khen thưởng còn mang tính chất bình quân, đồng đều, chú trọng số lượng, xem nhẹ chất lượng, có trường hợp không đúng tiêu chí, quy định… Điều đó thể hiện sự cào bằng trong khen thưởng nên chưa động viên, thúc đẩy các điển hình tiên tiến vươn lên. Chưa hết, hình thức, nội dung chỉ tiêu thi đua ở một số nơi còn chung chung, thiếu toàn diện, thiếu chiều sâu, chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia hưởng ứng. Chính vì vậy, trong thi đua phải tạo động lực mạnh mẽ cho các phong trào, kịp thời phát hiện điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời thì mới đúng ý nghĩa như câu: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng chính là thu hoạch kết quả.

Cái chính vẫn là tạo động lực hăng hái thi đua

Là Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, ông rút ra điều gì để phong trào thi đua yêu nước góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bác nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Để phong trào Thi đua yêu nước của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian đến cần thực hiện tốt các vấn đề:

Thứ nhất, phải thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, xây dựng quyết tâm và động cơ thi đua đúng đắn với tinh thần tự giác cao, nhiệt tình, sáng tạo của mỗi tổ chức, mỗi con người và có những biện pháp thực hiện đạt hiệu quả, đưa đến năng suất chất lượng, hiệu quả cao; đồng thời phê phán những hiện tượng ganh đua, chạy theo thành tích. Chỉ có trên cơ sở đó mới khơi dậy được tiềm năng, sự sáng tạo của quần chúng, làm cho mỗi người hăng hái thi đua, tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một phát triển.

Thứ hai, phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức phong trào thi đua. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương khi đề ra mục tiêu và nội dung thi đua phải sát thực, vừa có tính toàn diện vừa có tính đột phá vào những trọng tâm, trọng điểm và nhất là những mặt còn yếu kém của đơn vị, địa phương mình. Chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, sát thực, hợp lý được mọi người hưởng ứng và tự giác đăng ký phấn đấu. Trong tổ chức các phong trào thi đua phải biết lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua cụ thể của các cấp, các ngành tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Bằng các phương tiện thông tin đại chúng, phải coi trọng công tác tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tạo cho phong trào thi đua phát triển bền vững, rộng khắp tạo chuyển biến rõ nét, toàn diện và vững chắc tình hình các mặt của đời sống xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Bích Nghị (thực hiện)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-truc-tiep-san-xuat-kinh-doanh-duoc-khen-thuong-chiem-ty-le-cao-131146.html