Người lính Cụ Hồ trong trường ca Thu Bồn

Thu Bồn là nhà thơ thuộc thế hệ thơ chống Mỹ, ông được mệnh danh là 'chàng thi sĩ viết trường ca'. Và trong các trường ca của ông, hình tượng người lính Cụ Hồ được tập trung xây dựng thành những nhân vật chính.

Hình tượng người chiến sĩ luôn là nguồn cảm hứng trong sáng tác của các văn nghệ sĩ. Ảnh: Tư liệu

Hình tượng người chiến sĩ luôn là nguồn cảm hứng trong sáng tác của các văn nghệ sĩ. Ảnh: Tư liệu

Đọc “Bài ca chim Chơ-rao”, có thể thấy Thu Bồn đã kể lại rất nhiều những trường đoạn bi thương của những người dân miền núi trong vòng vây trói buộc của phong kiến, thực dân: “Tên quan hét lính dùng búa sắt/ Đập gãy mấy chiếc răng còn lại của Rin/ Rin đứng lên mấy lần ngã xuống/ Tên quan đắc chí trễ môi cười/ Bỗng Rin chồm lên chiếc ghế/ Nhổ vào ảnh Diệm bãi máu tươi”. Trường đoạn cao trào của trường ca chính là giờ phút hai chiến sĩ Hùng, Rin bước ra pháp trường; giờ phút kẻ thù đốt lên ngọn lửa thiêu cũng là lúc hai ngọn lửa thiêng anh hùng rực cháy, soi sáng cả một vùng rừng núi Tây Nguyên.

Hình tượng người nữ chiến sĩ trong “Chim vàng chốt lửa” lại được Thu Bồn chắt chiu dồn hết cả tình thương yêu xây dựng nên như một đóa hoa tươi giữa bầu trời đạn lửa. Trước sự tàn bạo của quân thù, đôi bàn tay nhỏ nhắn đã “vẫy” nên tín hiệu và làm ra “sấm chớp”; đôi hàm răng trắng nõn tiếng cười trở thành chìa khóa khai thông những cơn bão dữ, đôi làn môi chín mọng yêu thương giờ cũng đang “tóe máu” giữa chiến trường: “Hàm răng đẹp xinh em cắn từng chốt bão/ máu tóe làn môi/ bàn tay em tung sấm chớp xuống chân đồi”.

Cuộc chiến càng dữ dội, ác liệt, trường ca Thu Bồn càng tạo nên những phức điệu đầy bi tráng. Trong trường ca “Ba-dan khát”, cô gái Tây Nguyên đứng giữa đồi núi đất ba-dan lộng gió hòa bình mà đau xót, ngậm ngùi nhớ lại: “Chúng tôi chôn anh/ không có chiếu có giường/ chỗ anh nằm rơi một giọt sương/ một bông hoa nở muộn/ chảy qua mộ anh có bài ca sông Đuống/ giải khát nghìn đời cho tuổi trẻ chúng tôi”.

Và đặc biệt, giữa những đau thương, tình yêu vẫn nở. Như đôi trai gái phải cách chia nhau trong “Bài ca chim Chơ-rao”: “Không phải mộng rồi tình gắn bó/ Đôi ngọn lửa rừng quấn quýt vào nhau/ Giữa tàn phá âm u bừng cháy/ Tình yêu vẫn nở giữa thương đau”. “Trận nhớ” người yêu càng dài thì “trận đánh” càng dữ dội, đánh cho “đỡ mỏi nỗi nhớ em”. Như trong “Người vắt sữa bầu trời”, Thu Bồn viết: “Chỉ có trận đánh là nơi tôi được nghỉ ngơi cho đỡ mỏi nỗi nhớ em, trận nhớ dài lê thê qua sa mạc có cây xương rồng tôi trồng trong ký ức”.

Trong cuộc chiến tranh giúp nhân dân Campuchia diệt trừ bè lũ diệt chủng Pol Pot, người lính tình nguyện Việt Nam cũng được Thu Bồn khắc họa khá đầy đủ trong một tầm nhìn rộng lớn mang tầm quốc tế; nhưng, dù đã làm nên thắng lợi huy hoàng, giải thoát cả một dân tộc khổ đau, Thu Bồn vẫn không “lớn tiếng” ngợi ca vinh quang, mà tự giấu cái vinh quang ngay chính trong lòng những câu chữ bi thương: “Tấm vải trắng tinh gói tròn giấc ngủ/ đưa anh về đất mẹ bình yên/ anh gối đầu lên Châu Đốc Tân Biên/ sông Vàm Cỏ quanh năm xanh mát” ("Campuchia hy vọng").

Người lính sau chiến tranh trở về với đời sống hòa bình vẫn chưa thật sự được nghỉ ngơi đúng nghĩa, họ lại tiếp tục lên đường đến những vùng đất hoang vu, khai phá để dựng xây đất nước. Ở đó họ lại tiếp tục viết những trang sử mới: “1976 - đứa bé ra đời/ trong tiếng nổ phá mìn/ hàng sư đoàn đi vỡ đất/ cờ đuôi nheo đánh dấu lại những cánh đồng" ("Ba-dan khát"). Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn đặt ra những vấn đề mới buộc người lính phải trăn trở nghĩ suy. Vui với niềm vui hồi sinh, xây dựng đó, nhưng hình như niềm vui chưa trọn, vẫn nghe trong thơ thoảng đôi chút ngậm ngùi khi “Con trở lại túp lều xưa của mẹ qua bao năm cỏ dại mọc đầy”; hay lặng người đi khi hay tin vết thương thời chiến đã hành hạ và nhẫn tâm hạ sát đồng đội mình ngay giữa thời bình: “Anh không về để kịp ngắm em lần cuối, lời trối trăn em gửi lại cỏ cây” ("Người vắt sữa bầu trời"). Trường ca viết về thời bình đã giảm nhiều chất sử thi hùng tráng, nhưng lại trăn trở lo toan những vấn đề to tát của giai đoạn lịch sử mới bằng những chiêm nghiệm sâu sắc và bình tĩnh hơn.

Với tư cách và trách nhiệm của một người lính làm thơ, giữa thời bình, Thu Bồn cũng bắt đầu xác định cho thơ mình những nhiệm vụ mới để kịp thời bắt nhịp với bao lo toan, vật vã thời bình: “Ta lột hết những ngữ ngôn bóng bẩy, những áo xống triều thần trong những tụng ca, khám sức khỏe toàn năng cho những bài thơ mới, những bài thơ trẻ trung cởi áo trước mặt trời làm nghĩa vụ công dân”. Chỉ cần nhìn thoáng qua hình thức thể hiện của hai đoạn thơ trên, có thể thấy cái chất thơ lính thời bình cũng đã có rất nhiều chuyển đổi. Người lính thời bình đã bắt đầu nghĩ đến tinh thần hòa giải, hòa hợp trên cơ sở của truyền thống nhân hậu của một dân tộc đã trải qua quá nhiều mất mát, hy sinh: “Nào tất cả hãy quây quần bạn hữu/ những người có mặt trong chiến tranh/ những người nằm yên dưới mộ/ những người xấu số/ ở bên kia xin cũng mời ngồi” ("Người vắt sữa bầu trời").

Như vậy, trong trường ca Thu Bồn, người lính hiện lên với rất nhiều số phận khác nhau, từ thời chiến sang thời bình với tất cả tính cách bi hùng của từng số phận.

Mai Bá Ấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguoi-linh-cu-ho-trong-truong-ca-thu-bon-688122.html