Cựu chiến binh thời bình
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta thực sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Khi trở về với đời thường, những người lính Cụ Hồ năm xưa nay là những cựu chiến binh (CCB) luôn gương mẫu đi đầu trong tăng gia sản xuất, làm giàu cho gia đình, làm đẹp cho xã hội.
Người cựu chiến binh gương mẫu
“Thời còn đi học, tôi nhớ lời Bác Hồ nói phải giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nếu không giải phóng được sẽ phải làm tay sai cho nước ngoài rất khổ cho dân. Chính vì vậy khi lớn lên chúng tôi đi bộ đội phải quyết tâm, phấn đấu giải phóng cho bằng được nước nhà dù có hy sinh” - cựu chiến binh Chu Vi Quảng cho biết.
Là người dân tộc Tày, quê tỉnh Lạng Sơn, với 16 năm tham gia kháng chiến, mất 61% sức khỏe, nhưng đến nay CCB Chu Vi Quảng (ở thôn 5, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng) vẫn giữ được sức khỏe tốt nhờ lao động sản xuất. Với ông, lao động vừa sức chính là cách tốt nhất để cơ thể được dẻo dai để sức khỏe được tốt hơn.
Ông Quảng nhớ lại, theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1968 ông nhập ngũ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, đơn vị ông được điều động vào Nam tham gia kháng chiến. Từ chiến dịch Quảng Trị đến chiến dịch Hồ Chí Minh đều có dấu chân của ông và đồng đội. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ông được phục viên, về quê sinh sống. Năm 1978, ông lại được lệnh tái ngũ tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. May mắn hơn nhiều đồng đội, năm 1986 ông được trở về với gia đình.
Cuộc sống ngoài quê quá khó khăn, 4 năm sau ông đã đưa vợ con vào Nam làm kinh tế, chọn Bình Phước làm quê hương thứ hai. Nhờ kiên trì, chịu thương chịu khó, ông Quảng cùng vợ con gây dựng được khối tài sản với hơn 20 ha đất trồng cao su, điều, hồ tiêu, sầu riêng và căn nhà khang trang.
Ông Quảng nhớ lại: “Ở ngoài quê, gia đình tôi chỉ có 1.000m2 đất không đủ để canh tác. Khi đưa gia đình vào đây thấy đất đai màu mỡ, tôi khai hoang trồng lúa, khoai, mì lấy ngắn nuôi dài, sau đó trồng điều, cao su. Kinh tế ngày càng khá nên tôi dành tiền mua thêm đất, nhờ vậy mới được như hôm nay”.
Ở tuổi 74, ông Quảng vẫn ra vườn, vào rẫy hướng dẫn công nhân từ cách thức cạo mủ cao su cho đến kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái. Với ông, lao động để khỏe, để trí óc được minh mẫn và đặc biệt là để làm gương cho các con.
“Cha tôi tuy nghỉ chế độ bệnh binh nhưng vẫn khỏe mạnh, siêng năng. Ông rèn cho 4 anh em chúng tôi tình yêu lao động, tính kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ. Tôi đã học được ở ông rất nhiều điều. Ông được bà con trong thôn bầu là người uy tín” - anh Chu Vi Quý, con trai ông Quảng, cho biết.
Mong con cháu noi gương ông, cha mình
Tháng 12 về, CCB Đinh Quang Ích ở thôn 2, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng lại có dịp gặp gỡ đồng đội để cùng ôn lại những kỷ niệm một thời kháng chiến. Họ là những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên biết bao chiến công, từ chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Mỗi người một trọng trách, họ đã góp công, góp sức tạo thành sức mạnh để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
CCB Đinh Quang Ích cho biết quê ở Nam Định, đi bộ đội đầu năm 1975, tham gia đội quân quản, tiếp lương, tải đạn cho bộ đội. Sau giải phóng, ông phục viên trở về địa phương. Trở về sau chiến tranh, ông cũng chọn cách "Nam tiến" để phát triển kinh tế gia đình.
Trước đây gia đình ông làm rẫy, sau đó vợ chồng ông chuyển hướng qua kinh doanh. Ông luôn tâm niệm, còn sức khỏe và trí tuệ, cần phải tìm công việc phù hợp để vừa rèn luyện thân thể, nâng cao tuổi thọ, vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, làm gương cho con cháu.
Nghĩ là làm, ông đã bàn với vợ mở dịch vụ câu cá giải trí và nhà hàng. Với 1 ha ao cá trung bình mỗi tháng ông bán được hơn 1 tấn cá. Ông cũng xây được nhà nuôi yến, mỗi năm thu khoảng 15kg tổ yến.
“Tôi năm nay 68 tuổi, sức khỏe cũng giảm sút nên chọn công việc nhẹ nhàng phù hợp để làm như nuôi cá, gà, trồng rau… kinh tế ổn định, lo được cho mình, lại phụ giúp vốn cho các con làm ăn. Tôi chỉ mong các con, cháu nhìn vào tấm gương của ông, cha mình mà học tập, noi gương, phục vụ Đảng, Nhà nước” - ông Ích nói.
Hiện trên địa bàn xã Phước Sơn có 138 CCB, trong đó chỉ có 28 hội viên thuộc diện hộ có kinh tế trung bình, còn lại đều thuộc diện khá và giàu. Hội viên sống tình nghĩa, động viên, giúp đỡ nhau cùng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Những hội viên làm kinh tế giỏi tác động tích cực đến các hội viên trong toàn xã. Họ giúp đỡ, hỗ trợ nhau cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Giao, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Sơn cho biết: Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, các cấp hội còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau bằng việc xây dựng quỹ hội, thông qua nhiều hình thức như: động viên hội viên đóng góp, nhận thầu với chính quyền về xây dựng các công trình của địa phương, vận động các nhà hảo tâm và chính quyền hỗ trợ. Đến nay, toàn hội đã có 700 triệu đồng tiền quỹ. Nguồn quỹ hội được sử dụng cho hội viên vay để phát triển sản xuất với mức lãi suất ưu đãi, đã phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn và sử dụng nguồn lãi để thăm hỏi hội viên khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời, hỗ trợ sản xuất khi có hội viên gặp rủi ro, hoạn nạn.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, Hội CCB xã đã tập trung đẩy mạnh nhiều nội dung như: Tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn, đất đai và thực hiện các mô hình kinh tế điểm. CCB luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới. “Do vậy, thế hệ trẻ bây giờ phải phấn đấu để xứng đáng với lời Bác Hồ dạy. Lớp trẻ phải nỗ lực để phát triển đất nước mình sánh vai với các nước trên thế giới” - ông Nguyễn Văn Giao, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Sơn mong muốn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166871/cuu-chien-binh-thoi-binh