Người lính quân hàm xanh sát cánh với giáo dục vùng biên
Giữa đại ngàn trùng điệp, những mái nhà đơn sơ nép mình bên triền núi, nơi cuộc sống còn nhiều gian khó, trẻ em nghèo vùng biên vẫn ngày ngày vượt suối băng rừng, bươn chải tìm đến con chữ như tìm đến ánh sáng của tương lai. Và trong hành trình gian nan ấy, người lính mang quân hàm xanh đã trở thành điểm tựa vững chắc, thầm lặng gieo mầm tri thức, khơi dậy niềm tin và thắp lên khát vọng đổi đời cho các em nhỏ nơi địa đầu Tổ quốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa tặng quà cho trẻ em trên địa bàn. Ảnh: Tuấn Khang
Bằng nhiều chương trình, mô hình đầy tính nhân văn những người lính Biên phòng bền bỉ ươm mầm tương lai, góp phần rút ngắn khoảng cách tri thức nơi biên giới. Bởi lẽ, muốn giảm nghèo bền vững vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, không có con đường nào bền vững hơn là con đường học vấn. Giáo dục chính là “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa tương lai, là nền tảng căn cơ để đồng bào vùng cao thoát nghèo một cách bền vững và tự lực vươn lên trong cuộc sống.
Khơi thông dòng chảy nhân văn từ một chủ trương đúng đắn
Chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là quốc sách hàng đầu, là yêu cầu tất yếu của phát triển, là lựa chọn bền vững cho mục tiêu giảm nghèo. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt trong điều kiện địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trẻ em bỏ học, tái mù chữ còn cao.
Sát cánh cùng giáo dục vùng biên, lực lượng BĐBP đã và đang thể hiện rõ vai trò chủ công, xung kích trên tuyến đầu với những mô hình nhân văn. Các đơn vị Biên phòng không chỉ đồng hành cùng học sinh nghèo, mà còn cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng những hành động thiết thực, tạo động lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Tiêu biểu là Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, nơi các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đỡ đầu học hết lớp 12 hoặc đón nhận về đơn vị, nuôi dưỡng, học tập trong vòng tay của những “người cha áo lính”. Như hai em Giàng A Quảng và Hạng A Chua, học sinh người Mông thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Sinh ra trong nghèo khó, từng có thời gian bỏ học để phụ giúp gia đình, các em đã được Đồn Biên phòng Na Cô Sa dang rộng vòng tay đón về. Được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chỉ bảo tận tình trong học tập, hai em đã vươn lên học khá, ngoan ngoãn, là niềm tự hào của thầy cô và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa.
Không chỉ riêng Na Cô Sa, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” đã lan tỏa khắp các tuyến biên giới. Từ năm 2016 đến nay, toàn lực lượng BĐBP đã hỗ trợ học bổng dài hạn cho hơn 3.000 em học sinh, trực tiếp nuôi dưỡng 388 em có hoàn cảnh đặc biệt. Không chỉ là “người đỡ đầu”, nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng còn hóa thân thành “thầy giáo quân hàm xanh”, mở gần 1.000 lớp xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho hơn 10.000 học viên. Những con chữ gieo giữa núi rừng ấy đã và đang tiếp thêm ánh sáng tri thức, chắp cánh cho khát vọng vươn lên của các em nhỏ nơi biên cương.
Lan tỏa nhiều mô hình nhân văn
Không dừng lại ở việc hỗ trợ học tập, các đơn vị Biên phòng còn sáng tạo, linh hoạt triển khai nhiều mô hình chăm lo toàn diện cho đời sống trẻ em vùng biên, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tình yêu thương ấy gửi gắm qua từng ổ bánh mì ấm nóng, từng bữa cơm chan chứa nghĩa tình quân - dân.

Tổ “Tay kéo Biên phòng” của Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi cắt tóc miễn phí cho học sinh, người dân thôn Bắc An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Tuấn Khang
Tại Quảng Trị, nơi vùng biên gập ghềnh suối sâu, núi cao, các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã duy trì mô hình “Ổ bánh mì nơi biên giới” suốt 7 năm qua. Những chiếc bánh mì thơm lừng từ tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ trích lương gây quỹ được trao tận tay học sinh các xã A Ngo, A Bung mỗi sáng đến trường. Không chỉ là món ăn, đó còn là nguồn động viên tinh thần, giúp các em ấm lòng vượt qua giá lạnh, cái đói để đến lớp.
Tại Gia Lai, mô hình “Bếp ăn tình thương” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là chốn nương náu thân thương cho hàng chục em nhỏ người dân tộc thiểu số. Những bữa cơm trưa giản dị nhưng đầy đủ dinh dưỡng và đậm đà tình người nơi đây đã nâng đỡ bước chân đến trường cho nhiều học sinh nghèo. “Hiện nay, “Bếp ăn tình thương” đang nuôi dưỡng 14-16 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Nguồn kinh phí duy trì mô hình này được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện trích từ tiền lương, phụ cấp của mình hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn”, Thiếu tá Nguyễn Hồ Đình Thuận, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chia sẻ.
Phải kể đến là mô hình “Ươm mầm xanh biên giới - Vững bước tới tương lai” của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La và Tập đoàn Apec tại Hà Nội phối hợp đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập cho đến khi học xong đại học, cao đẳng và tìm kiếm được việc làm.
Cho đến nay, thông qua mô hình đã đỡ đầu được gần 40 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Chỉ có học mới mong thoát khổ, thoát nghèo, chỉ khi thay đổi được nhận thức của một con người thì mới có thể thay đổi được những điều khác.
Chúng tôi mong sao những mầm xanh nơi biên giới đang được nuôi dưỡng sẽ nảy mầm và đơm hoa kết trái để rồi giúp thay đổi cuộc sống của các em”, Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng chia sẻ về mô hình này.
Các mô hình như “Tay kéo Biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”, “Tiết học biên cương”, dạy bơi miễn phí... cũng được triển khai sâu rộng. Đây không chỉ là những hoạt động xã hội đơn thuần, mà là biểu hiện sinh động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, được lực lượng BĐBP cụ thể hóa bằng hành động thiết thực.
Hàng năm, các đơn vị còn tổ chức tặng quà, khám sức khỏe, vui chơi nhân các dịp lễ Tết như Tết Thiếu nhi 1/6, Trung thu, Tết Nguyên đán… giúp trẻ em vùng biên được hưởng trọn vẹn niềm vui tuổi thơ như bao bạn bè cùng trang lứa. Từ những điểm tựa ấy, hàng nghìn “mầm xanh” đang vươn lên mạnh mẽ giữa đại ngàn, giữa khắc nghiệt của vùng biên. Họ chính là tương lai, là nguồn lực quý báu để dựng xây biên cương giàu mạnh, góp phần giữ vững chủ quyền và thế trận lòng dân vững chắc.
Có thể khẳng định, những “người cha quân hàm xanh” không chỉ đang hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn là chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn em nhỏ, góp phần quan trọng cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của cả nước. Đó là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta - nơi không một người dân, một đứa trẻ nào bị mất cơ hội trong hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.