Người lớn cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai vừa ghi nhận 1 ca tử vong do sởi, bệnh nhân có nhiều bệnh nền.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Theo đó, bệnh nhân tên H.M.N., (26 tuổi, ngụ Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán), bị bệnh tim thông liên thất, hội chứng Down và bệnh vảy nến.

Thông tin cụ thể, 2 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng mắc bệnh sởi, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và có kết quả xét nghiệm sởi Measles IgM cho kết quả dương tính. Sau đó 2 ngày, bệnh nhân tiên lượng nặng và người nhà xin xuất viện. Chẩn đoán lúc ra viện là suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng từ phổi, theo dõi sởi bội nhiễm, vảy nến và hội chứng Down. Đến trưa cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân chưa được tiêm ngừa các loại vaccine phòng bệnh. Sở Y tế Đồng Nai cho biết, ngành Y tế đã tiến hành khử trùng bề mặt tại nhà bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh như sàn nhà, vật dụng, bàn ghế, tay nắm cửa, đồ chơi, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc dung dịch khử trùng có chứa clo với nồng độ 0,5% clo hoạt tính. Tuyên truyền cho các hộ gia đình xung quanh tăng cường vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng và thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Đặc biệt những trẻ trong độ tuổi từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần sởi thì phụ huynh cần đưa trẻ đến Trạm Y tế trong khu vực hoặc các Trung tâm Tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đây là ca tử vong thứ 3 do sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 26/12, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6.400 ca mắc sởi.

Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi trên người lớn, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virut họ Paramyxoviridae gây nên. Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng cảm thụ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm. Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và có ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.

TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm: “Tỷ lệ mắc sởi ở người lớn khá cao, lại thường chủ quan và không nghĩ mình có thể mắc sởi, chỉ đến khi rất nặng, hoặc có biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng mới đến viện thăm khám và điều trị”.

Các chuyên gia cho biết sởi bùng phát ở người lớn có thể là nguồn lây dễ dàng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. “Phòng bệnh là vô cùng quan trọng và biện pháp đặc hiệu là tiêm vaccine. Bất kỳ người lớn nào chưa từng mắc sởi hay chưa tiêm phòng cần bổ sung mũi tiêm này càng sớm càng tốt” – BS Trà nhấn mạnh.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-lon-cung-can-tiem-vaccine-phong-benh-soi-10297431.html