Chế độ ăn cho người mắc hội chứng Klinefelter

Việc áp dụng chế độ ăn uống toàn diện cho người mắc hội chứng Klinefelter rất quan trọng để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cân bằng, lượng chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng đầy đủ.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người mắc hội chứng Klinefelter

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người mắc hội chứng Klinefelter

2. Một số dưỡng chất cần thiết với người mắc hội chứng Klinefelter

3. Ảnh hưởng của việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn với người mắc hội chứng Klinefelter

Hội chứng Klinefelter (đôi khi được gọi là Klinefelter, KS hoặc XXY) là tình trạng các bé trai có thêm một nhiễm sắc thể X. Nhiều bé trai và nam giới mắc hội chứng Klinefelter không bị ảnh hưởng đáng kể và vẫn có sống cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Vô sinh thường là vấn đề chính, mặc dù có những phương pháp điều trị có thể giúp ích nhưng nam giới mắc hội chứng Klinefelter có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác cao hơn một chút như: đái tháo đường, loãng xương, tim mạch, rối loạn tự miễn, suy giáp.

Một số nghiên cứu khác nhau đã tập trung vào hậu quả lâu dài của hội chứng Klinefelter cho thấy, bệnh nhân Klinefelter có tỷ lệ sống sót trung bình thấp hơn từ 2 đến 5 năm so với những người cùng lứa tuổi. Trên thực tế, hội chứng Klinefelter có thể ảnh hưởng đến thành phần cơ thể, độ nhạy insulin, chuyển hóa xương và bệnh tim mạch, với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, loãng xương và bệnh tim tăng.

Do đó, chuyển hóa và dinh dưỡng của người mắc hội chứng Klinefelter, đặc biệt là ở nhóm trẻ em cần được chú trọng. Những khía cạnh này cực kỳ quan trọng khi xét đến việc chẩn đoán sớm sẽ thường xuyên hơn do các xét nghiệm trước khi sinh. Vì vậy, cần có một cách tiếp cận đúng đắn về dinh dưỡng và liệu pháp hormone ở trẻ em cũng như thanh thiếu niên mắc hội chứng Klinefelter để giảm nguy cơ tim mạch chuyển hóa và bệnh tật.

Bên cạnh việc được quản lý sức khỏe thì thay đổi lối sống giúp ích cho người mắc hội chứng Klinefelter. Duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, không uống rượu và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường type 2, loãng xương và bệnh tim mạch.

2. Một số dưỡng chất cần thiết với người mắc hội chứng Klinefelter

Chế độ dinh dưỡng có có tác động rất lớn đến người mắc hội chứng Klinefelter.

Chế độ dinh dưỡng có có tác động rất lớn đến người mắc hội chứng Klinefelter.

Nguy cơ chuyển hóa và tim mạch ở bệnh nhân hội chứng Klinefelter là một vấn đề quan trọng có thể xảy ra ngay cả ở trẻ em. Béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa là những bệnh không lây nhiễm, tiến triển chậm nhưng trở thành mạn tính. Những tình trạng bệnh lý này có vẻ khó đảo ngược khi đã phát triển, do đó, điều quan trọng là phải ngăn ngừa chúng phát triển mạnh bằng cách thiết lập các hành vi lành mạnh càng sớm càng tốt.

Theo Hướng dẫn về Hội chứng Klinefelter của Viện Hàn lâm Nam khoa châu Âu (EAA), bệnh nhân được khuyến cáo nên cung cấp thông tin chính xác về can thiệp lối sống để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch, theo dõi thường xuyên các yếu tố nguy cơ tim mạch và điều trị béo phì, đái tháo đường và rối loạn lipid máu.

Theo Hiệp hội hội chứng Klinefelter, ăn uống có thể có tác động rất lớn đến cơ thể theo nhiều cách tích cực và tiêu cực đối với người mắc hội chứng này. Nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu về thực phẩm và sức khỏe đồng ý rằng chế độ ăn uống điều độ đôi khi có thể có tác động lớn hơn đến sức khỏe cộng đồng so với thuốc.

Ngoài ra, việc duy trì sự năng động như đi bộ, leo núi, bơi lội, đạp xe, chạy bộ cũng thực sự quan trọng. Cần nhấn mạnh hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh hàng ngày theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho tất cả trẻ em để quản lý cân nặng, ngăn ngừa béo phì và hội chứng chuyển hóa.

Protein, vitamin và khoáng chất: Hiệp hội hội chứng Klinefelter khuyến nghị nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều protein, rau và trái cây tươi, điều này thực sự quan trọng.

Vitamin D và canxi: Về khoáng hóa xương, EAA gợi ý, sau khi xác định nồng độ vitamin D trong máu, cần bổ sung đủ vitamin D và canxi cho trẻ em trước tuổi dậy thì mắc hội chứng Klinefelter. Ăn nhiều sản phẩm từ sữa, pho mát, sữa chua để bổ sung canxi.

Tuy nhiên, chế độ ăn uống đóng vai trò trong việc bổ sung canxi và ở mức độ thấp hơn là lượng vitamin D hấp thụ. Do đó, lời khuyên về dinh dưỡng nên tính đến khía cạnh này, trong khi can thiệp vào lối sống cần chú trọng hoạt động thể chất, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không hút thuốc.

Kiểm soát lượng đường: Hạn chế đồ ngọt, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn. Ưu tiên các loại carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ.

Tăng cường chất xơ: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ giúp kiểm soát đường huyết, cholesterol và tốt cho hệ tiêu hóa.

Bổ sung omega-3: Ăn cá hồi, cá thu, hạt lanh, hạt chia. Omega-3 tốt cho tim mạch và não bộ.

Uống đủ nước: Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày để cơ thể hoạt động tốt.

Giảm chất béo bão hòa và cholesterol: Hạn chế thịt đỏ, mỡ động vật, đồ chiên rán. Thay vào đó, ăn các loại thịt trắng, cá, dầu ô liu, dầu thực vật.

3. Ảnh hưởng của việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn với người mắc hội chứng Klinefelter

Thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo không lành mạnh có tác động xấu đến sức khỏe.

Thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo không lành mạnh có tác động xấu đến sức khỏe.

Khi xem xét tình trạng thiếu hụt testosterone ở trẻ em và thanh thiếu niên hội chứng Klinefelter cho thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và mức testosterone trong dân số trưởng thành. Những người thích đồ ăn chế biến sẵn như bánh mì, bánh ngọt, các sản phẩm từ sữa và món tráng miệng, ăn ngoài nhiều và ăn ít đồ ăn tự làm, ăn ít rau xanh đậm có nhiều khả năng có thành phần cơ thể không lành mạnh (ví dụ: tăng mỡ nội tạng) và mức testosterone toàn phần trong huyết thanh thấp, có khả năng phát triển chứng suy sinh dục.

Mối quan hệ giữa hormone sinh dục nam, testosterone và béo phì rất phức tạp, các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống có thể đóng vai trò là chất trung gian quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về vai trò của các thành phần trong chế độ ăn uống trong việc điều chỉnh mức testosterone lưu thông. Nhìn chung, cần có các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên để xác nhận rằng việc cải thiện chế độ ăn uống có thể cải thiện mức testosterone và giảm tình trạng suy sinh dục, đặc biệt là ở những bệnh nhân trong độ tuổi nhi khoa.

Nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh. Lưu ý tập thể dục thường xuyên nên bắt buộc ngay từ khi còn nhỏ đối với trẻ em mắc hội chứng Klinefelter.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-nguoi-mac-hoi-chung-klinefelter-16925010723152234.htm