Người lớn ích kỷ đã làm tổn thương đứa trẻ học lớp 1

Để một đứa trẻ học lớp 1 tại Trường tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, Hải Dương) bị tổn thương là bài học cho rất nhiều phụ huynh, giáo viên và nhà trường.

Đứa trẻ bị tổn thương

Câu chuyện một bé học sinh lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ phụ huynh đã gây bão trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Liên quan đến sự việc, chiều 27/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hải Dương đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT cho rằng đó là sự việc rất đáng tiếc và lưu ý các nhà trường, thời gian tới có biện pháp quản lý phù hợp, không để xảy ra việc tương tự.

Khi vấn đề này được làm rõ, nhiều người mới nhận ra rằng thực tế sự việc không tới mức như mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông đã đăng tin một chiều, đổ hết trách nhiệm cho phía giáo viên và ban phụ huynh. Dù vậy, nhìn ở góc độ nào thì sự việc đáng tiếc xảy ra cũng đều do lỗi từ phía người lớn, họ đã vô tình làm tổng thương đứa trẻ học lớp 1.

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho biết: "Một đứa trẻ lớp 1, ở độ tuổi từ 6 đến 7 tuổi, đang trải qua giai đoạn quan trọng phát triển cảm xúc và xã hội. Ở tuổi này, trẻ em bắt đầu hình thành ý thức về bản thân và vị trí của mình trong tập thể. Chúng rất nhạy cảm với những phản ứng và cách đối xử từ người lớn cũng như bạn bè cùng trang lứa.

Trong sự việc tại Trường tiểu học Gia Lương, việc em N. không nhận được suất ăn riêng trong buổi liên hoan cuối năm học có thể gây ra tổn thương tâm lý theo nhiều cách.

Trước hết, việc bị tách biệt, dù chỉ là trong một hoạt động nhỏ như chia suất ăn, có thể khiến em cảm thấy mình bị bỏ rơi hoặc không được coi trọng. Cảm giác bị phân biệt đối xử có thể làm suy giảm lòng tự tin và sự tự trọng của trẻ.

Ngoài ra, trẻ lớp 1 thường coi trọng ý kiến của bạn bè và rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Nếu em Đ.T.K.N. thấy mình khác biệt so với các bạn, em có thể cảm thấy xấu hổ hoặc buồn bã. Những cảm xúc này, nếu không được giải quyết kịp thời và đúng cách, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của em trong thời gian dài, gây ra sự lo lắng, sợ hãi khi tham gia các hoạt động tập thể hoặc giảm sút động lực học tập.

Hơn nữa, ở độ tuổi này, trẻ em cần cảm nhận được sự an toàn và yêu thương từ cả gia đình và nhà trường. Khi xảy ra tình huống như vậy, nếu không có sự giải thích và an ủi kịp thời từ phía giáo viên và cha mẹ, trẻ có thể cảm thấy mất niềm tin vào người lớn, dẫn đến cảm giác bất an".

Trường tiểu học Gia Lương, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: VTV

Trường tiểu học Gia Lương, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: VTV

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Có thể thấy, việc thiếu sự quan tâm và xử lý không khéo léo trong những tình huống nhạy cảm có thể gây ra tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo mọi trẻ em đều được đối xử công bằng và yêu thương, đặc biệt là trong những giai đoạn phát triển quan trọng như ở lớp 1.

Các bậc phụ huynh và giáo viên cần hợp tác chặt chẽ để tạo ra một môi trường học tập và sinh hoạt an toàn, đầy yêu thương và sự quan tâm cho tất cả các em học sinh".

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên, người giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ dường như đã không khéo léo trong việc này. Người lớn sẽ nói gì với một đứa trẻ mới học lớp 1 chỉ vì bố mẹ em không đóng đủ 1 bữa ăn trong ngày liên hoan cuối năm?

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, trước hết nói về trách nhiệm của giáo viên: "Dù với bất kỳ lý do nào nhưng với tư cách một người giáo viên, để xảy ra chuyện này trong lớp học là điều đáng tiếc, thiếu nhạy cảm và chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu cô giáo xử lý khéo léo hơn, thêm một suất ăn nữa cũng có lẽ không có điều gì quá to tát. Sau đó, cô giáo có thể góp ý cho phụ huynh sau sự việc.

Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không thể thoái thác trách nhiệm trong vụ việc này. Họ được bầu ra để đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của tất cả các phụ huynh, nhưng họ đã thất bại trong việc đảm bảo rằng mọi học sinh đều được tham gia vào các hoạt động chung.

Quyết định chi tiêu quỹ phụ huynh cần phải được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo rằng không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì lý do tài chính.

Hành động loại trừ một đứa trẻ ra khỏi buổi liên hoan cuối năm chỉ vì mẹ em không đóng quỹ phụ huynh là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của học sinh và phản ánh sự bất bình đẳng ngay trong lớp học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phải nhận ra rằng mọi quyết định của họ phải đặt quyền lợi của tất cả các học sinh lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung vào những người đã đóng góp tài chính.

Về phía phụ huynh, phụ huynh có quyền lựa chọn không đóng quỹ phụ huynh, nhưng họ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định của mình. Trong trường hợp này, việc không đóng quỹ đã dẫn đến sự thiệt thòi cho chính con em họ và cũng không thể phản ứng một cách thái quá vì xuất phát đầu tiên không đóng quỹ tức là không muốn tham gia từ phía họ".

Thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: "Sau những ứng xử của người lớn, ai cũng có lý do của mình, tuy nhiên điều đó không thể biện minh cho hành động phân biệt đối xử của giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh.

Việc không đóng quỹ không nên và không thể trở thành nguyên nhân khiến một học sinh bị loại trừ khỏi các hoạt động tập thể. Phụ huynh cần được thông tin rõ ràng về mục đích và cách sử dụng quỹ phụ huynh, từ đó có thể đóng góp một cách tự nguyện và minh bạch".

Giáo dục cần tạo ra một môi trường học tập bình đẳng, nơi mọi học sinh đều được đối xử công bằng và có cơ hội như nhau, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm: "Sự phân biệt đối xử trong lớp học như vậy không chỉ làm tổn thương tinh thần của trẻ mà còn làm suy yếu niềm tin của phụ huynh vào hệ thống giáo dục.

Sự im lặng và thiếu hành động của những người có trách nhiệm, từ giáo viên đến ban đại diện cha mẹ học sinh, là một sự thất bại rõ ràng. Học sinh cần được bảo vệ và đảm bảo rằng mọi hành động, quyết định của nhà trường và phụ huynh đều đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu".

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, câu chuyện về bé học sinh lớp 1 ở Hải Dương bị phân biệt đối xử vì mẹ không đóng quỹ phụ huynh là một lời cảnh tỉnh cho tất cả những người có trách nhiệm và ngay cả trong chính phụ huynh.

"Có thể sự ích kỷ của phụ huynh là một chuyện bởi số tiền không lớn, nhưng ngược lại sự việc đã nhắc nhở chúng ta về sự quan trọng của lòng nhân ái, trách nhiệm và công bằng trong giáo dục. Nếu người lớn chỉ cần bớt cái tôi của cả nhân, xử lý sự việc khéo léo hơn thì sự việc sẽ không đi xa đến vậy.

Những người lớn, những người có trách nhiệm, cần phải biết xấu hổ và cần hành động để đảm bảo rằng mọi học sinh đều được đối xử công bằng và không bị loại trừ vì bất kỳ lý do gì. Chỉ khi đó, giáo dục mới thực sự là một môi trường phát triển toàn diện cho mọi trẻ em, không phân biệt hoàn cảnh gia đình", thầy Lâm chia sẻ.

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/nguoi-lon-ich-ky-da-lam-ton-thuong-dua-tre-hoc-lop-1-d4583.html