Người lớn tuổi có nên khởi nghiệp?

Xác xuất thành công cao của người lớn tuổi khởi nghiệp có lẽ do chính những thất bại khi còn trẻ đã tránh cho họ lặp lại những lỗi lầm.

Một hiện tượng ít ai nói tới là khởi nghiệp khi mình đã lớn tuổi.

Tôi có nhiều người quen ở tuổi trung niên, nếu không nói là gần 50 tuổi, mới khởi nghiệp và đã thành công. Xác xuất thành công cao có lẽ do chính những thất bại khi còn trẻ đã tránh cho họ lặp lại những lỗi lầm. Và họ cũng đã có sẵn vốn, đây không phải là một điều kiện dễ có.

Trong cuốn sách này có nhiều ví dụ về trường hợp này. Nhưng triết lý phải có là bạn chỉ nên khởi nghiệp thực sự khi bạn đã nắm vững mọi yếu tố “cần và đủ” để khởi nghiệp thành công. Tất nhiên ở tuổi đôi mươi thì chỉ nên thử lửa để hiểu mình, biết rõ về thiên hạ, chớ nên mang vốn phục vụ một cỗ xe chưa chạy, không hoàn hảo và chưa nhận được sự ủng hộ của quần chúng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: ANTONI SHKRABA/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: ANTONI SHKRABA/Pexels.

Một trường họp khởi nghiệp thành công nữa tôi từng chứng kiến là sự đón đầu những khuynh hướng mới của xã hội tiêu dùng. Xã hội biến đổi không ngừng. Ai ai trong cuộc sống cũng muốn đi nhanh hơn, được thoải mái tiện nghi hơn, vui hơn, an toàn hơn.

Những công ty cổ điển đã thành công phần lớn thường ỷ lại trên những thắng lợi của họ, hay ít nhất họ không vội vàng đổi mới (innovate). Nhờ đó, chính những công ty này đã tặng cho người khởi nghiệp một khe hở. Nếu khéo khai thác khe hở thì việc khởi nghiệp sẽ thành công.

Những minh chứng thì vô số, bạn nào hiếu kỳ nên tìm lại lịch sử của Kodak, IBM (thời 1970), Nokia. Kodak và IBM là hai doanh nghiệp hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Vào thời kỳ đó, Apple và Microsoft chưa sinh ra...

Vậy mà chính IBM đã tặng cho Microsoft một khe hở: Vào đầu những năm 70, IBM đã mở một cuộc đấu thầu về việc viết một phần mềm - cái phần mềm sẽ trở thành Windows sau này, rồi giúp Microsoft chiếm hàng đầu thế giới. Nokia chẳng có tội tình gì, chỉ chậm chân ỷ lại sức mạnh mình sẵn có mà cũng đủ mở một khe hở cho Apple...

Nếu bạn làm bất cứ điều gì có khả năng giúp một doanh nghiệp đổi mới một cách khách quan, bạn sẽ thành công trong việc khởi nghiệp của mình. Một trong những lý do thành công, không phải chỉ là dựa vào sự thành công của người khác, mà chính là vì những doanh nghiệp lớn đã đầu tư sẵn việc khảo sát thị trường, chọn những hướng đi đúng, xây dựng triết lý kinh doanh đúng.

Mình theo họ là mình đã có được ngay khi bắt đầu khởi nghiệp những mục tiêu đúng, những chuẩn mực đúng, do đó mình đã nằm ngay trong quỹ đạo của sự thành công hiển nhiên.

Tại Việt Nam, rất đông người khởi nghiệp đón đầu hai nhu cầu lớn của xã hội, đó là ngành giáo dục và ngành y tế. Xã hội chúng ta còn rất xa thời kỳ có đủ bệnh viện chuyên môn. Còn nhu cầu giáo dục thì có lẽ không có một dân tộc nào hiếu học, hiếu bằng cấp như dân tộc ta.

Có những người trẻ sẵn sàng nợ những số tiền lớn để đăng ký học nhiều trường, nhiều khóa, nhiều thầy. Họ học gì thì là một chuyện khác, họ học lung tung, đủ thứ, cái gì cũng đòi học, nhất là các bí quyết sớm giúp làm ra tiền. Nhu cầu về số ghế nhà trường thì rất cao, nhưng điều kỳ lạ là các học viên không khó tính lắm khi chọn thầy, chọn môn.

Ý tưởng muốn đi học rất chân chính và đáng được khuyến khích, nhưng chỉ cần liếc mắt nhìn quanh cũng thấy có quá nhiều trung tâm giáo dục khống, cũng như những cơ sở y tế hoành tráng còn hơn khách sạn năm sao, nhưng đôi khi chỉ trưng bày được một vài bác sĩ hay giáo viên chưa có đẳng cấp cao.

Doanh thu khủng, nhưng kết quả về chất lượng vẫn bấp bênh, khó lòng đánh giá. Ở đây rõ ràng sự khởi nghiệp được biến hóa thành một guồng máy làm ra tiền trong những nghề đáng lẽ phải mang kích thước lương tri và tri thức.

Phan Văn Trường và nhiều tác giả/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-lon-tuoi-co-nen-khoi-nghiep-post1460985.html