Người mẹ 2 lần mất con vì mang gen bệnh mà không biết
Hai lần mất con là hai lần vợ chồng chị L phải đối mặt với những cú sốc quá lớn khiến anh chị không khỏi hoang mang.
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận một trường hợp, gia đình chị L (Hà Nội) với tiền sử hai lần mất con.
Năm 2016, bé trai đầu tiên của gia đình anh chị L. chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên, không lâu sau đó, sức khỏe của bé suy giảm bất thường và qua đời. Trước đó, gia đình chị L. cũng đưa con đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân rõ ràng.
Lần mang thai thứ hai của chị L vào năm 2018, cả gia đình lại thắp lên hy vọng, mong rằng cuộc đời sẽ bù đắp bằng một niềm vui trọn vẹn. Nhưng định mệnh một lần nữa lại thử thách anh chị, chỉ một tháng sau sinh, bé trai thứ hai bị mắc viêm phổi kéo dài, điều trị không thuyên giảm. Một năm sau, người con thứ hai cũng rời bỏ vợ chồng anh chị, để lại nỗi đau đớn khôn nguôi cho vợ chồng.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân.
Hai lần mất con là hai lần vợ chồng chị L phải đối mặt với những cú sốc quá lớn khiến anh chị không khỏi hoang mang. Sau 5 năm vực dậy tinh thần, với mong muốn tìm ra nguyên nhân và chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần sinh con tiếp theo, anh chị đã đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám.
TS.BS Bùi Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo - Bác sĩ Di truyền tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, qua khai thác chi tiết về bệnh sử hai vợ chồng chị L cùng gia đình hai bên đồng thời phân tích kỹ lưỡng tiền sử bệnh lý của hai bé đã mất, các bác sĩ nhận định nguyên nhân chính có thể xuất phát từ đột biến gen.
Do cả hai bé đã không còn, việc lấy mẫu trực tiếp để làm xét nghiệm là điều không thể. Vì vậy, TS.BS Phương Hoa đã đưa ra giải pháp tối ưu là thực hiện xét nghiệm di truyền gián tiếp thông qua mẫu từ bố mẹ, nhằm xác định rõ nguyên nhân.
Sau quá trình thực hiện giải trình tự gen và hội chẩn cùng các chuyên gia, cuối cùng bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân. Chị L mang đột biến gây bệnh trên gen CYBB - Di truyền lặn liên kết nhiễm sắc thể X, gây bệnh u hạt mạn tính. Bệnh có biểu hiện viêm phổi kéo dài tái diễn từ giai đoạn sơ sinh, đáp ứng kém với điều trị. Mẹ là người lành mang gen không biểu hiện bệnh, con trai mang gen đột biến di truyền từ mẹ sẽ mắc bệnh và tử vong. Kết quả di truyền phù hợp với tiêu chí về lâm sàng và phân loại di truyền.
U hạt mạn tính là một rối loạn di truyền còn gọi là bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát (Primary Immunodeficiency Disease - PIDD). Bệnh xảy ra do đột biến gen di truyền từ mẹ. Khi mắc bệnh này, các tế bào hệ miễn dịch bị suy yếu. Do đó, cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và dẫn tới tử vong. Bệnh u hạt mạn tính không phổ biến, bệnh xuất hiện với tỷ lệ khoảng 1/200.000 - 250.000 người.
TS.BS Phương Hoa tư vấn cho vợ chồng chị L nên thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản: thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp xét nghiệm phôi (PGT-M) để chọn được phôi không mắc bệnh. Tháng 3/2024, anh chị chuyển phôi thành công. Đến cuối năm 2024, gia đình chị L vui mừng chào đón em bé khỏe mạnh, hoàn toàn không mắc bệnh.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ dị tật bẩm sinh chào đời, đáng chú ý là có tới 80% số trẻ em mắc rối loạn di truyền được sinh ra bởi cha mẹ khỏe mạnh, hoặc không có tiền sử gia đình. Nguyên nhân có thể do bố mẹ là người lành mang gen bệnh lý di truyền thể lặn, phôi thai phát sinh các đột biến mới trong quá trình phát triển. Điều đáng nói là đa phần các bệnh lý di truyền thể lặn không biểu hiện ở thế hệ cha mẹ, nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ con.
Theo TS.BS Bùi Thị Phương Hoa, bệnh lý đơn gen là những rối loạn di truyền bắt nguồn từ đột biến ở một gen gây ra. Dựa trên cơ chế di truyền, bệnh được phân thành hai nhóm chính: Nhóm đột biến đơn gen trội - bố hoặc mẹ bị đột biến gây bệnh truyền gen đột biến khiến con cũng mắc bệnh. Nhóm đột biến đơn gen lặn - cả bố mẹ đều là người lành mang gen đột biến, con sinh ra nếu nhận cả hai gen đột biến từ bố mẹ sẽ mắc bệnh, thậm chí có nguy cơ tử vong”.
Quá trình điều trị những căn bệnh này không chỉ phức tạp mà còn kéo dài, tạo nên áp lực nặng nề cho gia đình và đặt gánh nặng lớn lên cả xã hội.
BS Hoa khuyến cáo, những đối tượng nên cân nhắc thực hiện xét nghiệm di truyền: các cặp đôi sắp kết hôn đi khám tiền hôn nhân, phụ nữ mang thai, các gia đình có tiền sử bệnh lý đơn gen, cặp đôi có con mắc bệnh lý đơn gen,… Ngoài ra, những gia đình có cả vợ và chồng cùng mang gen lặn liên quan đến các bệnh lý di truyền đơn gen nên được tư vấn di truyền trước khi có kế hoạch mang thai và sinh con.