Niềm vui từ vị cơm nhà
Từ bỏ thói quen ăn tiệm hoặc đặt đồ ăn online đã giúp nhiều bạn trẻ hình thành lối sống tối giản, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Việc chủ động chuẩn bị thức ăn để mang đi học, đi làm cũng giúp lan tỏa năng lượng tích cực, bảo vệ bản thân trước các rủi ro từ môi trường bên ngoài.
An tâm mỗi ngày
Bùi Minh Trung (21 tuổi, quê Đắk Nông) vốn xa nhà từ khi lên lớp 10. Vài năm trước, dịch COVID-19 khiến hàng quán đóng cửa buộc anh phải tự nấu ăn. Ban đầu, Trung chỉ biết làm món đơn giản như trứng luộc, rau luộc. Độ khó tăng dần, anh tập chế biến các món chiên, xào và dần cải thiện kỹ năng bếp núc, học cách bày biện món ăn bắt mắt.

Tự nấu ăn đem theo mỗi ngày giúp Gia Bảo cải thiện tâm trạng, bớt tiêu thụ thức ăn nhanh
Lên đại học, Trung càng phát huy tính tự lập trong việc ăn uống. Thay vì mất thời gian suy nghĩ "hôm nay ăn gì?" thì anh chủ động lên kế hoạch nấu nướng sao cho phù hợp. Mỗi lần đi chợ, anh mua nguyên liệu đủ cho 3 - 4 ngày để tiết kiệm công sức đi lại. Từ chỗ nấu ăn vì "bất đắc dĩ", Trung nhận ra lợi ích của việc tự chuẩn bị bữa ăn: "Nếu ăn ngoài, chi phí một tháng từ 2 - 3 triệu đồng, còn tự nấu thì chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm được gần 2 triệu đồng có thể dùng cho việc học hay phụ giúp gia đình".
Thường tự đi chợ nên Trung đúc kết kha khá kinh nghiệm chọn thực phẩm tươi sạch. Anh tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của bản thân và thường xuyên dùng rau củ, bổ sung vitamin C nhằm tránh khô môi, nứt nẻ tay chân, giảm tối đa dầu mỡ. Trung áp dụng chế độ ăn khoa học kết hợp tập gym để cải thiện sức khỏe. Với anh, tự nấu ăn vừa tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian. Thỉnh thoảng, Trung còn mời bạn bè dùng cơm do anh tự nấu. Sau những giờ học, cả nhóm lại quây quần vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Ai cũng hài lòng như tiếp thêm động lực để Trung tin rằng người ăn hết sạch đồ ăn mình nấu và tấm tắc khen ngon, chắc chắn sẽ có chiếc bụng "vui, khỏe".
Hình thành thói quen tốt
Nguyễn Gia Bảo (22 tuổi, ngụ TP HCM) thì duy trì việc mang cơm theo mỗi ngày bởi quãng đường đến trường quá xa. Trong khi bạn bè đồng lứa thường ăn uống qua loa, thậm chí bỏ bữa vì không tìm được món hợp khẩu vị, thì Bảo lại chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng.
Bảo tin rằng ăn uống là nhu cầu cơ bản, thiết yếu nên nếu không quan tâm đến chất lượng bữa ăn cũng đồng nghĩa với việc chưa thật sự quan tâm đến bản thân. Chuyển sang ăn chay trường hơn 3 tháng nay, những hộp cơm của Bảo vẫn luôn bảo đảm đủ chất: tinh bột, đạm, chất xơ và các nhóm vitamin để nạp đủ năng lượng. Bên cạnh việc cải thiện vóc dáng, Bảo ít cảm thấy đói hay bủn rủn tay chân như trước.

Tự nấu ăn đem theo giúp Minh Trung hiểu rõ hơn về dinh dưỡng, thực phẩm đồng thời có những khám phá và sáng tạo trong ẩm thực.
Quyết định này còn xuất phát từ sở thích dùng cơm nhà. Từng hộp cơm đều chứa đựng sự chăm chút, tình yêu thương của bà và mẹ, từ lời hỏi han sức khỏe, quan tâm thói quen sinh hoạt đến việc giúp đỡ Bảo chuẩn bị nguyên liệu, chia sẻ kiến thức bếp núc và cùng nấu ăn chung.
Dù đôi lúc việc mang cơm có thể bất tiện do mất thời gian chuẩn bị, không phải lúc nào cũng tìm được nơi hâm nóng thức ăn, song Bảo vẫn thấy điều đó cần thiết. "Tôi học cách trân trọng bản thân, rèn tính kỷ luật. Khi tự chuẩn bị cơm mang theo, tôi có sự gắn kết với gia đình hơn" - Bảo kể.
Bảo nhận thấy ngày càng nhiều bạn bè mang theo thức ăn khi đến trường hoặc nơi làm việc. Gen Z đang quan tâm hơn đến sức khỏe, chăm sóc tinh thần và cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề tài chính. Họ dần ưu tiên chuẩn bị bữa ăn mang theo để chủ động và tiết kiệm hơn. Trên mạng xã hội, các hội - nhóm cổ vũ, khuyến khích, chia sẻ về việc tự nấu ăn… hoạt động rất sôi nổi. Đây là nơi người trẻ chia sẻ đam mê và bổ sung kiến thức về ẩm thực, giao lưu và trao nhau niềm hứng khởi được trở thành đầu bếp của chính mình.
Có lợi cho sức khỏe
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc tự nấu ăn tại nhà mang lại lợi ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các công bố gần đây của Trung tâm Johns Hopkins và Đại học Harvard (Mỹ) đều nhấn mạnh những người thường xuyên dùng bữa ăn do họ chế biến giảm nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính so với người hay ăn ngoài và dễ dàng giải tỏa căng thẳng hơn. Mặt khác, khi bạn trẻ dùng hộp cơm cá nhân mang theo còn giúp giảm đáng kể lượng rác thải từ hộp xốp và thực phẩm đóng gói. Mỗi người dễ dàng kiểm soát khẩu phần ăn, tránh lãng phí khi tự nấu nướng. Nếu không có người hướng dẫn, chỉ cần lên mạng là có thể tham khảo công thức nấu ăn ngon - gọn - lẹ. Nhờ đó, câu chuyện bếp núc với nhiều người trẻ không còn là nhiệm vụ mà trở thành niềm vui mỗi ngày.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/niem-vui-tu-vi-com-nha-196250503192659274.htm