Người mẹ dành cả cuộc đời nuôi con bại não thành nhạc sĩ tài năng

'Mẹ vừa là tay chân bù đắp cho cơ thể không lành lặn của con; vừa là ánh nắng ấm áp sưởi ấm tâm hồn con, giúp con trở thành người có ích và có thể cống hiến cho cuộc đời này', đó là những dòng tâm sự mà 'nhạc sĩ bại não' Thiên Ngôn tâm sự về người mẹ của mình.

Cô giáo đầu đời…

Được biết đến là tác giả của nhiều bản hit đình đám như: Đừng bắt em phải quên, Em muốn quên (Miu Lê), Dù không là định mệnh (Minh Vương M4U), Anh vẫn quen có em (Hồng Dương M4U), Nụ cười hạnh phúc (Vũ Duy Khánh)..., câu chuyện về chàng nhạc sĩ bại não Vũ Quốc Hùng (SN 1993, nghệ danh Thiên Ngôn) nỗ lực vượt lên số phận để sống với đam mê âm nhạc đã truyền cảm hứng đến không ít người.

Hùng bị bại não nên tứ chi yếu ớt co cứng, không thể đi lại mà chỉ có thể ngồi và lê, sinh hoạt hàng ngày cần người trợ giúp, giao tiếp khó khăn. "Thời gian có thể thiêu mòn ý chí của con người và đã có những ngày tháng, tôi mặc cảm với chính mình. Nhìn tôi chẳng khác gì một món đồ bỏ đi, đến cả vệ sinh cá nhân còn chẳng làm nổi, tôi còn có thể có ích ư?", anh từng chia sẻ.

Thế nhưng, nhờ sự đồng hành của gia đình và đặc biệt là mẹ, chàng nhạc sĩ trẻ Thiên Ngôn đã vượt qua được những khó khăn, định kiến và đang dần chứng minh được bản thân bằng tài năng âm nhạc của mình.

Chàng nhạc sĩ vượt lên số phận nhờ có sự đồng hành của mẹ.

Chàng nhạc sĩ vượt lên số phận nhờ có sự đồng hành của mẹ.

Cô Tạ Thị Mùi (mẹ nhạc sĩ Vũ Quốc Hùng) không giấu khỏi sự xúc động mỗi khi nhắc về con trai. "Khoảng 6 tháng sau khi sinh Hùng, gia đình tôi đã phát hiện con không phát triển giống các bạn đồng trang lứa. Khi nhận tin con bị bại não thể co cứng đối với gia đình tôi giống như trời đất sụp đổ”, cô Mùi tâm sự.

Thời điểm ấy, lòng người mẹ trĩu nặng, không khỏi tự dày vò bản thân mình, trách số phận trớ trêu, nhiều đêm không ngủ vì khóc thương con, chỉ mong ước có thể thay con gánh chịu những nỗi đau thể xác. Cô Mùi quyết định nghỉ việc ôm con chạy chữa khắp nơi ròng rã nhiều năm trời, Đông Tây y đủ cả.

Chỉ cần nghe mách ở đâu có thầy thuốc tốt, tôi liền cố gắng đưa con đi, ròng rã như thế nhiều năm trời nhưng không cải thiện được đáng kể”, cô Mùi nhớ lại.

Hùng dần lớn lên trong ánh mắt ái ngại, dò xét của những người xung quanh. Người cảm thông thì hỏi han động viên đôi ba lời, người không hiểu biết thì buông lời dè bỉu như những nhát dao cứa vào trái tim của người mẹ. Khi những đứa trẻ có thể tự xúc cơm ăn thì Hùng vẫn cần mẹ bón từng thìa, con nhai miếng cơm khó nhọc bởi khuôn miệng mất cân đối. Nhìn bao đứa trẻ xung quanh chập chững bước đi hay bập bẹ gọi mẹ, cô Mùi chỉ biết ước giá như con trai của mình cũng làm được như vậy.

Khi Hùng lên 6 tuổi, biết ý thức về ngoại hình của bản thân, chàng trai ngày càng thu mình lại với nỗi mặc cảm. Trong nhà không dám treo những bức ảnh hồi nhỏ vì chúng gợi nhắc lại thời điểm Hùng biết mình khác thường. Thấy con tủi thân khi thấy các bạn cắp sách tới trường, cô Mùi chỉ biết lén lau hàng nước mắt không dám để con biết.

"Hùng không thể vận động, giao tiếp bình thường nhưng lại rất ngoan, thương mẹ và nhạy cảm. Con ngại ra ngoài, một phần là vì tự ti, một phần không muốn mẹ buồn khi người ta bàn tán về con trai", cô Mùi chia sẻ.

Đặc biệt, Hùng phải tốn nhiều công sức tập vật lý trị liệu để các cơ không bị teo lại. Nhìn con đau đớn, cô Mùi chỉ biết nén nước mắt vào trong mà động viên con.

"Thương lắm chứ, nhìn những đứa trẻ khác vô tư vui đùa, chạy nhảy, Hùng lại phải nỗ lực tập đi, tập nói từng chút, từng chút. Con đau một thì lòng mẹ đau mười. Nhưng cũng không dám khóc to, sợ con biết, lại suy nghĩ, tủi thân", cô Mùi chia sẻ.

Những năm 2000, các trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật chưa phổ biến nên Hùng không thể đi học. Mong con không quá thiệt thòi, người mẹ trở thành “cô giáo” đầu đời của cậu con trai nhỏ. Hùng bao nhiêu tuổi là ngần ấy năm có mẹ đồng hành bên cạnh. May mắn thay, nhận thức của con vẫn tốt nên cô Mùi quyết tâm dạy con biết chữ, biết số, để con có thể “giao tiếp” với thế giới.

Một mình cô Mùi dành toàn bộ thời gian chăm sóc Hùng và hai cô con gái nhỏ để chồng yên tâm gánh vác kinh tế. Những lúc mệt mỏi, người mẹ chỉ biết tự động viên bản thân không được gục ngã để làm chỗ dựa vững chắc cho chồng con.

Hàng ngày đi làm về, cô Mùi và chồng dạy con trai đi xe đạp, không phải mong con biết đi mà chỉ là bài tập giúp con vận động. Bố Hùng buộc chân con trai vào bàn đạp, cầm đôi tay không thể duỗi thẳng của con đặt lên trên tay lái, giúp con dùng lực đẩy bàn đạp xoay vòng. Nhìn bóng lưng của chồng, sự nỗ lực của con trai, nước mắt cô Mùi lại tuôn trào.

Người mẹ kiên trì chăm lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ.

Người mẹ kiên trì chăm lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ.

Nói về chồng mình, cô Mùi nhận xét: "Đó là người chồng, người cha tuyệt vời, sống tình cảm. Nếu như không có chồng bên cạnh, tôi đã không đủ nghị lực và niềm tin để kiên trì cùng các con".

Mỗi khi được hỏi về con trai, cô Mùi luôn trả lời đầy tự hào: “Hùng nhìn vậy thôi, nhanh trí lắm, có thể ngồi vững và chơi đàn giỏi, với mẹ thế là tốt lắm rồi!”. Dù vậy, trong trái tim của người mẹ kiên cường vẫn luôn mong mỏi, một ngày nào đó điều kỳ diệu sẽ đến và giúp Hùng đứng vững trên đôi chân của mình.

Mỏi mệt tan biến khi nhìn con “phiêu” bên phím đàn

Trong những khoảng thời gian đầu đồng hành cùng con, nhận thấy con trai có hứng thú với nghệ thuật, cô Mùi cho Hùng học về âm nhạc. Được bác sĩ khuyên đánh đàn piano là bài tập phục hồi chức năng ngón tay rất tốt lại đúng với đam mê của con nên gia đình rất ủng hộ.

Dù vậy, quá trình học đàn của Hùng cũng rất gian nan. Mỗi khi chơi đàn, Thiên Ngôn phải luồn bàn tay phải qua chân trái để giữ cố định. Sau một lúc phải gồng mình, căng cơ, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, chân tay cũng đau nhức.

Nhìn con trai khó nhọc cử động từng ngón tay, đánh từng nốt rời rạc, người mẹ ở bên vô cùng đau lòng nhưng vẫn tỏ ra kiên cường và hết lời động viên anh. "Hùng rất chăm chỉ luyện tập, mỗi bài hát sẽ tập đánh thành thục mới thôi. Nhìn con say mê, phiêu bên những phím đàn, dường như mọi mỏi mệt của tôi đều biến tan", cô Mùi chia sẻ.

Chàng trai lấy những nốt nhạc để giãi bày tâm sự.

Chàng trai lấy những nốt nhạc để giãi bày tâm sự.

Những nỗ lực của cả hai mẹ con được đền đáp khi Hùng vượt qua chuỗi ngày mặc cảm, tuyệt vọng. Nhờ có âm nhạc chàng trai lạc quan hơn, dần hiểu ra mục đích sống của mình và vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Ban đầu, Hùng sáng tác nhạc đơn thuần là để giãi bày những nỗi lòng khó nói lên lời hoặc để dành tặng mẹ, tặng gia đình. Anh lấy nghệ danh là Thiên Ngôn, bày tỏ tâm sự qua những nốt nhạc. Sau này, nhiều ca khúc được giới trẻ đón nhận, từ đó, anh cũng có thêm thu nhập từ âm nhạc và trở thành niềm tự hào của bố mẹ.

Những năm gần đây, sức khỏe của Hùng ổn định hơn, số phận mỉm cười khi giúp chàng trai gặp được người phụ nữ của đời mình, kết duyên vợ chồng và may mắn có được một cô con gái đáng yêu, lém lỉnh.

"Thấy Hùng lạc quan, sống có ích và tìm được người bạn đời thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, có một em bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện và rất thương bố mẹ, tôi đã quá mãn nguyện rồi. Chỉ mong các con khỏe mạnh, hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình", cô Mùi tâm sự.

"Mẹ ơi, mẹ vui lắm phải không? Con hôm nay lấy vợ, từ nay mẹ có người đỡ đần thêm, để lo cho con rồi. Mẹ đã vất vả vì con gần hết đời người mà chẳng một lời than vãn.

Từ nay con không phải gọi mẹ ơi nhiều như trước nữa, đánh răng, đút cơm, tắm rửa, từ nay con sẽ gọi vợ ơi! Mẹ đến lúc phải thảnh thơi chút rồi mẹ ạ! Mẹ có thể đi cà phê với bạn bè mà không phải lo có ai cho con ăn chưa, đã có ai lấy nước cho con uống chưa. Từ nay con cũng như bố rồi, cũng phải cố gắng lao động vì gia đình nhỏ của con, làm trụ cột gia đình. Mẹ yên tâm mẹ nhé, con của mẹ làm được", trích thư gửi mẹ của Vũ Quốc Hùng.

Bạch Hiền

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/nguoi-me-danh-ca-cuoc-doi-nuoi-con-bai-nao-thanh-nhac-si-tai-nang-c8a81012.html