Người mẹ đau đớn cầu cứu 'chậm 1 ngày là mất hy vọng' khi con thơ bị tim bẩm sinh
Cùng lúc tai họa liên tục giáng xuống một gia đình nghèo ở Quảng Bình khi chồng bị tai nạn, đứa con út mang bệnh tim và câm điếc bẩm sinh khiến người mẹ trẻ gần như kiệt quệ, bất lực.
Ròng rã hơn 1 năm qua, người mẹ trẻ Trần Thị Thu Hằng (29 tuổi; ở Tổ dân phố Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn không hề nản chí hay bỏ cuộc trên hành trình gian nan tìm chút hy vọng để cứu lấy đứa con thơ bé bỏng mang trọng bệnh.
Chị Hằng và anh Nguyễn Hữu Tấn (29 tuổi) lập gia đình năm 2011, sinh được 4 người con. Bé gái đầu năm nay 9 tuổi; cháu trai thứ 2 đã 6 tuổi; con gái kế 3 tuổi; bé gái út là Nguyễn Trần Quỳnh Chi (16 tháng tuổi) - dù sinh ra hình hài đầy đủ, mặt tròn trịa kháu khỉnh nhưng lại mang trong mình căn bệnh tim và câm, điếc bẩm sinh.
Cả gia đình chị Hằng 6 người sống trong căn nhà cấp 4 từ tền vay mượn dựng nên, nay vẫn còn nợ chưa có tiền trả. Trong căn nhà rổng tuếch vì chẳng có thứ đồ đạc, tài sản gì đáng quý.
Anh Tấn làm nghề lái xe, 5 năm trước trong lúc lao động, anh chẳng may bị tai nạn bị đứt gân, tê liệt phần chân. Bác sĩ khuyên anh không nên vận động mạnh vì nguy cơ teo dần, bại liệt rất cao. Dù đi lại khập khiểng nhưng hằng ngày, vẫn phải gồng mình đi xin làm "thợ đụng" để lo cho 4 người con. Đặc biệt là đứa con út bạo bệnh của mình.
Mới sinh, Quỳnh Chi ốm đau triền miên, lúc gia đình đưa đi bệnh viện thăm khám thì vợ chồng chị Hằng như ngã quỵ, khi bác sĩ thông báo cháu mang trọng bệnh là: tim và câm, điếc bẩm sinh.
Sống cảnh đói nghèo, người mẹ trẻ không thể cầm lòng khi từng ngày, từng phút phải nhìn con bị những cơn đau đớn hành hạ. Gia đình chị đã bán tống, bán tháo những gì còn sót lại trong nhà; lúc kiệt quệ thì đánh liều vay mượn người thân, xóm làng, bạn bè…cho đến khi không còn có thể mượn ai được nữa.
Chị Hằng - cho biết mới đầu phát hiện cháu mang bệnh, vợ chồng chị cứ mỗi tháng phải thay nhau đưa con đi ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) 2 lần để khám, mỗi lần đi như vậy thì trong túi chỉ có hơn 500 ngàn đồng. Đa số là chị đưa cháu đi vì tiền xe đi về chỉ đủ cho 1 người, chồng lại bị cơn đau chân hành hạ nên không thể đi lại nhiều.
“Ra ngoài đó nhiều lúc mẹ con nằm vật vờ, em phải bỏ qua hết sĩ diện để đi xin miếng cơm, miếng cháo từ thiện cho 2 mẹ con. Thấy hoàn cảnh 2 mẹ con, mọi người thấy thương cho ly nước, chén cơm sống qua ngày mà không lấy tiền. Đến nay đã hơn 5 tháng qua, cháu nhiều lúc lên cơn đau khóc thét, nhưng gia đình hết cách vì không có tiền xe để đi lại chứ đừng nói là có tiền chữa bệnh cho con” - chị Hằng buồn bã.
Bác sĩ bảo chị Hằng bây giờ phải “hành động” ngay với Quỳnh Chi nếu không thì sẽ không còn kịp bởi thời gian không cho phép chậm trễ, vì chậm ngày nào là hi vọng khép lại ngày ấy. Nhưng ngặt nỗi kinh phí mổ tai chỉ 1 bên thôi đã lên tới 700 triệu đồng. Số tiền quá lớn khiến đôi vợ chồng nghèo như đứng hình, chết lặng.
“Một ngày trôi qua là cơ hội để tìm lại âm thanh của con sẽ khép lại. Bố mẹ con không thể nào đủ khả năng. Từ khi con sinh ra tháng nào cũng đi viện liên tục, bố mẹ con đã chạy vạy khắp chốn, mượn tiền nhiều nơi. Giờ bố mẹ thực sự bất lực, chỉ biết chắp tay cầu khẩn mong nhận được sự chung tay giúp đỡ của cậu, cô, chú, bác và cộng đồng để hi vọng dành lại sự sống, âm thanh cho con….” - chị Hằng đớn đau nói.
Có những ngày vì quá đau với căn bệnh tim tái phát, Quỳnh Chi vật vã rồi lịm dần đi trong tiếng khóc yếu ớt trên tay người mẹ. Vợ chồng chị Hằng chỉ biết rơi nước mắt trong vô vọng vì không còn cách nào khả dĩ để có thể cứu lấy con tim, đôi tai, tiếng nói… đem lại tia hi vọng mong manh cho đứa con thơ.
Chị Hằng đã viết trên Facebook cá nhân bằng những dòng thương cảm: “Con đến với ba mẹ 1 cách bất ngờ, dù cuộc sống ba mẹ đầy chật vật khó khăn, nhưng tình yêu thương ba mẹ đã cho con cuộc sống này. Mẹ không có quyền lựa chọn hoàn cảnh sinh ra con nhưng có quyền được yêu thương đùm bọc, che chở của tất cả mọi người…”
Rồi chị tâm sự: “Nước mắt mẹ rơi từng giọt, mẹ đớn đau lắm không dám nhìn thẳng vào con… Bố mẹ xin lỗi vì sinh con ra nhưng lại chỉ còn tâm chứ không đủ lực để lo cho con trước cơn bạo bệnh. Mẹ bỏ hết sĩ diện để cầu xin giúp đỡ của xã hội, của mạnh thường quân; mỗi người một tấm lòng, mỗi người một ít xin hãy chung tay giúp đỡ đùm bọc cho con. “lá lành đùm lá rách” biết là số tiền quá lớn nhưng “góp gió ắt sẽ thành bão".