Người Mông Hùng Lợi một lòng tin Đảng
Hơn 40 năm 'hạ sơn' bà con đồng bào dân tộc Mông xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã không còn phải lo chạy ăn từng bữa trong những ngày giáp hạt. Con đường vào các bản Mông được bê tông sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giao thương hàng hóa bà con, trẻ con trong bản được đến trường học 'con chữ'… Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Mông hôm nay đã dần ấm no hạnh phúc.
Nhiều chương trình dự án được đầu tư
Chúng tôi đến thăm cụ Lầu Văn Mai, hơn 80 tuổi, thôn Quân là một trong những người đầu tiên về Hùng Lợi định canh, định cư. Cụ Mai nói, năm 1984, những hộ đồng bào dân tộc Mông đầu tiên di chuyển từ Cao Bằng, Hà Giang đã về đây, thấy đất lành nên chọn làm nơi sinh sống. Dần dần, bà con bảo nhau về đây an cư lập nghiệp tại 15/16 thôn của xã.
Cụ Mai nghĩ lại ngày mới về Hùng Lợi vất vả lắm, người dân vẫn còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa chủ động để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới. Để thay đổi suy nghĩ của bà con, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phải rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền. Những cán bộ địa phương tìm mọi cách tiếp cận để tuyên truyền theo phương pháp mưa dầm thấm lâu, khi cán bộ lựa chọn được những hạt nhân trong cộng đồng người Mông ở địa phương đi trước làm gương và thành công, nhiều hộ dân thấy hiệu quả cũng làm theo.
Điển hình hộ gia đình anh Ngô Văn Trời, Bí thư Chi bộ thôn Quân được xã lựa chọn để triển khai mô hình nuôi ong lấy mật. Anh Trời chia sẻ, năm 2017, được tham gia vào lớp dạy nghề nông thôn về kỹ thuật nuôi ong, anh nhận thấy nghề nuôi ong không mất nhiều vốn, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã đầu tư nuôi 4 đàn ong. Nhờ áp dụng các kiến thức đã được học và tìm kiếm kiến thức trên mạng internet để tích lũy kinh nghiệm nuôi, đến nay gia đình anh có 40 đàn ong, thu hoạch từ 200 - 300 lít/1 năm, với giá bán từ 150 - 200 nghìn đồng/lít.
Trung bình mỗi năm trừ chi phí, anh thu về được gần 50 triệu đồng. Niềm vui hơn đầu năm 2024, anh được Nhà nước hỗ trợ gần 20 triệu đồng. Có lãi, anh đầu tư thêm 12 đàn ong mật theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, chương trình Hỗ trợ sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn xã.
Hơn 1 năm nay, dòng điện lưới quốc gia đã được về với bản làng, thắp sáng niềm tin cho đồng bào Mông ở Khuổi Ma. Hộ gia đình anh Hầu Xuân Nhì đã mua sắm máy làm đá sạch, cùng nhiều đồ gia dụng để bán hàng tạp hóa và phục vụ sinh hoạt. Anh Nhì phấn khởi nói: “Có điện rồi mình đầu tư máy làm đá sạch, với công suất trên 3 tấn đá/1 ngày để phục vụ bà con trong xã và các xã lân cận.
Vào những ngày nắng nóng gia đình tiêu thụ được khoảng 1 tấn đá sạch, thu về gần 2 triệu đồng. Dự định trong thời gian tới sẽ đầu tư máy làm đá sạch công suất to hơn nữa để phục vụ cho bà con trong khu vực ATK này. Giờ có điện làm cái gì cũng dễ cuộc sống thấy sung sướng hơn trước nhiều, mình chỉ việc làm ăn kiếm nhiều tiền để nuôi con cái ăn học thành người”.
Bản làng đổi mới
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giúp đồng bào Mông Hùng Lợi vỡ ra nhiều điều. Đồng chí Hoàng Ngọc Phương, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Ma chia sẻ, thôn có 58 hộ với trên 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cán bộ tỉnh, huyện nhà, xã nhà đã giúp đồng bào Mông hiểu rằng phải nỗ lực vươn lên thì mới có cuộc sống đầy đủ. Con cái phải học hành, có tri thức mới không còn cái nghèo. Hơn nữa mỗi người dân đều phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật thì thôn, bản mới yên vui.
Lớp trẻ người Mông ở đây đã thay đổi tư duy, nhiều bạn trẻ đã tự xây dựng cơ ngơi ngay trên quê hương bằng chính sức lao động của mình. Căn nhà xây 2 tầng khang trang của chị Hoàng Thị Mai, sinh năm 1991, thôn Nà Mộ, vừa hoàn thành vào đầu tháng 6 - 2024, với tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Chị Mai nói, có được thành quả như ngày hôm nay gia đình vất vả lắm, trước chị cũng chỉ mở quán may nhỏ để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Sau đó được Nhà nước hỗ trợ theo chương trình đào tạo nghề, chị là 1 trong 20 người được hỗ trợ máy may. Vì vậy, chị bàn với gia đình mở xưởng may để tạo công ăn việc làm cho gia đình và mọi người trong xã. Đến nay, xưởng may của chị chuyên cung cấp váy Mông, chị thuê 10 lao động với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Mỗi năm gia đình chị thu được gần 100 triệu đồng. Giờ cuộc sống khấm khá rồi vợ chồng trẻ như gia đình chị bảo ban nhau làm ăn nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước cùng chung tay xây dựng quê hương mới giàu đẹp hơn nữa.
Hiện nay toàn xã Hùng Lợi có 1.700 hộ với trên 7.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 48%. Đồng chí Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã mang lại sức sống mới cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng như: xây dựng tuyến đường bê tông thôn Khuổi Ma và cầu bắc qua sông Phó Đáy, điện lưới quốc gia, công trình nước sạch…
Đặc biệt hơn, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đồng bào Mông đã được triển khai các dự án phát triển chăn nuôi ong, nuôi ngựa, nuôi trâu, chuyển đổi nghề… cho gần 200 hộ với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng; xây dựng làm nhà ở mới cho 35 hộ với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng…
Sức sống mới đang lan tỏa khắp vùng quê Hùng Lợi (Yên Sơn), đồng bào dân tộc Mông luôn một lòng tin Đảng, hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-mong-hung-loi-mot-long-tin-dang-196382.html