Người Mông Séo Lủng giữ đất biên cương

Chúng tôi tìm về thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú (Đồng Văn) vào một ngày Thu tháng Tám. Mỏm đất tột Bắc của Tổ quốc bình yên và kiều diễm trong sắc Thu vời vợi, nắng rót mật vàng tươi trên những nương ngô xanh thẫm. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các hộ dân tộc Mông nơi đây luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, ra sức lao động, sản xuất xây dựng biên cương ngày càng giàu đẹp, ấm no.

Một góc thôn Séo Lủng.

Một góc thôn Séo Lủng.

Theo chân Trung tá Tạ Quang Tiến, Đồn Biên phòng Lũng Cú, hiện đang thực hiện nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Lũng Cú, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ly Chứ Sùng, 62 tuổi, là người có uy tín của thôn Séo Lủng. Con đường từ trung tâm xã đến thôn như dải lụa vắt ngang sườn núi nay đã được nâng cấp, trải nhựa, thỏa lòng mong ước bao đời của người dân Séo Lủng. Trong ngôi nhà trình tường ấm cúng, vừa rót chén nước chè mời khách, ông Sùng vừa tâm sự: Séo Lủng là thôn giáp biên, còn được nhiều người gọi là “mỏm tột Bắc” của Tổ quốc. Thôn có hơn 3 km đường biên, trải dài từ Mốc 421+500 đến mốc 428. Khu vực gần cột Mốc 428 chính là phần nhô lên cao như chóp nón trên bản đồ Việt Nam. Sinh sống trên phần đất “thượng cùng” của Tổ quốc, bao đời nay, người Mông Séo Lủng luôn nhắc nhở nhau và dặn dò con cháu phải luôn đoàn kết, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng mà thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú tuyên truyền người dân trong thôn tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú tuyên truyền người dân trong thôn tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cùng kiến thức, hiểu biết của mình và bằng tất cả tình yêu với mỗi tấc đất quê hương, những năm qua, ông Sùng cùng với Chi bộ và Ban công tác Mặt trận thôn đã thực sự trở thành “cánh tay” nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế và tham gia bảo đảm an ninh, an toàn trên tuyến biên giới. Thôn Séo Lủng hiện có 48 hộ, 231 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông. Dưới sự tuyên truyền, vận động của xã, thôn và những người có uy tín như ông Sùng, những năm gần đây, người dân trong thôn đã biết áp dụng giống mới vào sản xuất, biết kết hợp trồng ngô và Tam giác mạch, đậu tương, hoa màu các loại; thâm canh tăng vụ, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Bà con cũng đẩy mạnh trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, các hộ đều nuôi từ 2 – 3 con bò trở lên, có hộ nuôi từ 8 – 10 con, đem lại nguồn thu nhập khá từ chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến nay toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22%; dự kiến hết năm 2021, có thêm 2 hộ thoát nghèo.

Cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, bà con ít vượt biên đi lao động trái phép như trước đây. Thay vào đó là đi lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong nước, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, vừa góp phần ổn định an ninh trật tự trên tuyến biên giới, hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, người dân Séo Lủng cũng đặc biệt chú trọng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Cách đây nhiều năm, Tổ tự quản bảo vệ biên giới, giữ gìn ANTT của thôn đã được thành lập. Các hộ gia đình tích cực tham gia Tổ tự quản, thường xuyên cử thành viên cùng với lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc trên địa bàn. Anh Ly Mí Nhù, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tổ tự quản cho biết: Không chỉ trực tiếp tham gia tuần tra cùng lực lượng chức năng, các thành viên trong tổ tự quản còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn cùng giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc. Khi phát hiện những hiện tượng như xâm canh, lấn chiếm đất canh tác hay có những kẻ lạ, đối tượng xấu đi qua biên giới, người dân đều báo ngay cho chính quyền xã và bộ đội Biên phòng. Đối với những gia đình cư trú hoặc có đất canh tác sát đường biên giới, ngoài trách nhiệm tham gia tự quản theo thôn bản, họ còn tự giác, tự quản trên chính các khu vực đất đai thuộc gia đình mình. Bà con cũng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần giữ bình yên trên tuyến biên giới. Với mỗi người dân Séo Lủng, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào lớn lao.

Về Séo Lủng hôm nay, những ngôi nhà xây mọc lên san sát, những mảnh nương luôn được phủ bởi màu xanh tươi tốt của ngô và hoa màu. Đứng trên mảnh đất nhỏ nhô ra phía dòng Nho Quế thơ mộng, ngước nhìn về Cột cờ Quốc gia Lũng Cú nơi lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới trong nắng, gió biên cương mà thấy lòng chộn rộn niềm vui và tự hào. Séo Lủng - mỏm đất tột Bắc, dù những khó khăn, khắc nghiệt luôn hiện hữu, nhưng người dân vẫn luôn kiên cường bám giữ từng tấc đất cha ông, để lá cờ Tổ quốc ngày đêm kiêu hãnh tung bay trên đỉnh núi Rồng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất diệt của đất nước.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202109/nguoi-mong-seo-lung-giu-dat-bien-cuong-781935/