Người Mỹ bắt đầu ít 'nhảy việc' hơn
Có dấu hiệu cho thấy cuộc 'Đại nhảy việc' ở Mỹ đang lắng xuống, nhưng không có gì đảm bảo cuộc khủng hoảng lao động này không bùng lên trong bối cảnh lạm phát cao.
Theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York được công bố hôm 22/8, số lượng người Mỹ bỏ việc vì một công việc khác (nhảy việc) đã giảm trong tháng 7, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng “Đại nhảy việc” (Great Resignation) đang giảm tốc.
Nhưng dữ liệu cũng cho thấy rằng nguy cơ nhảy việc vẫn cao.
Tỉ lệ “nhảy việc” ở người Mỹ đã giảm xuống 4,1% vào tháng 7, so với 5,9% cùng kỳ năm trước, theo cuộc khảo sát thị trường lao động và kỳ vọng người tiêu dùng của Fed New York.
Tỉ lệ “nhảy việc” giảm rõ rệt nhất đối với phụ nữ và những người được hỏi có thu nhập hộ gia đình dưới 60.000 USD.
“Tỉ lệ người nhận được ít nhất một lời mời làm việc trung bình trong 4 tháng tới giảm nhẹ xuống 21,1% từ mức 21,6% vào tháng 7/2021, vẫn ở dưới mức trước đại dịch”, khảo sát cho biết.
Mặc dù vậy, người lao động vẫn đang tìm kiếm các công việc tạm mới: 24,7% người được hỏi cho biết đã tìm kiếm một công việc mới trong tháng qua, tăng so với 24% cùng kỳ năm ngoái.
Thêm vào đó, khoảng 21,1% người tham gia khảo sát cho biết họ đã nhận được ít nhất một lời mời làm việc trong 4 tháng qua - tăng từ 18,7% vào tháng 7 năm ngoái. Mức lương trung bình cho các công việc toàn thời gian đã tăng lên 60.764 USD từ mức 58.469 USD cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, người lao động ngày càng ít hài lòng hơn với mức lương của họ, với mức độ hài lòng về lương đã giảm từ 58,2% xuống 56,9% trong tháng 7.
Trong nhiều tháng, nhiều lao động mới ở Mỹ đã bỏ việc để tìm công việc khác có mức lương, điều kiện làm việc và giờ giấc làm việc tốt hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp cũng phải vật lộn để thu hút lao động mới với mức lương cao hơn - một xu hướng được gọi là cuộc “Đại nhảy việc”.
Kết quả là, thu nhập của người Mỹ đang tăng trên diện rộng khi các nhà tuyển dụng tăng cường tuyển nhân sự để bù đắp thiệt hại hoặc cố gắng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác về nhân lực.
Việc thị trường lao động Mỹ trong tình trạng vô cùng thắt chặt là một phần nguyên nhân thúc đẩy lạm phát cao kỷ lục. Hàng triệu lao động đang chứng kiến mức tăng lương lớn nhất trong nhiều năm - kết quả của việc các công ty cạnh tranh với nhau để giành giật nguồn nhân lực hạn chế.
Thu nhập của người lao động Mỹ tăng 5,2% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch là 3%, theo Bộ Lao động Mỹ. Trên cơ sở hàng tháng, tiền lương tăng 0,5%, cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế.
Nhưng lạm phát ở nền kinh tế số 1 thế giới đang nhanh chóng làm xói mòn những lợi ích đó.
Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo vào đầu tháng này rằng thu nhập trung bình theo giờ của tất cả nhân viên đã giảm 3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, khi tính đến cả tác động của việc giá tiêu dùng tăng. Trên cơ sở hàng tháng, thu nhập trung bình hàng giờ giảm 0,6% trong tháng 7, khi tính đến mức tăng đột biến của lạm phát.
Do đó, người lao động ngày càng mong đợi mức lương cao hơn khi họ chấp nhận một công việc mới.
Mức lương dự kiến trung bình hàng năm của các lời mời làm việc trong 4 tháng tới đã tăng lên 60.310 USD từ 57.206 USD vào tháng 7/2021, mức cao thứ 2 được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu. Mức cao nhất được ghi nhận vào tháng 3/2021.
Tin tốt lành cho các nhà tuyển dụng là việc họ đầu tư vào các lợi ích, sự phát triển nghề nghiệp và các chính sách linh hoạt hơn tại nơi làm việc dường như đang được đền đáp. Sự hài lòng của người lao động với các phúc lợi ngoài lương và cơ hội thăng tiến đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Minh Đức (Theo New York Post, Yahoo!Finance)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-my-bat-dau-it-nhay-viec-hon-a565989.html