Người Mỹ 'đổi gió' mùa du lịch Hè

Cuộc khảo sát mới do AHLA thực hiện cho thấy, giá xăng và lạm phát ảnh hưởng đến quyết định du lịch mùa Hè của người dân Mỹ nhiều hơn là những lo ngại về đại dịch COVID-19.

Du khách thư giãn trên bãi biển tại Miami Beach, Florida. Ảnh: AFP/TTXVN

Du khách thư giãn trên bãi biển tại Miami Beach, Florida. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, một cuộc khảo sát mới do Morning Consult và Hiệp hội Khách sạn & Nhà nghỉ Mỹ (AHLA) thực hiện cho thấy, giá xăng và lạm phát ảnh hưởng đến quyết định du lịch mùa Hè của người dân Mỹ nhiều hơn là những lo ngại về đại dịch COVID-19.

Ngày lễ Tưởng niệm (Memorial Day) năm nay (30/5) đánh dấu sự khởi đầu của mùa du lịch Hè, giai đoạn mà ngành kinh doanh khách sạn và du lịch của Mỹ luôn trong trạng thái bận rộn.

Đầu năm nay, gần 7 trong số 10 người Mỹ (69%) cho biết họ có khả năng sẽ đi du lịch vào mùa Hè này, với 60% nói rằng họ sẽ thực hiện nhiều kỳ nghỉ hơn trong năm nay so với giai đoạn 2020-21, khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, những lo ngại mới về giá xăng và lạm phát đang ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của người Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ hiện đã leo lên khoảng 5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), gần gấp đôi mức giá trong đại dịch. Đa số (57%) số người được hỏi cho biết họ có khả năng thực hiện ít chuyến đi nghỉ dưỡng hơn và 54% cho biết họ sẽ thực hiện các chuyến đi ngắn hơn (54%) do giá xăng cao ngất ngưởng hiện tại. Trong khi đó, 44% số người được hỏi có khả năng hoãn các chuyến đi và 33% có khả năng hủy bỏ các chuyến đi mà không có kế hoạch lên lịch lại. 82% số người tham gia khảo sát nói rằng, giá xăng ít nhất sẽ có một số tác động đến việc lựa chọn điểm đến du lịch của họ.

Cuộc khảo sát trên dựa vào ý kiến của 2.210 người, được thực hiện từ ngày 18-22/5. Các số liệu khác được tổng hợp bao gồm:

- 68% người Mỹ nhất trí rằng họ coi trọng việc đi du lịch hơn vì đã bỏ lỡ những trải nghiệm trong đại dịch COVID-19

- 57% đang lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ gia đình vào mùa Hè này

- 46% có khả năng sẽ đi du lịch qua đêm cho một sự kiện gia đình như đám cưới, sinh nhật, kỷ niệm hoặc đoàn tụ gia đình

- 60% nói rằng họ có khả năng sẽ đi nghỉ nhiều hơn trong năm nay so với giai đoạn 2020-2021

- 60% có khả năng tham gia nhiều cuộc họp mặt trong nhà hơn

- 57% có khả năng đi nghỉ dài hơn

- 56% có khả năng thực hiện các chuyến đi đến các điểm đến xa hơn

- 90% nói rằng giá xăng là một yếu tố cần cân nhắc để quyết định có nên đi du lịch trong ba tháng tới hay không

- 90% nói rằng lạm phát là yếu tố mà họ cần cân nhắc để quyết định có nên đi du lịch trong ba tháng tới hay không

- 78% người Mỹ nói rằng tỷ lệ nhiễm COVID-19 là một yếu tố cần cân nhắc để quyết định có nên đi du lịch vào mùa Hè này hay không

Du khách tham quan Cầu Brooklyn ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Du khách tham quan Cầu Brooklyn ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chip Rogers, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AHLA, cho biết: "Đại dịch đã khiến nhiều người cân nhắc hơn đối với các chuyến du lịch và điều đó được phản ánh trong các kế hoạch mà người Mỹ đang đề ra cho kỳ nghỉ vào mùa Hè này. Nhưng ngay khi tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với du lịch đang bắt đầu suy yếu, một loạt thách thức mới đang xuất hiện như lạm phát đạt "đỉnh" hơn 40 năm và giá xăng tăng cao kỷ lục. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những vấn đề này và thúc giục Quốc hội Mỹ cũng như chính quyền hành động để giúp đảm bảo chúng không đe dọa quá trình phục hồi sau đại dịch của ngành du lịch và khách sạn".

Tại châu Âu, nhu cầu du lịch cũng tăng cao hậu COVID-19, sau thời gian dài các nước áp đặt các quy định hạn chế đi lại. Các nghiên cứu hồi đầu năm chỉ ra rằng du khách châu Âu sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để đi du lịch vào năm 2022.

Tuy nhiên, nhận định này được đưa ra mà không lường trước được xu hướng lạm phát "phi mã", thúc đẩy chủ yếu bởi giá năng lượng và thực phẩm. Do đó, các hãng hàng không, cũng như tất cả các nhà khai thác du lịch khác, cần theo dõi chiến lược phục hồi của họ và nếu kế hoạch du lịch của người tiêu dùng thay đổi có thể dẫn đến các chuỗi tác động chung.

Ví dụ, nếu khách du lịch phải mua vé máy bay với giá đắt hơn, họ có thể phải xem xét những chỗ ở thay thế và rẻ hơn. Nếu số đêm nghỉ lại của của du khách tại khách sạn bắt đầu giảm, khách sạn sẽ phải tăng giá phòng, và điều này có thể hạn chế bớt số khách hàng đặt phòng. Nếu khách du lịch chi tiêu hầu hết ngân sách của họ cho vé máy bay và chỗ ở, thì các lựa chọn chi tiêu của họ tại điểm đến có thể bị hạn chế.

Điều này cho thấy giá nhiên liệu tăng có thể ảnh hưởng đến xu hướng chi tiêu và lập kế hoạch du lịch trong thời kỳ hậu COVID-19.

Tuy nhiên, nhu cầu đi lại bị dồn nén được tạo ra trong suốt đại dịch vẫn sẽ là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực này, mặc dù giá cả nói chung có thể tăng nhẹ./.

Minh Trang (Theo traveldailynews)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguoi-my-doi-gio-mua-du-lich-he/249693.html