Người Mỹ gốc Á đổ xô đi mua súng giữa dịch bệnh bùng phát
Làn sóng bài ngoại tại Mỹ ngày càng lớn hơn khi nước này phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Nhiều người Mỹ gốc Á phải trang bị vũ khí để không trở thành nạn nhân của làn sóng này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn nước Mỹ, những người dân Mỹ hoảng loạn không chỉ tích trữ giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm, họ còn trữ cả súng.
Theo South China Morning Post, doanh số các cửa hàng bán vũ khí và đạn dược trên khắp nước Mỹ đã tăng trong tháng vừa qua. Nhà bán lẻ đạn dược ammo.com có mức tăng doanh số 276% vào ngày 10/3 khi số ca dương tính mới được xác nhận tăng lên ở Mỹ.
Ở California và Washington, hai bang có số ca nhiễm ban đầu nhiều nhất, nhiều người Mỹ gốc Á lần đầu mua súng vì lo sợ cho sự an toàn của họ. Việc virus Covid-19 lần đầu được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng của thái độ bài ngoại.
Lo sợ trở thành nạn nhân tiếp theo
Nhiều cuộc tấn công nhắm vào người châu Á đã diễn ra ở Los Angeles, San Francisco, New York và các thành phố trên thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những kẻ tấn công thường nhắc đến virus corona. Ngày 19/3, một tổ chức của người Mỹ gốc Á có trụ sở tại California gần đây đã đưa ra một trang web để mọi người báo cáo các tội ác vì thù ghét có liên quan đến virus. Trong vòng 24 giờ, đã có hơn 40 vụ việc được báo cáo.
Hạt Los Angeles là nơi cư trú của 1,5 triệu người Mỹ gốc Á, nhiều hơn bất kỳ hạt nào tại Mỹ. Tại cửa hàng súng Arcadia Firearm & Safety ở San Gabriel Valley, chủ cửa hàng David Liu vô cùng mệt mỏi. Cửa hàng của ông rất đông khách. Ông hầu như không có thời gian để ăn hoặc ngủ. Tình trạng như vậy đã diễn ra trong nhiều tuần.
“Tôi chỉ có một cửa hàng nhỏ. Vậy mà khách của tôi đợi gần 2 giờ để vào mua hàng. Tôi mở cửa lúc 11 giờ sáng nhưng họ đã xuất hiện lúc 9 giờ sáng”, ông Liu nói. “Với một số cửa hàng súng lớn, phải chờ 4 đến 6 giờ. Và có thể khi bạn vào được thì không có gì để mua”.
Người gốc Á chiếm 17% dân số California, tức 6,9 triệu người, và 8,3% dân số Washington, khoảng 607.000 người. Tuần trước, California đã ra lệnh cho cư dân ở nhà và các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa.
Ông Liu, 54 tuổi, là người sinh ra ở Đài Loan, sống ở Hong Kong và chuyển đến Mỹ khi ông 15 tuổi. Ông cho biết khách hàng của ông chủ yếu là người châu Á và doanh số của ông đạt trung bình 10.000 USD một ngày trong những tuần gần đây. Con số này cao hơn nhiều tháng trong nửa cuối năm 2019. Ông nói doanh số bắt đầu tăng khoảng 5 tuần trước, khi thông tin về dịch bệnh tăng lên.
“Trước đây, doanh số của tôi chủ yếu đến từ những người nhập cư Trung Quốc”, ông Liu nói với South China Morning Post. “Một tuần trước, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó làm mọi người bị sốc”.
Ông Liu ước tính 80-90% khách hàng của ông hiện là những người mua súng lần đầu và ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt, Philippines và Nhật Bản mua súng.
Khi tin về dịch ở Trung Quốc lan ra, khách hàng của ông Liu “lo mình trở thành mục tiêu bởi vì họ là người Châu Á”, ông Liu nói.
Ông Liu nói rằng khách hàng của ông đọc tin tức về các cuộc tấn công bài ngoại ở một số thành phố ở Mỹ. “Họ đến mua súng vì họ sợ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo”, ông Liu nói thêm.
Phải tự bảo vệ mình
Ông Liu cũng cho rằng người Mỹ gốc Á lo về các vụ cướp, đặc biệt là sau khi hạt Los Angeles thả hơn 600 tù nhân để giảm nguy cơ dịch bùng phát ở nhà tù.
Ông Liu đã chứng kiến các cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992. Các cuộc bạo loạn này bùng phát vì các sĩ quan cảnh sát đánh đập tàn bạo người Mỹ gốc Phi Rodney King được tha bổng.
Trong cuộc bạo loạn, các cộng đồng người Mỹ gốc Á như cộng đồng ở khu phố Hàn Quốc phải tự bảo vệ mình. Trong 3 ngày đầu tiên của cuộc bạo loạn, cảnh sát không đến khu phố Hàn Quốc và người dân phải đánh đuổi những kẻ cướp bóc bằng súng và gậy bóng chày. Khi cuộc bạo loạn kéo dài một tuần kết thúc, các doanh nghiệp Mỹ gốc Hàn bị thiệt hại nửa tỷ USD.
Ông Liu lo sợ điều đó có thể xảy ra lần nữa.
“Tất cả họ đều không có việc làm. Những người hết lương thực và tiền sẽ làm gì? Điều này rất đáng sợ”, ông nói.
Người đàn ông 54 tuổi này đã dạy ba cô con gái từ 20 đến 28 tuổi của ông bắn súng “ngay khi chúng sẵn sàng học” và bảo họ để một khẩu súng có đạn gần nơi họ ngủ.
Bà Ruby Kim, một nhà tư vấn doanh nghiệp người Mỹ gốc Hàn 48 tuổi, đã cân nhắc mua khẩu súng đầu tiên trong một thời gian “để bảo vệ bản thân và những thứ như động đất”. Và bây giờ có thêm virus corona.
“Khủng hoảng sẽ cho thấy mặt tốt nhất hoặc tệ nhất của con người. Và bạn không biết mặt nào sẽ xuất hiện. Vì vậy, bạn muốn sẵn sàng cho mọi tình huống”, bà Kim nói.
Ông David Chan, 41 tuổi, là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Ông đã mua một khẩu súng ngắn hơn 10 năm trước nhưng hầu như không chạm vào nó. Tuy nhiên, khi virus Covid-19 lan rộng, ông quyết định lấy nó ra và tích trữ đạn dược. Tuy nhiên, điều này gần như không thể do cửa hàng không còn đạn và nhà nước làm mất đăng ký sử dụng súng của ông.
“Cửa hàng súng nói với tôi rất nhiều người đã đến đó”, ông Chan nói. “Nhà nước thậm chí còn không biết tôi có súng nữa, điều này khiến tôi không yên tâm lắm với tư cách là công dân California”.
Ông Chan cũng lo ngại về khả năng quản lý khủng hoảng của chính phủ.
“Họ đã gây ra nhiều hoảng loạn và nền kinh tế thực sự đi xuống rất nhanh”, ông Chan nói. “Điều này đang làm tổn thương rất nhiều người, đặc biệt là những phải dùng hết những gì họ kiếm được. Họ có thể không quay lại làm việc sớm được và điều đó có thể đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng”.
“Và có lẽ tôi thận trọng là vì tôi đã trải qua các cuộc bạo loạn ở Los Angeles. Tuy nhiên, tôi hy vọng điều đó không xảy ra và tôi đã lãng phí tiền để mua tất cả số đạn này”, ông nói với South China Morning Post.