Mỹ đứng trước nguy cơ suy mất vị thế dẫn đầu khoa học toàn cầu
Hơn 1.900 thành viên Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ đồng loạt chỉ trích hành vi kiểm soát tài trợ của chính phủ là 'một cuộc tấn công toàn diện vào sứ mệnh của khoa học.'

Một sinh viên làm việc trong phòng thí nghiệm sinh học tại Đại học Maryland ở College Park. (Nguồn: marylandmatters)
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm dấy lên lo ngại sâu sắc trong giới học thuật và khoa học, khi liên tiếp thực hiện các chính sách được cho là can thiệp sâu vào hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học.
Từ việc cắt giảm hàng tỷ USD tài trợ đến đe dọa giải thể các cơ quan khoa học liên bang, làn sóng thay đổi này đang đặt vị thế dẫn đầu khoa học toàn cầu của Mỹ trước nguy cơ sụp đổ.
Ngay trong 100 ngày đầu tái nhiệm, Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều hành động “chấn động,” trong đó có việc sa thải hàng loạt nhân sự trong các cơ quan nghiên cứu liên bang, cấm sử dụng các thuật ngữ liên quan đến giới tính và biến đổi khí hậu, đồng thời siết chặt kiểm soát các trường đại học thông qua đe dọa tài chính.
Giáo sư Paul Edwards từ Đại học Stanford chia sẻ: “Chưa bao giờ trong hơn 40 năm sự nghiệp tôi chứng kiến điều gì như thế này ở Mỹ.”
Hơn 1.900 thành viên Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo, gọi các hành vi kiểm soát tài trợ là “một cuộc tấn công toàn diện vào sứ mệnh cốt lõi của khoa học: tìm kiếm sự thật.”
Họ kêu gọi chính quyền chấm dứt các hành động gây tổn hại này và huy động công chúng bảo vệ nền tảng tri thức quốc gia.
Theo bà Jennifer Jones, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Dân chủ thuộc Liên minh các Nhà khoa học Quan tâm, chiến dịch hiện nay được thực hiện bài bản và có quy mô lớn hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Bà cho rằng các động thái này phản ánh rõ rệt nội dung của “Dự án 2025” – bản thiết kế chính sách - kêu gọi cải tổ hoặc giải thể những cơ quan như Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) – vốn bị quy là “kích động báo động về khí hậu.”
Sự can thiệp chính trị cũng đang làm suy yếu các thể chế học thuật lâu đời. Đại học Harvard trở thành tâm điểm với việc bị đóng băng tài trợ, bị đe dọa tước quyền miễn thuế và hạn chế tuyển sinh sinh viên quốc tế.
Những biện pháp này được chính quyền biện minh là nhằm chống lại “chủ nghĩa thức tỉnh” và bài Do Thái, song với nhiều chuyên gia, đây là hành động chính trị hóa giáo dục.
Nỗi lo “chảy máu chất xám” cũng đang dần trở thành hiện thực khi nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu rời bỏ Mỹ, trong khi các nước như Pháp đã chuẩn bị sẵn luật để đón nhận “người tị nạn khoa học.”
Giáo sư Daniel Sandweiss thuộc Đại học Maine cảnh báo những động thái này làm dấy lên nguy cơ mất đi cả một thế hệ tài năng trẻ trong tương lai./.