Người Nga tuyển chọn điệp viên tình báo như thế nào?
Nhà tình báo Nga hiện nay không giống nhân vật trong các bộ phim hành động. Và mặc dù nghề này không đánh mất sự lãng mạn, nhưng nó không dành cho những người tìm kiếm danh vọng hay tiền bạc. Đây là công việc chỉ dành cho những người thực sự yêu mến và sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.
Để trả lời câu hỏi các nhà tình báo được tuyển chọn như thế nào, xin trân trọng giới thiệu câu chuyện của cựu sĩ quan tình báo Liên Xô, Đại tá Sergey Smirrnov, về vấn đề này.
Uớc mơ và hiện thực
Sau khi xuất hiện bộ phim Liên Xô “Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân”, hàng nghìn chàng trai mơ ước được như nhân vật điệp viên lừng danh Shtirlitz. Ngay cả hiện nay, số người muốn trở thành nhân viên tình báo cũng rất nhiều.
Một số bạn trẻ cho rằng cuộc đời của các nhân viên tình báo thật đáng mơ ước. Vì công việc, họ thường được đi nước ngoài, sống trong những khách sạn sang trọng, ăn uống miễn phí tại các cuộc gặp gỡ, chiêu đãi khác nhau. Nói tóm lại là đi du lịch bằng tiền nhà nước. Chỉ cần thường xuyên khai thác thông tin tình báo và tuyển mộ được các điệp viên có giá trị.
- Những giấc mơ tuổi trẻ như vậy ít gắn liền với hiện thực khắc nghiệt, - Đại tá Sergey Smirrnov nhận xét. - Sau đây là những yêu cầu của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) đối với các nhân viên của mình.
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác một cách hiệu quả, nhân viên tình báo phải là chuyên gia có trình độ cao về nhiều lĩnh vực: chính sách đối ngoại, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, và thông thạo một số ngoại ngữ. Tất cả điều đó, lúc cần thiết, cho phép anh ta nhanh chóng trở thành chuyên gia về một lĩnh vực cụ thể nào đó có ý nghĩa đối với cơ quan tình báo.
Công việc của một tình báo viên đòi hỏi phải huy động cả sức mạnh trí tuệ và thể chất, sự dẻo dai, khả năng chịu đựng căng thẳng, ý chí và lòng dũng cảm. Các nhân viên của Cơ quan Tình báo Đối ngoại có thể được cử đi công tác tới bất kỳ khu vực nào trên thế giới, nơi xuất hiện nhu cầu đảm bảo lợi ích của Nga. Vì vậy, tất cả những người tham gia hoạt động tình báo phải chuẩn bị làm việc trong những điều kiện khí hậu bất thường, đôi khi khắc nghiệt, ở những nước tình hình chính trị bất ổn hoặc thậm chí trong tình huống khủng hoảng.
Sự lựa chọn khắt khe
Nhưng vào ngành tình báo không hề đơn giản. Ở đấy người ta chỉ nhận những công dân Nga từ 22 đến 30 tuổi. Trong số các trường tình báo ở Nga, chỉ Học viện của Cục An ninh Liên bang (FSB) nhận đào tạo học sinh tốt nghiệp phổ thông thành các nhân viên phản gián. Còn Học viện Tình báo Đối ngoại (AVR) chỉ tuyển những người đã có trình độ đại học.
Không có gì bí mật là các nhân viên tình báo tương lai được tuyển chọn sau năm thứ nhất của các trường đại học dân sự. Tiếp theo, các ứng viên tiềm năng được tìm hiểu kỹ lưỡng từ ba đến bốn năm. Những người quá thích phiêu lưu, mạo hiểm hoặc là thành viên của các tổ chức thanh niên cấp tiến hay tôn giáo sẽ bị loại bỏ ngay lập tức. Sổ điểm của sinh viên được xem xét rất cẩn thận. Vì lý do nào đó, người ta cho rằng những sinh viên học kém không có chỗ trong ngành tình báo Nga.
Ngoài chỉ số thông minh cao, nhân viên tình báo nhất định phải có sức khỏe tốt. Những người xin vào làm việc tại Cơ quan Tình báo đối ngoại được kiểm tra sức khỏe gần như tuyển phi công vũ trụ. Và mặc dù chính các bác sĩ nói rằng hiện nay không có những người tuyệt đối khỏe mạnh, yêu cầu về sức khỏe của các nhân viên tình báo ngày càng cao.
Tuy nhiên, nhờ sự lựa chọn nghiêm ngặt và, có lẽ, sự chăm sóc y tế vào loại tốt nhất nước, các nhân viên tình báo Liên Xô thường sống và làm việc rất lâu. Chẳng hạn, nhà tình báo cao tuổi nhất nước Nga, Boris Gudz, qua đời ở tuổi 105. Hay cặp đôi nhân viên tình báo nổi tiếng - Mikhail và Elizaveta Mukasey cũng sống rất thọ...
Không lâu trước khi chiến tranh xảy ra, Phó lãnh sự Liên Xô tại Hoa Kỳ Mikhail Mukasey đã phải tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng đương thời - nhà văn Anh Theodore Dreiser, nhà sản xuất phim Walt Disney, Vua hề Charlie Chaplin... Ông được trao tặng nhiều phần thưởng nhà nước và sống đến 101 tuổi. Bà Elizaveta kém chồng 5 tuổi và cũng sống gần 100 tuổi.
Rào cản khó khăn nhất là sự lựa chọn về mặt chuyên môn và tâm lý mà các nhà tình báo tương lai bắt buộc phải vượt qua. Ở đây người ta đánh giá trình độ phát triển trí tuệ, đặc điểm tâm lý, khả năng tư duy nhạy bén, kỹ năng giao tiếp, sự ổn định về tâm thần và các phẩm chất nghề nghiệp khác quan trọng đối với công việc. Trong quá trình kiểm tra, người ta không chỉ sử dụng máy phát hiện nói dối mà còn hàng chục dụng cụ và phương pháp khoa học khác.
Đối với công dân vào ngành tình báo, người ta thực hiện các biện pháp kiểm tra liên quan đến việc tiếp cận các thông tin mang tính chất bí mật quốc gia được pháp luật bảo vệ. Và ở đây tất cả những người họ hàng gần gũi của anh ta “bị soi” đến tận thế hệ thứ bảy. Bởi nhân viên của Cơ quan Tình báo Đối ngoại không được phép có người thân sống ở nước ngoài hoặc bị phát hiện sử dụng chất gây nghiện hay các chất kích thích thần kinh khác.
- Tiếc rằng, rất hiếm khi các cô gái được tuyển chọn vào ngành tình báo ở các vị trí tác chiến, - Đại tá Sergey Smirnov nói. - Điều này đã được ghi nhận trong tài liệu chính thức.
Việc tuyển phụ nữ tham gia nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng tại Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga ở các vị trí tác chiến bị hạn chế bởi tính chất đặc thù của các nhiệm vụ vốn đòi hỏi lao động thể chất, tâm lý, cảm xúc cường độ cao. Theo quy định, tại Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, các nữ quân nhân chủ yếu đảm nhiệm các công việc văn phòng và hoạt động hành chính - sự nghiệp.
Tuy nhiên, quy định nào cũng có ngoại lệ của nó. Ví dụ, Thiếu tướng tình báo Liên Xô Yury Drozdov viết về một trường hợp như sau.
“Một lần ở Rostov, một cô gái 16 tuổi đến trụ sở chi nhánh KGB và nói muốn làm việc trong ngành tình báo. Cục trưởng hỏi: “Bạn đã tốt nghiệp phổ thông chưa? Bạn có biết ngoại ngữ không? - "Không". - “Vậy thì trước tiên hãy tốt nghiệp đại học, học ngoại ngữ rồi mới đến đây”.
Cô gái hỏi: “Vậy tôi nên học ngoại ngữ nào?”
Cục trưởng đáp: "Bất cứ ngoại ngữ nào bạn thích!".
Mấy năm sau, cô gái lại đến gặp Cục trưởng: “Ông còn nhớ tôi không? Tôi đã tốt nghiệp đại học, tôi biết ngoại ngữ..." - và nhắc lại yêu cầu của mình...
Một cô gái thật kiên nhẫn! Chúng tôi đã nhận cô. Đưa đi đào tạo, giúp cô kết hôn với một nhân viên tốt của chúng tôi. Hiện nay họ trở thành vợ chồng và cùng hoạt động tình báo ở nước ngoài.
Trong cuốn sách “Từ ngôi thứ nhất. Những cuộc trò chuyện với Vladimir Putin", Tổng thống Nga kể về việc ông xin vào làm việc ở ngành tình báo như sau:
“Còn nhớ, đâu đó vào khoảng đầu năm lớp 9, tôi đến phòng tiếp dân của chi nhánh Cục An ninh Quốc gia Liên Xô tại địa phương. Một bác nào đó ra gặp tôi. Thật kỳ lạ, bác ấy chăm chú lắng nghe tôi. “Cháu muốn, - tôi nói, - làm việc ở cơ quan bác” - “Rất hân hạnh, nhưng có một số vấn đề” - “Vấn đề gì ạ?”- “Trước hết, - bác ấy nói, “chúng tôi không tiếp nhận những người chủ động đến xin việc. Thứ hai, bạn chỉ có thể đến với chúng tôi sau khi giải ngũ hoặc tốt nghiệp một trường đại học dân sự nào đó”. Tôi hỏi: “Trường đại học nào ạ?”. Bác ấy nói: "Bất cứ trường nào!". Có vẻ như bác ta muốn chấm dứt câu chuyện ở đây. Tôi hỏi: "Trường nào thích hợp hơn ạ?" - "Trường luật!" - "Vâng, cháu hiểu".
- KGB định từ chối cậu bé, - nhà tình báo già bình luận về mẩu chuyện trên. - Quả thật, chúng ta thực sự cảnh giác với những người chủ động đến xin việc. Nhưng nước chảy đá mòn. Hiện nay sự kiên nhẫn được hoan nghênh. Thiếu nó, bạn sẽ không vượt qua được sự lựa chọn hết sức khắt khe.
Các điệp viên tương lai học ở đâu?
Theo Đại tá Sergey Smirnov, điều quan trọng nhất đối với một nhân viên tình báo thực thụ là được đào tạo tốt về chuyên môn. Do đó, ứng viên tham gia nghĩa vụ quân sự tại Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga ở các vị trí tác chiến phải trải qua một khóa đào tạo chuyên môn bắt buộc tại Học viện Tình báo Đối ngoại trong thời gian từ một đến ba năm, khối lượng nội dung và định hướng của khóa học, kể cả việc lựa chọn học ngoại ngữ đều do ban lãnh đạo của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga xác định. Việc kiểm tra trình độ đào tạo cơ bản của các ứng viên và xác định năng lực của họ để nhận vào học được một ủy ban của Học viện thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm nay đến tháng 6 năm sau.
-Tôi có thể kể nhiều về ngôi trường cũ của mình, - Đại tá Smirnov nói. - Nhưng chỉ xin nêu tóm tắt những điểm quan trọng nhất trong lịch sử vẻ vang của nó.
Học viện Tình báo Đối ngoại được thành lập năm 1938 như một Trường Đặc nhiệm (SHON). Năm 1943, SHON được đổi tên thành Trường Tình báo (RASH) thuộc Tổng cục 1 của Bộ Dân ủy An ninh Quốc gia Liên Xô. Từ tháng 9/1948, RASH được đổi tên thành Trường Tình báo Cao cấp (VRSH). Trong giao dịch thư tín thuộc hệ thống KGB và trong cuộc sống hàng ngày, nó còn được gọi là Trường 101. Ngày 19/12/1967, Trường Tình báo Cao cấp được trao tặng Huân chương Cờ đỏ vì những đóng góp của các sinh viên tốt nghiệp vào việc đảm bảo an ninh quốc gia. Và một năm sau, Trường Tình báo Cao cấp được cải tổ thành Trường Đại học Cờ đỏ thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học. Sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yury Andropov qua đời, Trường Đại học Cờ đỏ được mang tên ông. Cuối năm 1994, trường đổi tên thành Học viện Tình báo Đối ngoại.
Học viện Tình báo Đối ngoại là trường đại học chuyên ngành, thực hiện việc đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho các sĩ quan của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga và các cơ quan tình báo khác.
Các cá nhân, công dân Nga dưới 30 tuổi đã tốt nghiệp đại học, có sức khỏe tốt, có năng khiếu học ngoại ngữ và có đủ trình độ giáo dục, chính trị, khoa học-kỹ thuật và văn hóa phổ thông đều được nhận vào học tại Học viện theo giấy giới thiệu của các đơn vị thuộc Cơ quan Tình báo đối ngoại.