Người nghệ sĩ nhân dân một đời đau đáu với múa cổ Thăng Long nghìn năm văn hiến

Năm nay đã 87 tuổi, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Ngọc Canh bộc bạch rằng, ông cảm thấy mình còn nhiều năng lượng để cống hiến. Trong khi ở độ tuổi của ông, nhiều người đã toàn tâm toàn ý nghỉ ngơi thì người nghệ sĩ của nhân dân ấy vẫn còn đau đáu với những đề án về Hà Nội, đặc biệt là những đề án liên quan tới múa cổ Thăng Long - Hà Nội.

Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh

Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh

Không dừng bước trước bệnh tật vì các điệu múa cổ Thăng Long

Năm ngoài 70 tuổi, NSND Lê Ngọc Canh không một chút e dè nhận ngay vai trò Chủ nhiệm của dự án kéo dài tới 15 năm mang tên: “Sưu tầm phát huy múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”. Công trình hao sức lực và tốn thời gian này đã phát hiện, sưu tầm trên 150 điệu múa cổ của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Đặc biệt, các thành viên tham gia dự án đều là các nghệ sĩ múa cao tuổi nhưng tràn đầy nhiệt huyết với nghề. Những chuyến đi điền dã về các vùng sâu, vùng xa, các vùng ngoại thành của Hà Nội khiến cho không ít các thành viên gặp phải mưa rét và cả đói. Tuy nhiên, không một ai cảm thấy nề hà với trọng trách mình được giao. Có những chuyến đi kéo dài tới tận ngày 29 Tết với lòng mong ngóng trở về đoàn tụ bên gia đình đã trở thành những kỷ niệm khó quên với các nghệ sĩ gạo cội của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội.

NSND Lê Ngọc Canh chia sẻ, vốn là một người con của làng Đa Sĩ, Hà Đông, ông thấy mình cần phải làm gì đó cho Hà Nội. Dù tuổi cao, sức khỏe có đi xuống nhưng ông tích cực đề xuất với Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội xây dựng Đề án “Phục hồi, phát huy múa cổ Thăng Long”. Và thật may khi Đề án đã nhận được sự ủng hộ và đồng ý của những người đứng đầu Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội.

Đặc biệt, thời điểm làm Chủ nhiệm dự án dài hơi này, NSND Lê Ngọc Canh đã phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 1. Ông lạc quan đón nhận căn bệnh và hồ hởi bắt tay vào thực hiện cùng các nghệ sĩ ở tuổi xưa nay hiếm. Ông bảo, bệnh tật là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời mỗi con người. Việc gì đến sẽ đến nên ông sẽ không dừng bước trước bệnh tật mà hàng ngày, hàng tháng cùng các thành viên đi điền dã, sưu tầm các điệu múa cổ Thăng Long.

Theo NSND Lê Ngọc Canh, muốn hoàn thành công việc này cần phải hiểu về lịch sử Hà Nội, phải đi nhiều, đọc nhiều chứ không thể ngồi nhà hay đưa ra kết quả chung chung. Với sự giúp đỡ của Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội và sự quyết tâm của các thành viên, dự án đã thành công ngoài mong đợi với trên 150 điệu múa được sưu tầm, ra mắt cuốn sách “Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” và đĩa DVD “8 điệu múa cổ truyền” và tổ chức một số hội thảo về múa cổ Thăng Long - Hà Nội, đồng thời giới thiệu 6 chương trình về múa cổ Thăng Long - Hà Nội trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện dự án này, NSND Lê Ngọc Canh nhận thấy, múa cổ Thăng Long còn tồn tại đến ngày nay là nhờ hội làng. Hội làng chính là mảnh đất để múa cổ Thăng Long bám rễ và trường tồn theo thời gian. Và ông tin, múa cổ Thăng Long sẽ không bao giờ mất đi với tâm thức của người Việt luôn hướng về làng. Ngay với những làng đã bị đô thị hóa biến đổi, làm thay đổi hẳn cảnh quan với những tòa cao ốc sừng sững mọc lên vẫn tồn tại hội làng. Chính vì thế, NSND Lê Ngọc Canh lạc quan với tương lai của múa cổ Thăng Long.

Kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh đồng tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000

Kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh đồng tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000

Đến, trưởng thành với ngành múa tự nhiên như của trời đất trao cho

Cũng trong quá trình điền dã, ông và các cộng sự còn nhận ra những nét riêng biệt khó trộn lẫn so với các vùng miền khác. Và nhắc đến Hà Nội là nhắc đến điệu múa đó như “Con đĩ đánh bồng”; Múa Giảo Long của làng Lệ Mật; Múa làng Phù Đổng… Trong đó, điệu múa Con đĩ đánh bồng thể hiện cho sự lạc quan, gắn bó với hội làng. Múa Giảo Long thể hiện cho sự trừ ác, hướng thiện. Dự án “Sưu tầm phát huy múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” đã đoạt Giải A Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

Ở cái tuổi 87, NSND Lê Ngọc Canh còn muốn cống hiến cho nền múa Việt Nam với các công trình nghiên cứu dài hơi và mang nhiều ý nghĩa. Hiện nay, ông tiếp tục được Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tín nhiệm và giao trọng trách Chủ nhiệm Đề tài “Múa trong hội làng Thăng Long - Hà Nội”. Dự án dự kiến sẽ kéo dài trong 5 năm. NSND Lê Ngọc Canh chia sẻ, ông hào hứng và say sưa với công việc này.

Dù tuổi cao nhưng ông tự tin ở sức khỏe của mình với trí tuệ minh mẫn, chịu khó tập luyện thể dục thể thao. Ở độ tuổi này, ông không cảm thấy ngại khi ngồi vào bàn viết sách. Chính vì thế, bên cạnh dự án này, hiện nay ông đang bắt tay vào thực hiện cuốn “Bách khoa toàn thư Việt Nam” và tập chuyên ngành “Âm nhạc và múa” có sự hợp tác cùng tác giả Lê Văn Toàn.

NSND Lê Ngọc Canh vinh dự được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2011 với công trình về lý luận. Năm 2017, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và trở thành 1 trong 3 nghệ sĩ của ngành múa chạm tay tới giải thưởng danh giá này. Là một trong những nghệ sĩ gạo cội của ngành múa với bề dày thành tích rất đáng nể như 9 công trình khoa học nghệ thuật cấp Bộ Nhà nước, thành phố Hà Nội; 17 Huy chương Vàng tại các hội diễn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng, 3 Huy chương Vàng cho biên đạo, đạo diễn xuất sắc, 6 giải A của Hội chuyên ngành múa Trung ương…

Điều đặc biệt hơn đó là NSND Lê Ngọc Canh đi lên từ một người lính tham gia vào cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946 trong vai trò là một chú bé liên lạc truyền tin, góp chiến công cùng Đại đội 14, Tiểu đoàn 103, Trung đoàn Thủ đô. Năm đó, NSND Lê Ngọc Canh 12 tuổi.

Múa “Cảm xúc ca trù” - biên đạo, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh

Múa “Cảm xúc ca trù” - biên đạo, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh

Sau khi rút lên chiến khu Việt Bắc, với thân hình nhỏ nhắn, Lê Ngọc Canh đã được tuyển chọn vào đội múa. Dù chưa được học múa bao giờ nhưng ông đã bắt nhịp rất nhanh. Lê Ngọc Canh chia sẻ, ông đã đến với múa tự nhiên như của trời, của đất trao cho mình. Rồi sau đó, ông tự mày mò, học hỏi thêm từ các anh chị đi trước để củng cố kiến thức. Năm 1968, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Trở về nước, ông đã áp dụng các kiến thức được học để dựng các vở múa dân tộc có đề tài về lực lượng vũ trang. Nói theo cách của ông thì đó là “học Tây nhưng áp dụng cho ta”.

Sau thời gian lăn lộn với nghề trong vai trò của một biên đạo múa, NSND Lê Ngọc Canh đã chuyển sang nghiên cứu lý luận. Với những công trình đã ra mắt, giới trong nghề đều mặc định Lê Ngọc Canh là nhà nghiên cứu hơn là biên đạo múa. Tới thời điểm hiện tại, ông đã cho ra mắt bạn đọc 21 cuốn sách nghệ thuật, trong đó chủ yếu là sách về nghệ thuật múa. Ông đang là người nắm giữ kỷ lục của ngành múa Việt Nam với tư cách là người viết sách nhiều nhất.

Năm 2014, ở tuổi 81, NSND Lê Ngọc Canh lập kỷ lục khi trở thành Giáo sư đầu tiên của nghệ thuật múa Việt Nam. Càng ngày ông càng say mê nghiên cứu lý luận, ông có thể ngồi viết cả tuần không thấy mệt mỏi mà trái lại cảm thấy cuốn hút, say sưa. Đây cũng chính là mạch nguồn khiến ông muốn cống hiến nhiều hơn cho ngành múa và cho Thủ đô Hà Nội.

Với những đóng góp cho Hà Nội, ông đã được đề cử Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-nghe-si-nhan-dan-mot-doi-dau-dau-voi-mua-co-thang-long-nghin-nam-van-hien-post445538.antd