Người nghèo Hàn Quốc không còn tin vào cơ hội đổi đời

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc khiến nhiều người trẻ xứ kim chi cảm thấy bi quan về cơ hội đổi đời và công bằng xã hội.

Kể từ khi nhậm chức vào 2017, Tổng thống Moon Jae-in hứa hẹn trong bài phát biểu đầu năm mới về việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đồng thời tạo ra cơ hội để các hộ gia đình có thu nhập thấp tiến lên nấc thang dịch chuyển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, khoảng cách này được nới rộng đáng kể vì chính phủ không thể kiềm chế giá nhà ở tăng cao, theo The Korea Times.

Khi kết hôn vào 5 năm trước, Ahn, nhân viên ngân hàng ở Seoul, mua căn hộ ở quận Yongsan với giá chưa đến 900 triệu won (772.000 USD). Anh dốc hết tiền tiết kiệm và vay thế chấp, trong khi bố mẹ hai bên tài trợ phần còn lại. Căn hộ hiện được định giá khoảng 2 tỷ won và cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi tích lũy được khối tài sản khá lớn.

 Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lộ rõ ở Hàn Quốc do giá nhà ở tăng cao. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lộ rõ ở Hàn Quốc do giá nhà ở tăng cao. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Trái lại, Han, chủ cửa hàng sửa chữa nhỏ ở thành phố Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, sống trong căn hộ cho thuê với bố mẹ. Gia đình họ chưa có nhà riêng và tài sản không tăng nhiều trong vài năm qua. Giờ đã ngoài 40 tuổi, Han hy vọng mua căn hộ mới với 100 triệu won trong tài khoản tiết kiệm cùng với số tiền bố mẹ dành dụm được. Tuy nhiên, con số này không đủ.

Kim Jin-bang, giáo sư kinh tế tại Đại học Inha, cho biết: “Khoảng cách giữa người có tài sản và không có tài sản đã tăng lên đáng kể. Khoảng cách giữa những người có tài sản, tùy thuộc vào nơi họ sở hữu tài sản, cũng ngày càng gia tăng”.

Ông nói thêm: “Trước đây, người ta có thể tích lũy tài sản bằng cách tiết kiệm thu nhập. Nhưng giờ đây, hầu như không thể bù đắp được khoảng thiếu hụt đó thông qua thu nhập kiếm được hoặc tiết kiệm”.

Bi quan về tương lai

Theo Ngân hàng KB Kookmin, tỷ lệ giá trên thu nhập (PIR) ở Seoul tăng lên 17,4 trong quý đầu tiên của năm nay từ mức 13,9 của 2020. Con số này có nghĩa một người cần tiết kiệm toàn bộ tiền lương trong 17,4 năm để mua được nhà ở Seoul.

Trong một báo cáo được đệ trình lên Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế, Nhân văn và Khoa học Xã hội của Thủ tướng, các tổ chức tư vấn nhà nước xác định chính sách bất động sản của chính phủ là thất bại. Họ chỉ ra rằng nó khiến công chúng mất niềm tin khi giá nhà ở tăng chóng mặt, bất chấp hàng chục chính sách được chính phủ công bố nhằm bình ổn thị trường bất động sản.

 Người trẻ Hàn bi quan về khả năng họ có thể đổi đời trong tương lai. Ảnh: Julie Yoon/BBC.

Người trẻ Hàn bi quan về khả năng họ có thể đổi đời trong tương lai. Ảnh: Julie Yoon/BBC.

Tình trạng kinh tế xã hội của một người hiện được xác định bởi số lượng bất động sản họ có, hơn là số tiền kiếm được. Các số liệu thống kê cho thấy việc leo lên bậc thang kinh tế xã hội ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Theo báo cáo của LAB2050, tổ chức tư vấn tư nhân, những hộ gia đình nằm trong nhóm 2% giàu nhất sở hữu bất động sản trị giá trung bình 3,08 tỷ won (2,63 triệu USD) tính đến tháng 3/2020. Trong số này, 80% là hộ gia đình sống ở thủ đô Seoul. Ở dưới cùng, 30% hộ gia đình không sở hữu bất động sản nào.

2% giàu nhất có giá trị tài sản bất động sản tăng 555 triệu won trong 3 năm qua nhờ giá nhà đất tăng chóng mặt. Trong khi đó, từ năm 2017 đến 2020, những người nằm trong nhóm 30% nghèo nhất chứng kiến tài sản bất động sản trung bình của họ giảm từ 9 triệu won xuống 0.

Có những giai đoạn trước đây giá nhà đất tăng mạnh, nhưng lần này, nhiều người cảm thấy cơ hội leo lên nấc thang kinh tế xã hội không những giảm đi mà còn hoàn toàn biến mất.

Nhiều người trẻ bi quan về cơ hội đổi đời trong tương lai. Trong số 1.000 người ở độ tuổi 20-39 được Viện Seoul khảo sát, chỉ 24,8% có suy nghĩ tích cực khi được hỏi liệu họ có mong tình trạng kinh tế xã hội được cải thiện nếu nỗ lực hay không.

Ngoài ra, 87,2% nói rằng Hàn Quốc trở nên bất bình đẳng về kinh tế xã hội trong 10 năm qua. 86,9% dự đoán tình trạng bất bình đẳng này thậm chí còn tồi tệ hơn trong 10 năm tới.

 Một người cần tiết kiệm toàn bộ tiền lương trong 17,4 năm để mua được nhà ở Seoul. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Một người cần tiết kiệm toàn bộ tiền lương trong 17,4 năm để mua được nhà ở Seoul. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ đầu

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng mọi người nhìn nhận sự bất bình đẳng về tài sản khác với sự chênh lệch về thu nhập kiếm được.

“Khi cơ hội bình đẳng được đảm bảo, khoảng cách về thu nhập kiếm được thường được xã hội chấp nhận”, Lee Jin-hee, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, lưu ý trong một báo cáo.

Bà nói thêm: “Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản, sự bất bình đẳng có thể khuếch đại thông qua đầu cơ, trên hết là thừa kế. Những người không có tài sản thậm chí không có cơ hội tham gia trò chơi, rất khó để họ chấp nhận sự bất bình đẳng này ngay từ đầu”.

Giáo sư Kim Jin-bang cho rằng sự bất bình đẳng về tài sản ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Trong khi đó, sự bất bình đẳng về thu nhập kiếm được ở khía cạnh nào đấy có thể tác động tích cực.

“Thay vì cố gắng cải thiện lợi ích kinh tế thông qua nỗ lực tăng thu nhập kiếm được, mọi người sẽ chỉ tập trung vào các cách kiếm thu nhập cho thuê thông qua đầu cơ bất động sản, kỳ vọng giá tài sản sẽ tăng. Tình trạng này sẽ kéo năng suất kinh tế đi xuống”, ông nhận định.

 Người không có tài sản phải chịu sự bất bình đẳng ngay từ đầu. Ảnh: CJ E&M

Người không có tài sản phải chịu sự bất bình đẳng ngay từ đầu. Ảnh: CJ E&M

Lee Won-jae, Giám đốc điều hành của Lab2050, lưu ý rằng chênh lệch về giá tài sản bất động sản có thể dẫn đến sự cách biệt trong việc giáo dục con cái. Nhóm 2% giàu nhất kiếm được trung bình 20,35 triệu won thu nhập cho thuê mỗi năm, có nghĩa là họ có thể chi nhiều tiền hơn cho việc học của con cái. Trên thực tế, họ chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn gấp 4 lần so với những người ở nhóm 30% nghèo nhất.

“Hầu hết người trong nhóm bất động sản hàng đầu đều có trình độ học vấn cao. Họ đang tăng tỷ lệ nắm giữ bất động sản nhanh hơn những người khác và đang đầu tư nhiều hơn vào việc học hành của con cái. Nói cách khác, cả bất động sản và giáo dục đều được thừa hưởng. Tình trạng này đặc biệt đúng với những người ở độ tuổi 40-50”, ông chỉ ra.

Lee nói rằng người Hàn Quốc từng có niềm tin rằng mọi người đều có thể kiếm được thu nhập và mua nhà trong điều kiện như nhau.

“Khả năng tiến lên nấc thang kinh tế xã hội thông qua tiết kiệm và mua nhà từng là nguồn động lực mạnh mẽ cho các cá nhân. Do đó, nó trở thành động lực phát triển kinh tế”, ông cho biết.

Lee nói thêm: “Việc mua bất động sản, vốn từng là phương tiện để leo lên bậc thang kinh tế xã hội, giờ đây chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp và khiến nó trở nên rất khó thay đổi”.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-ngheo-han-quoc-khong-con-tin-vao-co-hoi-doi-doi-post1261257.html