Người nhận tài sản vi phạm điều kiện tặng cho, có đòi lại tài sản được không?

*Bạn đọc hỏi: ông Hồng Sơn, ở H.Phú Ninh (Quảng Nam), hỏi: Vợ chồng tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, có 1 người con trai và 2 người con gái. Vợ chồng tôi có ngôi nhà được xây dựng trên thửa đất có diện tích 200m2 đã được cấp sổ đỏ vào năm 2009. Tháng 11-2020, vợ chồng tôi lập hợp đồng tặng cho nhà đất này cho con trai tại văn phòng công chứng ở địa phương. Một tháng sau đó, vì sợ con trai không chăm lo cho cha mẹ và thờ cúng ông bà nên vợ chồng tôi lập một văn bản thỏa thuận riêng có sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương với nội dung vợ chồng tôi cho nhà và đất trên cho con trai với điều kiện 'không được bán nhà và đất cho đến khi chúng tôi qua đời' (điều kiện này không ghi rõ trong hợp đồng tặng cho mà chỉ ghi trong văn bản thỏa thuận). Sau đó, vì cần tiền tiêu xài nên con trai tôi đã bán nhà và đất trên cho người hàng xóm. Chúng tôi được biết, hiện tại nhà và đất đã sang tên cho người hàng xóm. Cho tôi hỏi: điều kiện tặng cho tài sản mà vợ chồng tôi đưa ra trong văn bản thỏa thuận có đúng quy định pháp luật không? Chúng tôi có quyền đòi lại nhà và đất đã tặng cho con trai tôi không? Tôi cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Luật sư Ngô Văn Bình

Luật sư Ngô Văn Bình

*Luật sư Ngô Văn Bình - Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phong & Partners tại Liên Chiểu, trả lời:

Với văn hóa Á Đông, ở Việt Nam, cha mẹ thường để lại cho con tất cả tài sản của mình mà không tiếc gì. Tuy nhiên, thực tế có những người con chưa làm tròn bổn phận và đạo hiếu nên không ít cha mẹ cảm thấy băn khoăn, lo lắng khi cho con tài sản. Do đó mới phát sinh các trường hợp cha mẹ cho con tài sản kèm theo điều kiện. Vậy khi người con vi phạm điều kiện tặng cho thì cha mẹ có quyền đòi lại tài sản hay không?

1. Điều kiện tặng cho mà vợ chồng ông Sơn đưa ra có đúng quy định pháp luật không?

Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận". Đồng thời, theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Như nội dung Chú trình bày, vợ chồng Chú lập hợp đồng tặng cho nhà và đất cho con trai được chứng thực tại Văn phòng công chứng ở địa phương, việc này đã đáp ứng điều kiện theo các quy định nêu trên, do đó, hợp đồng tặng cho giữa vợ chồng Chú và con trai Chú là đảm bảo điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau: “1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Đồng thời, theo nội dung của Án lệ số 14/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14/12/2017 thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp thì Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.

Theo đó, pháp luật cho phép cá nhân có quyền tặng cho tài sản có điều kiện, tuy nhiên điều kiện tặng cho phải không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Mặc dù vợ chồng ông Sơn lập hợp đồng tặng cho nhà và đất không ghi rõ điều kiện nhưng sau đó vợ chồng ông đã lập một văn bản thỏa thuận riêng có sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương về điều kiện “người con trai không được bán nhà và đất cho đến khi vợ chồng ông qua đời”. Điều kiện tặng cho này hoàn toàn không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và theo nội dung của Án lệ số 14/2017/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp này, điều kiện tặng cho mà vợ chồng ông đưa ra sẽ được công nhận.

Như vậy, điều kiện tặng cho mà vợ chồng ông Sơn đưa ra là người con trai không được bán nhà và đất cho đến khi vợ chồng ông qua đời là đúng quy định pháp luật, người con phải tuân thủ theo điều kiện đã thỏa thuận với vợ chồng ông, không được bán nhà và đất cho người khác trước khi vợ chồng ông qua đời.

2. Vợ chồng ông Sơn có quyền đòi lại nhà và đất đã tặng cho con trai không?

Như đã phân tích ở trên, hợp đồng tặng cho đã xác lập là trường hợp tặng cho có điều kiện, con trai ông chỉ được nhận tài sản khi và chỉ khi tuân thủ điều kiện tặng cho. Con trai ông chỉ được quyền chuyển quyền sở hữu cho người khác sau khi vợ chồng ông qua đời. Tuy nhiên, theo ông trình bày, sau khi đã hoàn tất thủ tục sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, con trai ông đã chuyển nhượng nhà và đất cho người hàng xóm. Điều này chứng tỏ con trai ông đã vi phạm điều kiện tặng cho mà trước đó hai bên đã thỏa thuận. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, vợ chồng ông có quyền đòi lại tài sản từ con trai ông.

Mặc dù con trai ông và người hàng xóm đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng và đã thực hiện thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng việc sang tên này có thể bị hủy bỏ vì hợp đồng chuyển nhượng giữa con trai ông và người hàng xóm vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.

Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Lúc này, vợ chồng ông hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản đã tặng cho người con trai. Ngoài ra, vợ chồng ông cần cân nhắc việc con trai ông đã chuyển nhượng nhà và đất cho người hàng xóm, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người hàng xóm. Theo đó, con trai ông phải hoàn trả số tiền chuyển nhượng đã nhận và có thể sẽ phải bồi thường một khoản tiền tương ứng cho người hàng xóm tùy vào yêu cầu của người hàng xóm và thiệt hại thực tế phát sinh.

3. Vợ chồng ông Sơn cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Trước hết, vợ chồng ông nên trao đổi, giải thích để người con hiểu ra vấn đề và tự nguyện thương lượng, giải quyết với người hàng xóm để giảm thiểu thiệt hại cho các bên, giữ gìn quan hệ gia đình và quan hệ hàng xóm láng giềng. Trường hợp người con vẫn cố chấp và không chịu giải quyết, vợ chồng ông có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân H.Phú Ninh để đòi lại tài sản từ người con trai. Theo đó, vợ chồng ông phải chứng minh được điều kiện tặng cho của mình với con trai là có hiệu lực và yêu cầu người con trai trả lại tài sản, đồng thời, vợ chồng ông yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất giữa con trai và người hàng xóm là vô hiệu. Vợ chồng ông cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ, văn bản liên quan như hợp đồng tặng cho giữa vợ chồng ông và con trai ông, văn bản thỏa thuận và người làm chứng chứng minh có điều kiện tặng cho…

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-nhan-tai-san-vi-pham-dieu-kien-tang-cho-co-doi-lai-tai-san-duoc-khong-post280626.html