Người nhập cư trái phép vào Anh sẽ đi về đâu?
Ngày 23/4, bất chấp những tranh cãi và phản đối cứng rắn từ một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ, Nghị viện Anh đã bỏ phiếu phê chuẩn Dự luật về di cư (gọi tắt là Dự luật Rwanda) cho phép đưa người nhập cư trái phép vào nước này tới Rwanda trong thời gian chờ xem xét đơn xin nhập cư.
Đây được xem là bước tiến pháp lý quan trọng của Chính phủ Anh trong nỗ lực ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vấn đề vượt biên trái phép vào Anh. Tương lai nào đang chờ đợi những người nhập cư ở phía trước và liệu Rwanda có phải là thiên đường?
Những chuyến đi không hẹn ngày về
Viễn cảnh tương lai tươi sáng đã thúc giục hàng nghìn người cố gắng vượt biên trái phép vào Anh mỗi năm. Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) đã chỉ ra, năm 2014 Anh chỉ đứng thứ 6 trong số những quốc gia mà những người nhập cư bất hợp pháp muốn xin tị nạn, xếp sau Đức, Thụy Điển, Ý, Pháp và Hungary. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng ổn định 2,6%, cùng với tỉ lệ thất nghiệp giảm một nửa so với Pháp và sự thiếu hụt lao động có tay nghề trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Anh trở thành miền "đất hứa" đối với người nhập cư bất hợp pháp những năm gần đây, khi họ dễ có cơ hội tìm kiếm được việc làm và bảo trợ từ những người thân đã định cư từ trước.
Tính đến tháng 6/2023, có khoảng 672.000 người di cư đến Anh theo số liệu công bố của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (OSN). Những người nhập cư trái phép phần lớn đến từ các quốc gia kém phát triển, nghèo đói hoặc đang phải gánh chịu hậu quả từ các cuộc chiến tranh, bạo lực xung đột kéo dài ở khắp nơi trên thế giới, xuất phát chủ yếu từ khu vực Trung Đông, châu Phi, một số nước châu Á...
Để vượt biên vào Anh, những người di cư phải chấp nhận trả một khoản tiền vài ngàn USD cho các đối tượng môi giới, buôn người hoặc các băng đảng tội phạm có tổ chức với lời hứa hẹn giúp họ vượt biên thành công hoặc giúp tìm kiếm chỗ ở và việc làm có mức lương cao. Nhiều người trong số họ phải vay nợ để có tiền chi trả cho chuyến đi và chấp nhận trở thành "nô lệ" với mức tiền lương ít ỏi hoặc bị bóc lột sức lao động quá mức. Những người này sẽ được hướng dẫn xâm nhập vào nước thứ 3 ở châu Âu bằng cách vượt biên hoặc thông qua danh nghĩa khác nhau như xin tị nạn, đi học tập, du lịch ngắn hạn... để trốn ở lại, sau đó tìm cách vượt biên vào Anh thông qua eo biển Manche từ Pháp trên những chiếc thuyền nhỏ.
Theo Bộ Nội vụ Anh, chỉ trong ba tháng đầu năm 2024 đã có 5.435 người vượt biên theo tuyến đường biển nêu trên vào Anh, cao hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 1/5 so với tổng số người vượt biên vào Anh trong Quý I/2022, năm có số người vượt biên cao nhất vào Anh. Tình trạng thuyền bè chở người di cư bị lật ở vùng biển này thường xuyên xảy ra và làm thiệt mạng, mất tích hàng trăm người tị nạn mỗi năm.
Một số người nhập cư khác lựa chọn đường bộ để di cư vào Anh bằng cách lợi dụng các quy định về tự do đi lại giữa các nước Liên minh châu Âu, các đối tượng tổ chức cho những người tị nạn trốn vào các thùng xe tải, xe đông lạnh, container được niêm phong kín để vượt qua các trạm kiểm soát biên giới, nhiều người trong số họ đã bị thiệt mạng do thiếu oxy và phải chịu đói, rét trong quá trình di chuyển. Năm 2019, giới chức Anh công bố phát hiện 39 thi thể người Việt Nam trong một container đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex, Đông Bắc London khi đang cố gắng nhập cảnh vào Anh trái phép.
Chỉ một số ít những người nhập cư may mắn vượt biên vào Anh thành công, tuy nhiên họ phải đối mặt với rủi ro có thể bị bắt giam và trục xuất bất cứ khi nào trong các chiến dịch truy quét của chính phủ, nhiều người bị mua chuộc và ép phải tham gia vào đường dây tội phạm liên quan hoạt động buôn bán người, lừa đảo, trồng cây cần sa trong các trang trại bí mật... hoặc làm việc trong điều kiện khó khăn với mức lương rẻ mạt, thấp hơn mức lương tối thiểu được pháp luật sở tại quy định tại các tiệm nail, nhà hàng, sòng bạc do các băng nhóm tội phạm bảo kê.
Dự luật Rwanda gây tranh cãi
Để ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép tăng cao, sau khi đắc cử năm 2022, Thủ tướng Sunak đã thực thi nhiều biện pháp cứng rắn để đảm bảo thực hiện cam kết trước đó về "kiểm soát và cắt giảm số lượng người nhập cư vào Anh bằng mọi giá". Cuối năm 2023, Chính phủ Anh đã công bố các quy định thị thực nghiêm ngặt hơn như tăng ngưỡng lương tối thiểu và bổ sung các quy định hạn chế người lao động đưa theo thân nhân, đồng thời mới đây khẳng định thỏa thuận với Chính phủ Pháp dành 480 triệu bảng Anh (khoảng 610 triệu USD) để tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.
Trước đó, tháng 4/2022, Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda về việc đồng ý cho Anh gửi người di cư trái phép đến quốc gia Đông Phi này để phân loại và làm thủ tục xin tị nạn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền khi cho rằng việc gửi người di cư trái phép đến một quốc gia châu Phi cách 6.400km là phi đạo đức. Bên cạnh đó, kế hoạch Rwanda của Thủ tướng Sunak cũng gặp rào cản pháp lý. Tháng 6/2022, các chuyến bay đầu tiên đưa người tị nạn đến Rwanda đã không thể thực hiện được sau phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR).
Tháng 11/2022, Tòa án Tối cao Anh phán quyết chính sách đưa người tị nạn đến Rwanda là bất hợp pháp vì đây không phải là nơi an toàn để người di cư trái phép có thể được gửi đến. Bất chấp điều đó, Chính phủ của Thủ tướng Sunak vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách đưa người tị nạn đến Rwanda, đã sửa đi sửa lại nhiều lần dự luật cho tới khi được Nghị viện Anh chấp thuận hôm 23/4 vừa qua và đã được Vua Charles III ký ban hành.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Sunak khẳng định "Chúng tôi đưa ra đạo luật Rwanda nhằm ngăn chặn các nhóm di cư dễ bị tổn thương bất chấp nguy hiểm vượt biển và triệt phá đường dây buôn bán người của các nhóm tội phạm có tổ chức. Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là tập trung tổ chức các chuyến bay đến Rwanda và tôi khẳng định không có gì có thể cản trở chúng tôi thực hiện kế hoạch này và để bảo vệ tính mạng người di cư".
Theo ông Sunak, Anh sẽ chuyển cho Rwanda khoản tiền ban đầu trị giá 370 triệu bảng Anh. Mỗi người di cư trái phép từ Anh được tiếp nhận, Rwanda sẽ có thêm 20.000 bảng Anh. Với mỗi người trong số đó đủ điều kiện tị nạn, sẽ nhận thêm 150.000 bảng và 120 triệu bảng sẽ được gửi thêm tới Rwanda nếu nước này tiếp nhận nhiều hơn 3.000 người di cư trái phép từ Anh.
Về phía Chính phủ Rwanda, nước này cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế công nhận nhằm đảm bảo quyền lợi cho người xin tị nạn, đồng thời đã có kế hoạch xây dựng 1.000 ngôi nhà dành cho những người bị trục xuất từ Anh. Bà Denisa Delic, Giám đốc vận động tại Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) chi nhánh tại Anh đánh giá: "Bất kể dự luật Rwanda được Nghị viện Anh thông qua, đây vẫn là một cách giải quyết không hiệu quả, tàn nhẫn, tốn kém và không cần thiết. Chính phủ cần phải từ bỏ kế hoạch sai lầm này và tập trung vào việc xây dựng một hệ thống hạ tầng nhân đạo, trật tự hơn dành cho người di cư trái phép tại Anh".
Trong khi đó, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc cho rằng, dự luật mới của Thủ tướng Sunak có thể vẫn phải đối mặt với những rào cản pháp lý, đồng thời các hãng hàng không khai thác chuyến bay trục xuất có thể vi phạm pháp luật nhân quyền quốc tế.
Tương lai nào với người nhập cư bất hợp pháp?
Anh không phải là quốc gia đầu tiên thực hiện biện pháp phân loại người di cư từ bên ngoài lãnh thổ. Trước đó, Chính phủ Italy và ngay cả Liên minh châu Âu đã áp dụng cách thức này tại Albanie, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisie. Tuy nhiên, tương lai của những người nhập cư trái phép vào Anh sẽ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi việc Nghị viện Anh thông qua dự luật Rwanda đồng nghĩa với công nhận Rwanda là quốc gia an toàn cho mục đích tái định cư và những người nhập cư trái phép vào Anh sẽ bị tạm giam, chờ đưa tới Rwanda để phân loại thay vì được ở lại và hưởng các quy chế hỗ trợ người tị nạn. Đơn xin tị nạn của những người nhập cư bất hợp pháp sẽ được xử lý tại Rwanda, ngay cả khi hội đủ tiêu chuẩn của quy chế tị nạn thì họ vẫn chỉ có thể được phép định cư tại Rwanda hoặc một nước thứ ba khác, nhưng không thể là nước Anh. Đây chắc chắn là viễn cảnh mà những người nhập cư không mong muốn.
Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly hôm 25/4 khẳng định: "Đây là bước tiến pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai kế hoạch Rwanda và trục xuất những cá nhân không có quyền sinh sống hợp pháp tại Anh. Cách duy nhất để ngăn chặn nhập cư trái phép bằng thuyền hơi vào Anh là xóa bỏ động lực nhập cư bằng cách đưa ra các thông điệp rõ ràng: Nếu bạn vào Anh bất hợp pháp, bạn sẽ không được phép ở lại".
Với các quy chế định cư ngày càng chặt chẽ, trong tương lai, việc nhập cư vào Anh có lẽ sẽ là thách thức lớn đối với những người tị nạn. Dù không biết tương lai ra sao, nhưng chắc chắn số phận của người nhập cư vẫn do họ tự quyết định, họ sẽ phải cân nhắc và suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi hành động thay vì cố gắng thực hiện những chuyến vượt biên mạo hiểm để hướng về một tương lai bất định.